Để du lịch Bình Phước cất cánh
Bài 3:
ĐỊNH VỊ GIÁ TRỊ VÀ VỊ THẾ
Ngọc Bích
BPO - Không phải ngẫu nhiên Bình Phước có vị trí chiến lược quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược của đất nước. Bình Phước có địa thế và không gian văn hóa kết nối giữa Tây Nguyên với TP. Hồ Chí Minh và tiếp giáp Vương quốc Campuchia. Đặc biệt, các di tích lịch sử, văn hóa kết nối từ các tuyến đường Trường Sơn đến các tỉnh Đông Nam Bộ. Vì vậy, khi định vị giá trị và vị thế của tỉnh Bình Phước phải nhìn ở không gian văn hóa rộng hơn và phải đặt trong phạm vi kết nối, liên kết vùng.
Cần đầu tư tương xứng
Hiện toàn tỉnh có 45 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia, 28 di tích cấp tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận, đó là đờn ca tài tử Nam Bộ; 6 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 25 di sản phi vật thể cấp tỉnh. Các bảo tàng trên địa bàn tỉnh đang lưu giữ, quản lý 15.360 hiện vật, đặc biệt trong đó có bảo vật quốc gia là bộ đàn đá Lộc Hòa. Di tích lịch sử, di sản văn hóa là nguồn tài nguyên quý để xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Song thực tế, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản trên địa bàn tỉnh đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Văn Chung cho biết, hiện nguồn lực đầu tư cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa còn thiếu cả về vật chất lẫn con người. Hằng năm, nguồn kinh phí đầu tư cho văn hóa nói chung và bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, di sản văn hóa còn rất thấp. Tổng kinh phí chi cho hoạt động văn hóa toàn tỉnh trên cả hai lĩnh vực sự nghiệp và đầu tư hằng năm chỉ chiếm 0,46% tổng chi ngân sách của tỉnh, trong khi mức bình quân chung cả nước là 1%.
Với mức đầu tư này hiện rất thấp so với mục tiêu chi đầu tư cho văn hóa theo Kết luận số 30-KL/TW ngày 20-7-2004 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX là phải đạt 1,8% tổng chi ngân sách nhà nước; hoặc theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, thì mục tiêu phải đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, nhân sự bố trí cho công tác chuyên trách thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chỉ bố trí được ở cấp tỉnh.
Thời gian qua, việc xây dựng các di tích trở thành sản phẩm du lịch thực sự chưa xứng tầm với giá trị vốn có, dẫn đến chưa đáp ứng nhu cầu cũng như sự hấp dẫn người dân trong tỉnh và du khách gần xa đến tham quan, tìm hiểu. Nguyên nhân là do chưa xác định được biểu trưng, cốt lõi, thế mạnh của nền di sản được tích hợp từ nhiều yếu tố như: sự đa dạng về thành phần dân tộc, phong phú các di tích, di sản trên địa bàn tỉnh; không gian di tích lịch sử, văn hóa rộng lớn… Đây chính là thế mạnh để phát triển du lịch khi tỉnh được xem là vùng đất thiên thời, địa lợi, nhân hòa, trong đó hai yếu tố cốt lõi là di tích và con người đã hội tụ đầy đủ trên mảnh đất Bình Phước.
Đưa di tích đến gần hơn với du khách
Nhìn ở góc độ khoa học, để phát triển bền vững phải đầu tư song song cả phát triển kinh tế và văn hóa. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ lịch sử phát triển, Bình Phước khi mới tái lập có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng yếu và thiếu; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, hộ nghèo và cận nghèo còn nhiều, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh rất khó khăn. Vì vậy, tỉnh ưu tiên cho nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội để thay đổi diện mạo của tỉnh, nâng cao đời sống người dân. Khi kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng lên, việc cân đối ngân sách để đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, di tích được quan tâm hơn. Tuy nhiên, so với khối lượng di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh là chưa tương xứng. Do vậy, hằng năm tỉnh ưu tiên kinh phí cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích từ nhiều nguồn vốn khác nhau.
Cụ thể, từ năm 2018 đến tháng 6-2023, toàn tỉnh đã đầu tư kinh phí hơn 12,8 tỷ đồng. Trong đó, 4,9 tỷ đồng từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cho tu bổ cấp thiết đối với 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh; kinh phí từ ngân sách tỉnh giao Bảo tàng tỉnh thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích hơn 7,9 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, hằng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị, địa phương liên quan đã thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ, tu bổ cấp thiết, tôn tạo, bảo tồn một số di tích kịp thời.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát lại tổng thể các công trình, di tích để có phương án đầu tư phù hợp; nghiên cứu về quy hoạch cụ thể cung đường, cụm di tích và kết nối các di tích trên địa bàn tỉnh. Sở cần nghiên cứu phối hợp theo hình thức công - tư trong thực hiện du lịch, khuyến khích người dân tham gia tích cực vào phát triển du lịch. Bên cạnh đó, chú trọng số hóa lĩnh vực du lịch, đặc biệt ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quảng bá, tuyên truyền...
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đồng Xoài, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh
HÀ ANH DŨNG
Để phát huy lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, nhiều năm nay, Bình Phước đã đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá rộng rãi về các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đến với du khách. Song song đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đến nay đã có 2 di tích được thực hiện số hóa, xây dựng mô hình tham quan 3D, gồm: Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Tà Thiết và di tích Địa điểm Căn cứ Cục Hậu cần Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ đó, hằng năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu…
Thông qua hoạt động tham quan, về nguồn của các đơn vị, tổ chức và cá nhân tại các di tích đã tuyên truyền, giáo dục về giá trị văn hóa, lịch sử địa phương. Giúp người dân và du khách hiểu thêm về ý nghĩa các di tích văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng của đất và người Bình Phước. Từ đó, ngày càng nâng cao ý thức bảo vệ và phát huy giá trị các di tích.
Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch Bình Phước, ngày 25-11-2022, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đề án đề ra mục tiêu tổng quát, hình thành một số sản phẩm du lịch, dịch vụ tổng hợp cấp tỉnh, hạ tầng dịch vụ, du lịch ở trung tâm các huyện, thị xã và thành phố. Trong đó, chú trọng hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng như: du lịch tìm hiểu lịch sử, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng và trải nghiệm mang nét đặc trưng, khác biệt để khẳng định thương hiệu du lịch Bình Phước.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/20/148784/de-du-lich-binh-phuoc-cat-canh