Để công viên thực sự là 'lá phổi xanh'

Hà Nội đang đẩy mạnh chỉnh trang, làm mới nhiều công viên, vườn hoa nhằm cải thiện không gian xanh và chất lượng sống cho người dân. Tuy nhiên, để các công viên thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân tham gia sinh hoạt, giải trí - thành phố cần có những giải pháp đồng bộ, từ đầu tư hạ tầng đến cách tổ chức, vận hành.

Khu vực vui chơi dành cho trẻ em trong Công viên Thống Nhất. Ảnh: Phạm Hùng

Khu vực vui chơi dành cho trẻ em trong Công viên Thống Nhất. Ảnh: Phạm Hùng

Không gian xanh của TP đang dần thay đổi

Những năm gần đây, Hà Nội đã dành sự quan tâm lớn cho việc phát triển không gian xanh. Hệ thống công viên, vườn hoa được TP xác định là một phần quan trọng trong chiến lược nâng cao chất lượng sống, giúp điều hòa không khí, giảm nhiệt đô thị và tạo ra những điểm sinh hoạt cộng đồng.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2024 đến nay, TP đã hoàn thành việc chỉnh trang, cải tạo 70 công trình, gồm 10 công viên và 60 vườn hoa, vượt 140% chỉ tiêu đặt ra. Nhiều khu vực vốn xuống cấp đã được khoác lên mình diện mạo mới, sạch đẹp, khang trang. Đây là kết quả từ Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025".

Cụ thể, sau gần 5 năm triển khai, nhiều công trình, dự án quan trọng đã được hoàn thành, góp phần thay đổi diện mạo Thủ đô. Một số công trình tiêu biểu gồm: Công viên Ngọc Thụy, Công viên Long Biên, Công viên Lâm Hạ, Công viên hồ điều hòa CV1, Công viên Mai Dịch, Công viên Thiên văn học (quận Hà Đông), Công viên Âm nhạc (quận Hà Đông), Công viên Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) và Công viên Phùng Khoang.

Đặc biệt, Công viên Thống Nhất – một biểu tượng không gian xanh của Hà Nội – đang được TP từng bước cải tạo theo mô hình “công viên mở”. UBND TP đã phê duyệt kế hoạch đầu tư gần 400 tỷ đồng để chỉnh trang công viên trong giai đoạn 2023–2026, với mục tiêu tháo dỡ dần hàng rào sắt bao quanh để công viên hòa nhập với đô thị. Ngoài ra, công viên cũng sẽ được bổ sung các hạng mục vui chơi, cải thiện hệ thống cây xanh và cảnh quan theo hướng hiện đại, thân thiện với người dân.

Cần thêm sức hút

Dù đã có nhiều nỗ lực chỉnh trang, nhưng thực tế cho thấy không ít công viên tại Hà Nội vẫn chưa thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn với đông đảo người dân, nhất là với giới trẻ và trẻ em. Một trong những nguyên nhân là do các khu vui chơi trong công viên hiện còn đơn điệu, thiếu sự đổi mới. Các trò chơi chủ yếu là những thiết bị được lắp đặt từ hàng chục năm trước, nhiều khu vực đã cũ kỹ, hư hỏng nhưng chưa được thay thế kịp thời.

Tại Công viên Thống Nhất – nơi được coi là “công viên trung tâm” của Thủ đô, hiện trạng này vẫn khá phổ biến. Các trò chơi ở đây gần như không thay đổi so với cách đây hàng chục năm. Theo ghi nhận của phóng viên, dù có khá đông người đến Công viên Thống Nhất để đi dạo, đạp xe, chơi các môn thể dục, thể thao khác nhau, nhưng tại các khu vực trò chơi có thu phí lại vắng bóng người qua lại.

