Để du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững
Trong định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, nông thôn là một trong những dòng sản phẩm du lịch chủ đạo. Quảng Trị là tỉnh nông nghiệp và 70% dân số sống ở khu vực nông thôn nên du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới đang trở thành xu hướng được quan tâm, góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu quan trọng: phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng nông thôn mới bền vững.
Nở rộ xu hướng du lịch gắn với cộng đồng
Nếu như trước đây du khách du lịch đến Quảng Trị thường chỉ biết đến các tuyến truyền thống gắn với các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu như: Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh; Khu di tích lịch sử quốc gia Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Thành Cổ Quảng Trị; đường Trường Sơn, hàng rào điện tử McNamara, Cồn Tiên, Dốc Miếu, sân bay Tà Cơn…, thì nay trong các chương trình tour du lịch quảng bá đều có gắn với các điểm du lịch cộng đồng, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm cuộc sống người dân địa phương với những sinh hoạt rất đời thường.
Thời gian qua, hoạt động du lịch cộng đồng ở Quảng Trị dần phát triển nở rộ, thu hút được lượng lớn khách nội địa, nội tỉnh đến tham quan, check-in, trải nghiệm, góp phần tạo việc làm, tiêu thụ nông sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Nhiều địa phương trong tỉnh đã chú trọng phát triển các làng nghề truyền thống, các nghề tiểu thủ công nghiệp để sản xuất các mặt hàng lưu niệm, phát triển sản phẩm OCOP đặc sản nông nghiệp chất lượng cao phục vụ khách du lịch.
Một số lễ hội truyền thống như: Lễ hội chợ đình Bích La, A Riêu Ping (bốc mã), Lễ mừng lúa mới, Lễ hội cồng chiêng... cũng được các địa phương phục hồi, phát triển để thu hút du khách. Đặc biệt, các mô hình dịch vụ du lịch chuyển đổi từ canh tác nông nghiệp do các cá nhân, hộ gia đình triển khai như các vườn hoa: Miền Viên Thảo, Chân trời, Tà Cơn; Khe Sanh Valleyfam, Bungalow 5 mùa (huyện Hướng Hóa); các khu du lịch cộng đồng Klu (Đakrông), Chênh Vênh (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa); Giếng cổ Gio An (xã Gio An, huyện Gio Linh); khu du lịch Trằm Trà Lộc (xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng)... hoạt động có hiệu quả, mang lại màu sắc tươi mới cho du lịch Quảng Trị.
Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình dịch vụ du lịch chuyển đổi từ canh tác nông nghiệp chưa được cấp phép ở một số địa phương đang đặt ra nhiều thách thức cho du lịch cộng đồng phát triển bền vững.
Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái các địa phương theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng phát triển du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng.
Các chính sách nổi bật của tỉnh gồm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị theo Nghị quyết số 02 ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh, giai đoạn 2018 - 2021, trong đó có một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch homestay, famstay; chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị theo Nghị quyết số 12 ngày 15/4/2022 của HĐND tỉnh, giai đoạn 2022-2030, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.
UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng quy hoạch, lập các dự án đầu tư vào các khu du lịch cộng đồng: đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều dự án hạ tầng phục vụ phát triển du lịch như: tuyến đường ven biển nối các bãi tắm cộng đồng Cửa Việt, Gio Hải, Trung Giang (thuộc huyện Gio Linh); Cửa Tùng, Vĩnh Thái (thuộc huyện Vĩnh Linh); đường nội bộ đến bãi tắm Nhật Tân (huyện Triệu Phong), Hải Khê, Mỹ Thủy (huyện Hải Lăng); tuyến đường vào khu du lịch thác Tà Puồng, thác Ba Vòi...
Khu dịch vụ du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ được xác định là khu du lịch động lực nhằm kêu gọi đầu tư và phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Nơi đây đã thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là công trình về giao thông, điện, nước… để mời gọi các nhà đầu tư dịch vụ du lịch, tạo điều kiện phát triển du lịch biển của tỉnh, trong đó đang tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ Ngân hàng ADB theo dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng - giai đoạn II” với tổng mức đầu tư 11,434 triệu USD.
Tại điểm du lịch cộng đồng ở Gio An (huyện Gio Linh), hiện nay các ngành chức năng và địa phương đang tiến hành xây dựng quy hoạch (khoanh vùng) bảo tồn, tôn tạo di tích Hệ thống công trình khai thác nước cổ gắn với phát triển du lịch; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường bê tông kết nối giữa các giếng cổ, bãi đổ xe khu vực Giếng Trạng, nhà vệ sinh, hệ thống điện nước, tu bổ chống xuống cấp hệ thống công trình khai thác nước cổ Gio An…
Những tín hiệu tích cực đó đã tạo sức hút đầu tư hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, xu hướng du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, văn hóa bản địa của cộng đồng dân cư, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hướng đến du lịch có trách nhiệm
Phát triển du lịch cộng đồng sẽ góp phần bảo vệ tài nguyên du lịch và văn hóa bản địa, tạo việc làm, tiêu thụ nông sản và tăng thu nhập cho người dân địa phương. Du lịch cộng đồng phát triển bền vững tạo động lực thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình dịch vụ du lịch chuyển đổi từ canh tác nông nghiệp một cách tự phát, chưa được cấp phép ở huyện Hướng Hóa và một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh thời gian qua đang đặt ra nhiều thách thức cho du lịch cộng đồng phát triển bền vững.
Đồng thời, phát triển du lịch cộng đồng không được quản lý tốt sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường tự nhiên do khai thác quá tải tài nguyên du lịch và nguy cơ thương mại hóa, tầm thường hóa văn hóa bản địa để kiếm tiền nhanh, từ đó sớm hay muộn sẽ suy giảm lòng mến khách và sự phát triển bền vững của du lịch. Vì vậy, trong du lịch cộng đồng, sự lựa chọn bắt buộc là phải sử dụng có trách nhiệm các tài nguyên du lịch cả về thiên nhiên lẫn văn hóa.
Du lịch cộng đồng được tỉnh Quảng Trị xác định là một trong những giải pháp căn cơ để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người dân nông thôn; góp phần phát triển du lịch bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Phát triển du lịch cộng đồng phải coi trọng lợi ích của người dân, chú trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; lấy lợi ích của cộng đồng dân cư địa phương là trên hết, lấy văn hóa đặc trưng của tỉnh và các thế mạnh về tài nguyên du lịch để tạo sự khác biệt, thương hiệu riêng cho du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Trị.
Tập trung quy hoạch, gắn kết phát triển du lịch cộng đồng với việc hình thành các sản phẩm đặc sản nông nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của địa phương làm cơ sở để thu hút khách du lịch đến trải nghiệm, tiêu thụ.
Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng, góp phần phát triển du lịch cộng đồng bền vững, du lịch có trách nhiệm nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên du lịch, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng để du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, nâng cao mức sống của cộng đồng dân cư.
Điều cốt lõi của phát triển bền vững là sự cân bằng giữa cung - cầu cả hiện tại và tương lai. Để du lịch cộng đồng của tỉnh phát triển bền vững, khai thác lâu bền các giá trị của cộng đồng, nhất thiết phải thực hiện du lịch có trách nhiệm, chia sẻ lợi ích công bằng giữa các bên tham gia cũng như tái đầu tư cho cộng đồng, giúp người dân thay đổi nhận thức và hành động thiết thực để phát triển du lịch cộng đồng một cách chuyên nghiệp.