Để giảm thiểu ùn tắc giao thông: Không cho phép xe khách chạy xuyên tâm Thủ đô

Theo ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội, sau khi thực hiện điều chỉnh luồng tuyến, tình hình trật tự an toàn giao thông tại Hà Nội được đánh giá tốt hơn.

Sáng 6/12, Báo Giao thông tổ chức tọa đàm "Quy định luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh Hà Nội: Giữ hay bỏ?.

Từ năm 2017 đến nay, Hà Nội vẫn đang thực hiện việc sắp xếp luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh theo phương án phân luồng xe đến từ hướng nào sẽ vào bến đầu tiên của hướng đấy. Nói cách khác, xe khách đến từ các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc sẽ vào các bến xe nằm tại các vị trí tương ứng Đông, Tây, Nam, Bắc của Hà Nội.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho rằng: "Với Hà Nội, sau khi thực hiện điều chỉnh luồng tuyến, chúng tôi đánh giá tình hình trật tự ATGT đã tốt hơn".

Các khách mời tham dự tọa đàm.

Các khách mời tham dự tọa đàm.

Theo ông Tuyển, trước khi vành đai 3 chưa mở, khu vực này chỉ là đường vành đai. Nhưng khi Hà Nội sáp nhập với Hà Tây thì vành đai 3 lại là đường xuyên tâm qua thành phố. Do đó, từ 2008 trở đi, lưu lượng lưu thông qua khu vực cũng dần tăng nhanh dẫn tới ùn tắc giao thông.

Ông Tuyển cho rằng, Hà Nội muốn điều chuyển để giảm ùn tắc giao thông và cơ bản đã đạt được mục đích. Việc bố trí xe tại Hà Nội hoàn toàn tuân thủ các quy định của Chính phủ và Bộ GTVT.

Trước đây, việc sắp xếp các bến xe để đảm bảo sự ổn định của các doanh nghiệp vận tải và sắp xếp các hướng tuyến để ưu tiên cho người dân đi lại ổn định.

Các tuyến đi các tỉnh Tây Bắc sẽ vào bến xe Yên Nghĩa, phía Nam cũng vào Yên Nghĩa, các tuyến đi cầu Thăng Long vào bến xe Mỹ Đình, các tuyến đi quốc lộ 1A vào bến xe Giáp Bát và bến xe Nước Ngầm.

Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB GTVT cho rằng, chủ trương quy định vận tải theo luồng tuyến của cơ quan chức năng từ năm 2016 – 2017 là phù hợp với tình hình thực tiễn. Mục tiêu của vận tải hành khách là nhanh, rẻ, an toàn, tiện nghi và văn hóa. Muốn nhanh được, các bến xe phải quy hoạch theo hướng cụ thể.

"Sắp xếp được các tuyến vận tải sẽ tránh được sự trùng lặp, hạn chế phương tiện lưu thông xuyên tâm thành phố, nâng cao tính an toàn.

Tuy nhiên, vận tải hành khách là vận tải hàng hóa đặc biệt. Bên cạnh yêu cầu lái xe phải có đạo đức, tôn trọng hành khách thì việc phân luồng tuyến cũng cần khoa học, không nên điều hành một cách áp đặt mà phải theo tính chất đặc thù", TS Nguyễn Xuân Thủy nêu quan điểm.

Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Nguyễn Xuân Thủy cho biết, quy định về luồng tuyến vận tải đã được đề cập trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật và được tiếp tục cụ thể hóa tại Nghị định 41 được ban hành tháng 4/2024.

Trong Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đường bộ đang được trình Chính phủ, quy định luồng tuyến vận tải cũng được đề cập nhằm giữ sự ổn định để các doanh nghiệp đầu tư, khai thác ổn định các tuyến vận tải.

"Nghị định 41 đã phân cấp cụ thể cho địa phương để thuận lợi cho công tác quản lý phù hợp với từng tỉnh thành và để các tuyến vận tải cố định tiếp cận các tuyến xe phù hợp nhất, dễ dàng nhất.

Thực tế 8 năm qua, việc điều chỉnh được đánh giá đạt hiệu quả cao. Tất nhiên, sẽ có những tác động nhất định đến hoạt động của các doanh nghiệp nhưng đó là tất yếu và phân luồng tuyến là việc cần phải làm", Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.

Lê Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/de-giam-thieu-un-tac-giao-thong-khong-cho-phep-xe-khach-chay-xuyen-tam-thu-do-10295978.html