Bà Trần Thu Hà (60 tuổi, phố Bà Triệu) bày tỏ: “Tôi sống gần Công viên Thống Nhất từ những năm 90. Hồi trước, công viên là nơi lý tưởng để đưa trẻ con đến chơi, nhưng mấy chục năm rồi vẫn những trò chơi cũ, không thay đổi gì nhiều. Trẻ nhỏ bây giờ thích các khu vui chơi trong trung tâm thương mại vì có nhiều trò hiện đại hơn. Tôi thì vẫn vào công viên để đi bộ, tập thể dục, nhưng không gian cho trẻ con thì rất thiếu hấp dẫn”.

Không chỉ Thống Nhất, các công viên khác như: Thủ Lệ, Bách Thảo cũng gặp tình trạng tương tự. Khu vực vui chơi cho trẻ em tại Công viên Thủ Lệ đã xuống cấp, nhiều chỗ sụt lún, thiết bị gỉ sét, lan can hư hỏng gây nguy hiểm. Công viên Bách Thảo cũng thiếu sân chơi hiện đại, nhà vệ sinh cũ nát, nhiều bãi cỏ bị phá nát do thiếu bảo dưỡng.

Anh Nguyễn Quang Long (34 tuổi, phường Ba Đình) chia sẻ: “Tôi rất thích không gian xanh trong công viên, nhưng nhiều khi đưa con đi chơi mà không biết cho cháu chơi gì. Trẻ em bây giờ cần những khu vui chơi an toàn, sạch sẽ, có các trò chơi mới lạ để phát triển vận động và tư duy. Công viên chỉ toàn thiết bị cũ thì sẽ khó lòng giữ chân được trẻ nhỏ”.

Bên cạnh vấn đề về thiết bị vui chơi, một số vườn hoa, công viên nhỏ trong nội thành cũng đang bị lấn chiếm bởi các hàng quán, dịch vụ cho thuê xe điện, bán hàng rong, khiến không gian công cộng bị thu hẹp. Vườn hoa Lê-nin, vườn hoa Lý Thái Tổ là những ví dụ điển hình khi vào buổi tối, phần lớn diện tích bị các quán nước, dịch vụ tự phát chiếm dụng. Điều này không chỉ gây mất mỹ quan mà còn ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, vui chơi của người dân.

Để khắc phục tình trạng này, nhiều chuyên gia và người dân cho rằng, Hà Nội cần tiếp tục có những giải pháp đồng bộ, không chỉ dừng lại ở việc cải tạo cảnh quan mà còn phải đổi mới cách tổ chức công viên thành không gian sinh hoạt cộng đồng thực sự.

Trước hết, TP cần chú trọng đầu tư các sân chơi hiện đại, thiết bị vui chơi đa dạng, phù hợp với từng nhóm tuổi. Các công viên có thể bố trí thêm khu vui chơi công nghệ, sân thể thao mini, khu vực biểu diễn ngoài trời để thu hút giới trẻ tham gia các hoạt động lành mạnh. Việc này giúp công viên không chỉ là nơi đi bộ hay tập thể dục, mà trở thành nơi gặp gỡ, gắn kết cộng đồng.

Ngoài ra, cần nghiên cứu cơ chế xã hội hóa hợp lý để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, vận hành các khu vực dịch vụ trong công viên nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc công cộng, không thu phí vào cửa. Những doanh nghiệp tham gia có thể phối hợp tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, triển lãm ngoài trời, các lớp học cộng đồng miễn phí để tăng thêm sức sống cho không gian xanh.

Việc quản lý, vận hành sau cải tạo cũng cần được chú trọng, cần tăng cường giám sát, xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, công viên để kinh doanh tự phát. Đồng thời, duy trì công tác bảo trì định kỳ để các thiết bị vui chơi, cảnh quan luôn trong tình trạng sạch đẹp, an toàn.

Khi công viên được đầu tư đúng mức, quản lý tốt và trở thành điểm đến thực sự hấp dẫn cho mọi lứa tuổi, không gian xanh sẽ phát huy được đầy đủ vai trò là “lá phổi xanh” của TP. Không chỉ góp phần làm đẹp đô thị, công viên sẽ là nơi gắn kết cộng đồng, mang lại giá trị sống mới cho người dân Hà Nội.

Minh Nhật

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/de-cong-vien-thuc-su-la-la-phoi-xanh-425005.html