Cấm xe máy xăng: Thách thức lớn cho TP Hà Nội
Hà Nội cần đưa ra lộ trình theo hướng từ năm 2027 tăng 10% xe máy điện vào trung tâm, năm 2028 là 20% xe máy điện vào trung tâm và đến 2030 số xe máy điện vào trung tâm tăng lên 60%.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, Thủ tướng vừa có Chỉ thị giao các bộ, ngành địa phương thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Hà Nội triển khai giải pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, bảo đảm đến ngày 1-7-2026 không còn xe máy chạy bằng xăng lưu thông trong khu vực Vành đai 1.
“Tôi hoàn toàn đồng ý việc hạn chế xe cá nhân, phương tiện chạy bằng xăng, dầu ở các TP lớn như Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, Hà Nội cần nghiên cứu cách làm theo hướng để cư dân toàn thành phố dần từ bỏ xe cá nhân, chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện” - TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông - đô thị chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM.
Hỗ trợ người dân một khoản tiền đủ để thay đổi phương tiện
+ Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào nếu như Hà Nội thực hiện cấm xe máy chạy xăng đi vào Vành đai 1 từ tháng 7 năm sau, thưa ông?

TS Nguyễn Xuân Thủy.
. TS Nguyễn Xuân Thủy: Trước tiên, chúng ta phải khẳng định ô nhiễm môi trường ở Hà Nội hay TP.HCM đang ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Xe máy hay ô tô đều là tác nhân gây ô nhiễm không khí, nhưng để giải quyết vấn đề này cần một chính sách đồng bộ, dài hơi và mang tính thực tiễn.
Đi vào đời sống của người dân nội thành chúng ta thấy còn rất nhiều người khó khăn, đặc biệt là những người ngoại tỉnh đang mưu sinh trong vùng lõi Thủ đô. Đa phần trong số họ sử dụng xe máy kiếm sống bởi đây là phương tiện phù hợp với túi tiền. Trong số những người này có một bộ phận không nhỏ thu nhập thậm chí chưa đủ sống thì khó có tiền để đổi sang xe điện ngay.

Hiện nay, phần lớn người dân sử dụng xe máy chạy bằng xăng. Ảnh: P.HÙNG
Thêm vào đó, xe máy xăng dù có gây ô nhiễm nhưng chỉ bằng 1/10 ô tô, bởi động cơ xe máy nhỏ, động cơ ô tô lớn gấp nhiều lần. Trường hợp cấm xe máy xăng nhưng chưa cấm ô tô có thể khiến một bộ phận người dân băn khoăn.
Ngoài ra, TP hiện chưa xây dựng hệ thống sạc pin, chưa đưa ra được cơ chế chính sách… trong khi những công việc này đòi hỏi cần số tiền lớn và mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, tôi cho rằng lộ trình cấm xe máy xăng vào năm sau là thách thức rất lớn cho TP.
+ Vậy theo ông, để hạn chế xe cá nhân và tiến tới xanh hóa hệ thống giao thông như chỉ thị của Thủ tướng chúng ta phải làm gì?
TP phải bỏ ra khoảng 200 tỉ đồng để hỗ trợ người dân chuyển đổi xe xăng sang xe điện, mức hỗ trợ cho mỗi phương tiện là 15 triệu đồng. Tôi nghĩ rằng nếu TP làm được như vậy người dân sẽ chuyển đổi sang xe điện ngay.
Còn để tư nhân hỗ trợ, thực tế trước đây TP đã giao cho doanh nghiệp hỗ trợ người dân chuyển đổi xe máy cũ nát nhưng với số tiền chỉ 1-2 triệu đồng thì họ khó có đủ tiền để bù vào mua xe điện… nên chiến dịch này thất bại.
Trường hợp không đưa được mức hỗ trợ phù hợp, tôi cho rằng chúng ta phải có một lộ trình phù hợp. Tuy nhiên, trên lộ trình đó phải đảm bảo nguyên tắc giúp người dân từ từ hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân và chuyển đổi phương tiện xanh.
Cụ thể, Hà Nội phải đưa ra lộ trình theo hướng từ 2027 tăng 10% xe máy điện vào trung tâm, năm 2028 là 20% xe máy điện vào trung tâm và đến 2030 số xe máy điện vào trung tâm tăng lên 60%... Với lộ trình như vậy chúng ta có lợi thế như đời đời sống người dân dân tăng cao, giao thông công cộng tốt lên.
Tăng cường đầu tư các tuyến metro xuyên tâm, hướng tâm
+ Thực tế qua nhiều năm hạ tầng giao thông công cộng TP được cải thiện, dù vậy lượng xe cá nhân không giảm, ông đánh giá thế nào?
. Hiện nay hạ tầng giao thông công cộng ở Hà Nội, TP.HCM mới đáp ứng được 10-15% nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, hệ thống giao thông công cộng đang gặp rất nhiều vấn đề.
Chẳng hạn, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông được đầu tư 13 km nhưng chỉ đến gần trung tâm thì hết tuyến nên khó thu hút được khách. Trường hợp tuyến này đầu tư xuyên tâm, tức là đi tiếp đến ga Hà Nội rồi đến bờ hồ Hoàn Kiếm và cắt ngang thủ đô thì lượng người đi mới cao.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đầu tư 13 km nhưng chỉ đến gần trung tâm thì hết tuyến nên khó thu hút được khách. Ảnh: PHI HÙNG
Còn xe buýt hiện có nhiều tuyến nhưng chạy không đúng giờ… Cần phải nâng cao tỉ lệ đúng giờ của các tuyến xe buýt để người dân chủ động thời gian, từ đó thu hút được lượng khách tham gia.
Ngoài khắc phục các hạn chế trên, Hà Nội cần đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án metro, đặc biệt các tuyến xuyên tâm, hướng tâm.
Kết nối giao thông đô thị tốt hơn bằng việc bố trí các tuyến xe buýt ở khu vực nhà ga metro để trung chuyển khách, có điểm trông giữ xe ở các nhà ga để tiện cho người dân sử dụng metro…
Thêm vào đó, chúng ta cần quy hoạch các trạm sạc xe điện, quản lý tốt vấn đề đô thị hóa không để xây nhà cao tầng tràn lan…
Cùng với việc làm tốt các vấn đề trên, Hà Nội cần động viên, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, giảm đi xe cá nhân từ đó tiến tới xanh hóa hệ thống giao thông… Tóm lại, chúng ta phải nỗ lực đáp ứng được hạ tầng giao thông công cộng để người dân dần từ bỏ phương tiện cá nhân, trong đó có xe máy.
Xin cám ơn ông!
Sẽ hỗ trợ người dân chuyển đổi xe điện, nâng tỉ lệ vận tải công cộng
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội khẳng định sẽ nghiên cứu những chương trình, kế hoạch tổng thể, cụ thể để triển khai Chỉ thị của Thủ tướng.
Theo đó, TP chắc chắn phải nghiên cứu một cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện phù hợp nhất cho nhân dân, đặc biệt là người sử dụng phương tiện chạy bằng xăng dầu trong khu vực Vành đai 1, trung tâm của Thủ đô.
Thêm vào đó, ông Tuấn nói TP cũng sẽ đẩy nhanh các dự án metro, cấu trúc lại hệ thống xe buýt… cố gắng nâng tỉ lệ vận tải hành khách công cộng trước mắt cho Vành đai 1 lên gấp đôi so với tỉ lệ chung của toàn TP, bảo đảm 40%.
Nguồn PLO: https://plo.vn/cam-xe-may-xang-thach-thuc-lon-cho-tp-ha-noi-post860519.html