Để Festival 'Về miền ví, giặm - kết nối tinh hoa di sản' lan tỏa sâu rộng

Festival 'Về miền ví, giặm - kết nối tinh hoa di sản' là dịp để các tầng lớp nhân dân cùng nhau tôn vinh và gìn giữ một di sản văn hóa vô giá. Hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An đang tích cực chuẩn bị cho mùa hội lớn của dân ca xứ Nghệ.

Kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh, 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An đã lên kế hoạch phối hợp tổ chức Festival “Về miền ví, giặm - kết nối tinh hoa di sản”.

Theo đó, Festival sẽ được tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Nghệ An tổ chức từ ngày 27-30/11/2024 với các hoạt động chính: Cầu truyền hình trực tiếp chương trình nghệ thuật “Đôi bờ ví, giặm” giữa 2 điểm cầu Nghệ An và Hà Tĩnh; các hoạt động diễn ra tập trung tại TP Hà Tĩnh gồm: trưng bày và trình diễn di sản văn hóa kết hợp các sản phẩm du lịch; Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh; hội nghị - hội thảo quốc gia đánh giá công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

 Lễ hội đường phố "Sắc màu di sản" là hoạt động đặc sắc của Festival "Về miền ví, giặm" tại Nghệ An năm 2023.

Lễ hội đường phố "Sắc màu di sản" là hoạt động đặc sắc của Festival "Về miền ví, giặm" tại Nghệ An năm 2023.

Là địa phương chủ trì sự kiện, thời điểm này, Hà Tĩnh đã triển khai nhiều nội dung để đảm bảo Festival “Về miền ví, giặm - kết nối tinh hoa di sản” diễn ra thành công. Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 486/KH-UBND ngày 16/10/2024 triển khai chi tiết Kế hoạch số 390/KH-UBND ngày 20/8/2024 về tổ chức Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản”. Kế hoạch phân công các nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan, phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả để Festival lan tỏa sâu rộng đến với đông đảo quần chúng nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Ông Trần Xuân Lương - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh cho biết: “Là đơn vị thực hiện nhiều đầu mối, phần việc của Festival, sau khi có Kế hoạch 486 của UBND tỉnh, chúng tôi đã tiến hành chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các đơn vị trực thuộc tiến hành thực hiện các nội dung được giao. Cụ thể, sở đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền trực quan, treo băng cờ khẩu hiệu chào mừng Festival tại TP Hà Tĩnh và các địa phương; tham mưu thành lập ban tổ chức, các nội dung, khách mời dự Festival; phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài tỉnh chuẩn bị công tác hậu cần… Đồng thời, chỉ đạo Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh tiến hành xây dựng kịch bản chương trình nghệ thuật “Đôi bờ ví, giặm” và các chương trình biểu diễn tại các hoạt động; chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh xây dựng chương trình Dân ca ví, giặm tham gia Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh và chuẩn bị các điều kiện cho các hoạt động trong khuôn khổ Festival diễn ra tại trung tâm... Đến thời điểm này, các phần việc đang được các đơn vị triển khai đúng tiến độ”.

 TP Hà Tĩnh sẽ là nơi diễn ra các hoạt động chính Festival "Về miền ví, giặm - kết nối tinh hoa di sản" năm 2024.

TP Hà Tĩnh sẽ là nơi diễn ra các hoạt động chính Festival "Về miền ví, giặm - kết nối tinh hoa di sản" năm 2024.

Thực hiện chỉ đạo của Sở VH-TT&DL, các đơn vị liên quan cũng đã bắt đầu triển khai các phần việc. Theo đó, Phòng Quản lý văn hóa đã tiến hành đặt các tác giả, nhà nghiên cứu viết tham luận cho hội nghị - hội thảo quốc gia đánh giá công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh hoàn thành việc xây dựng kịch bản chương trình nghệ thuật “Đôi bờ ví, giặm”. Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh bắt đầu triển khai chuẩn bị các pano, áp phích tuyên truyền trực quan chào mừng Festival, xây dựng chương trình Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh và các điều kiện hội trường, âm thanh, ánh sáng… cho các sự kiện chính trong khuôn khổ Festival diễn ra tại trung tâm…

Ông Nguyễn Tiến Chương - Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh cho biết: Bên cạnh xây dựng xong kịch bản chương trình nghệ thuật “Đôi bờ ví, giặm”, sản xuất bản demo chương trình, chúng tôi cũng đã lên kế hoạch tiến hành tổ chức tập luyện vào cuối tháng 10/2024”.

Là đơn vị cùng phối hợp tổ chức Festival, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 664/KH-UBND ngày 26/8/2024 về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thực hiện kế hoạch của tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An đã ra Thông báo số 2438/TB-SVHTT, ngày 28/9/2024 về phân công nhiệm vụ phục vụ các hoạt động kỷ niệm.

 Festival "Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản" năm 2024 tại Hà Tĩnh sẽ có sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật truyền thống ở các vùng miền cả nước. (Trong ảnh: Biểu diễn các loại hình di sản tại Festival Dân ca ví giặm 2023 tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An).

Festival "Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản" năm 2024 tại Hà Tĩnh sẽ có sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật truyền thống ở các vùng miền cả nước. (Trong ảnh: Biểu diễn các loại hình di sản tại Festival Dân ca ví giặm 2023 tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An).

Bên cạnh một số hoạt động riêng trên địa bàn tỉnh, Nghệ An tập trung xây dựng các chương trình phối hợp với Hà Tĩnh. Trong đó, giao Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An xây dựng chương trình nghệ thuật “Đôi bờ ví, giặm” thực hiện cầu truyền hình trực tiếp 2 tỉnh. Phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An) tham mưu chỉ đạo Trung tâm Văn hóa tỉnh xây dựng chương trình của tỉnh Nghệ An tham gia Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; phối hợp với Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” tại Festival…

Được giao xây dựng chương trình nghệ thuật “Đôi bờ ví, giặm”, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An đã triển khai công việc đúng tiến độ. Ông Trần Quốc Chung - Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An cho biết: “Festival “Đôi bờ ví, giặm - kết nối tinh hoa di sản” lần này là sự kiện đặc biệt nhằm kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây cũng là dịp để lan tỏa hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm trong đời sống Nhân dân. Vì vậy, chúng tôi dành nhiều tâm huyết trong việc xây dựng chương trình nghệ thuật “Đôi bờ ví, giặm” cầu truyền hình trực tiếp giữa 2 tỉnh. Trung tâm đã hoàn thiện kịch bản do NSND Nguyễn An Ninh chắp bút, NSND Trịnh Hồng Lựu đạo diễn, sẽ tiến hành tập luyện vào đầu tháng 11/2024”.

Với sự phối hợp chặt chẽ và triển khai đồng bộ các kế hoạch giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, tin tưởng Festival “Đôi bờ ví, giặm - kết nối tinh hoa di sản” sẽ thành công rực rỡ. Đây không chỉ là sự kiện văn hóa lớn mà còn là dịp để Nhân dân đôi bờ sông Lam cùng nhau ôn lại truyền thống, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương.

Anh Thùy - Nguyên Hoàng

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/de-festival-ve-mien-vi-giam-ket-noi-tinh-hoa-di-san-lan-toa-sau-rong-post276167.html