Dễ dàng tra án tại nhà với Thư viện số của Trường ĐH Luật TP.HCM

Với Thư viện số của Trường ĐH Luật TP.HCM, ngay tại nhà, người dùng có thể tra các bản án, quyết định, án lệ... một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Chiều 19-6, Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức buổi giới thiệu các tính năng mới của Thư viện số vào việc học, giảng dạy tại Trường ĐH Luật TP.HCM.

Video: Dễ dàng tra án tại nhà với Thư viện số của Trường ĐH Luật TP.HCM

Tại buổi giới thiệu, GS.TS Đỗ Văn Đại (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng phần lớn sinh viên luật tìm tài liệu về pháp luật Việt Nam để học tập và nghiên cứu. Tuy nhiên, Thư viện số lại chưa có nhiều về pháp luật Việt Nam.

 GS.TS Đỗ Văn Đại (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM). Ảnh: Tấn Lực

GS.TS Đỗ Văn Đại (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM). Ảnh: Tấn Lực

Theo GS.TS Đại, có một số nguồn chính rất quan trọng cho người học luật, nghiên cứu luật. Đầu tiên là văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu này tương đối dễ tìm. Thứ hai là các bản án, quyết định của tòa. Để tìm được một bản án “như ý” mất rất nhiều thời gian, nay với sự liên kết của Trường với Lexcentra việc tìm kiếm án trở nên dễ dàng và có thể tìm cụ thể đến từng điều luật, từng nội dung chi tiết.

Theo ông Đại, kế tiếp là các tạp chí chuyên ngành, nơi có những bài viết chuyên sâu. Hiện nay thư viện số đã có 3 tập chí lớn là Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, Tạp chí Luật học và Tạp chí Nghiên cứu lập pháp. Hi vọng trong thời gian tới sẽ được sự hỗ trợ của các tạp chí khác ở Việt Nam như Tạp chí Nhà nước pháp luật, Tạp chí Dân chủ pháp luật, Tạp chí Tòa án. Loại tài liệu cuối cùng là sách và các công trình nghiên cứu khác cũng rất cần cho người học và nghiên cứu luật.

Với trang thư viện số, ông Đại mong rằng sẽ giải quyết được vấn đề làm sao tìm được tài liệu để nghiên cứu, học tập mà không mất nhiều thời gian và không lệ thuộc địa điểm làm việc.

Tra án dễ dàng

Ông Ngô Kim Hoàng Nguyên (Giám đốc Trung tâm Thông tin thư viện, Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng trong 3 tháng phụ trách, GS.TS Đại đã có những định hướng và giúp đỡ để thay đổi Trung tâm Thông tin thư viện và Thư viện số của trường. Với trang Thư viện số sẽ có các luận văn, khóa luận, hội thảo...người học nhất là những người đã đi làm, lúc rảnh rỗi hoàn toàn có thể tra cứu tại nhà và hoàn thành công trình nghiên cứu của mình.

Tại buổi giới thiệu, ông Trần Ngọc Sơn (Giám đốc Lexcentra) giới thiệu về các tính năng nổi bật khi tra cứu các bản án, quyết định và án lệ trên Lexcentra. Cụ thể như từ khóa có thể tìm đến các bản án một cách dễ dàng, nhanh chóng và chuẩn xác. Lexcentra sử dụng phương pháp AI ngữ nghĩa có thể tóm tính tắt những nội dung của bản án đó. Và trong tương lai, Lexentra sẽ giải đáp vấn đề pháp lý cho một tình huống cụ thể một cách dễ hiểu nhất.

Trước đó, trường ĐH Luật TP.HCM đã ký kết hợp tác chiến lược với Lexcentra, hệ thống tra cứu pháp lý ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm tích hợp công nghệ pháp lý tiên tiến vào khuôn khổ giáo dục của trường.

 Quang cảnh buổi giới thiệu. Ảnh: Tấn Lực

Quang cảnh buổi giới thiệu. Ảnh: Tấn Lực

Chia sẻ về trải nghiệm Thư viện số, chị Đoàn Thị Hiền Ân (cựu sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng nếu như trước đây chị phải rất vất vả nhờ bạn bè, người quen để xin các bản án của tòa để nghiên cứu, có khi xin được 20 đến 30 bản án nhưng vẫn không tìm được bản án đúng nội dung cần nghiên cứu. Nay với Thư viện số của Trường việc tra cứu trở nên rất dễ dàng và không phải đi lại hay mất nhiều thời gian...

Thư viện số Trường ĐH Luật TP.HCM với 19.532 tài liệu

Tính đến thời điểm tháng 6-2024, Thư viện số Trường ĐH Luật TP.HCM đã đưa lên kho số tổng cộng 19.532 tài liệu. Trong đó, bài viết tạp chí chuyên ngành luật 5.617, tài liệu nội sinh (Luận văn, luận án, khóa luận) 3.263, kỷ yếu hội thảo, đề tài nghiên cứu khoa học 267.

Ngoài ra còn có các tài nguyên truy cập mở (Tài liệu gắn link) 10.468, các cơ sở dữ liệu mua ngoài có cơ sở dữ liệu điện tử nước ngoài 3 cơ sở dữ liệu là Heinonline, Westlaw, Iglibrary.

Cơ sở dữ liệu điện tử trong nước, tra cứu văn bản pháp luật có Luật Việt Nam và Thư viện pháp luật, cơ sở dữ liệu tra cứu án lệ, bản án, quyết định của tòa án của Lexcentra...

Tính năng tra cứu bản án/quyết định/án lệ trên Lexcentra hiện đang hoàn thiện.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-dang-tra-an-tai-nha-voi-thu-vien-so-cua-truong-dh-luat-tphcm-post796471.html