Để doanh nghiệp không 'gom' lao động
Hiện đơn hàng của doanh nghiệp (DN) dệt may phục hồi tương đối tốt, sau những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và những diễn biến khó lường của tình hình thế giới.
Theo thông tin từ các DN, từ quý III-2023 đến nay thị trường dệt may đã có những dấu hiệu ấm lên. Năm 2024, tổng cầu mặt hàng dệt may của các DN trong nước được dự báo tăng 5-6% so với năm 2023. Dù chưa bằng so với thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19 nhưng điều đáng mừng là nhiều DN dệt may đã có đơn hàng đến hết năm 2024 và đang đàm phán đơn hàng cho năm 2025. Xuất nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan trong những tháng tới, bởi theo yếu tố chu kỳ nhu cầu hàng hóa thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Điều này được thấy rõ khi các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang phục hồi và tăng trưởng trở lại như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada…
Tại Bình Dương, có những DN mức tăng trưởng đơn hàng trên 100% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này khiến DN đôn đáo “gom” lao động để đáp ứng kịp đơn hàng. Việc khát lao động được cho là do nửa cuối năm cũng là cao điểm về đơn hàng, phục vụ dịp Noel và chào đón năm mới. Với đà tăng trưởng liên tiếp trong những tháng gần đây là cơ sở để ngành dệt may hoàn thành kế hoạch đề ra cho năm 2024.
Dự báo, từ tháng 10-2024 đến tháng 2-2025 sẽ xuất hiện tình trạng “thúc” đơn hàng từ các đối tác, các DN có thể sẽ phải tuyển thêm nhiều lao động thời vụ để đáp ứng kịp đơn hàng cho khách hàng. Tuy vậy, hiện nay việc tuyển dụng lao động không phải dễ dàng, ngay cả với những công ty lớn, trả lương cao và phúc lợi xã hội tốt. Thực tế, tình trạng thiếu lao động là do một phần năm 2023 và nửa đầu năm 2024 có những thời điểm đơn hàng khó khăn, buộc DN phải giảm giờ làm, giảm lao động. Trong điều kiện đó, người lao động không có việc làm nên đã về quê sinh sống, cùng với đó thời điểm hiện tại đã gần đến Tết Nguyên đán 2025 nên người lao động cũng không có ý định quay trở lại làm việc ngay. Thực tế này cho thấy, đã đến lúc DN cần có thêm các chính sách trợ cấp nhằm giữ chân người lao động, để phát triển ổn định, lâu dài.
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/de-doanh-nghiep-khong-gom-lao-dong-a331324.html