Để học sinh đến trường an toàn

Phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, đảm bảo an toàn sức khỏe, an toàn giao thông là vấn đề lớn, được cả xã hội quan tâm, đặc biệt đối với lứa tuổi học sinh. Do đó, việc thực hiện đồng bộ các biện pháp để giảm thiểu tai nạn thương tích, tai nạn giao thông trong lứa tuổi học sinh là vấn đề quan trọng được các cấp, ngành chức năng tập trung thực hiện.

Những ngày đầu năm học 2024-2025, do ảnh hưởng bởi hoàn lưu cơn bão số 3, nhiều địa phương, trường học chịu ảnh hưởng do mưa bão, ngập lụt khiến công tác dạy và học tại nhiều trường học, cơ sở giáo dục bị gián đoạn. Theo tổng hợp của ngành Giáo dục, toàn tỉnh có 194 trường bị thiệt hại về tài sản, trong đó 60 trường bị tốc mái, 23 trường bị ngập, 406 cây xanh của các nhà trường bị đổ.

Lực lượng đoàn viên, thanh niên hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa bão tại huyện Hạ Hòa

Lực lượng đoàn viên, thanh niên hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa bão tại huyện Hạ Hòa

Tại huyện Hạ Hòa, có 13 trường bị đổ tường bao, tốc mái, hư hỏng thiết bị dạy học và 6 trường bị ngập sâu. Một số trường ít bị ảnh hưởng được trưng dụng làm điểm tập kết, sơ tán, di dời đảm bảo an toàn cho Nhân dân. Mưa bão cũng khiến nhiều gia đình bị cô lập hoặc phải sơ tán khẩn cấp để đảm bảo an toàn, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, tâm lý của các em học sinh và gia đình. Dưới sự hỗ trợ, giúp đỡ, đồng hành của lực lượng chức năng và các cơ quan, đơn vị, tổ chức... công tác khắc phục hậu quả mưa bão được huyện Hạ Hòa khẩn trương triển khai, tạo điều kiện an toàn đón học sinh trở lại trường...

Cô giáo Trần Thị Tô Thắm - Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Hạ Hòa cho biết: Cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, đồng nghiệp tại các trường trên địa bàn thị trấn, nhà trường đã huy động 100% cán bộ, giáo viên nhanh chóng thực hiện các biện pháp phục hồi cơ sở vật chất, dọn vệ sinh tại các lớp học, sân trường. Đồng thời xử lý tiêu trùng khử độc toàn bộ khuôn viên trường, đảm bảo môi trường sạch sẽ, tránh để phát sinh, lây nhiễm bệnh tật sau mưa lũ.

Năm nay, các trường học tại huyện miền núi Tân Sơn không bị ngập, chia cắt nhiều như ở Hạ Hòa, tuy nhiên, những nguy cơ mất an toàn, có thể xảy ra tai nạn thương tích, đuối nước đối với các em học sinh vẫn luôn hiện hữu. Do đó, các địa phương, trường học trên địa bàn huyện đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo cho học sinh đến lớp an toàn.

Do địa hình đồi núi, lại có suối Mang, suối Thân chảy qua, giao thông tại xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn khá phức tạp khi có trên 10 đập tràn, 1 cây cầu. Toàn xã có 3 trường học ở các cấp học mầm non, tiểu học, THCS và điểm trường mầm non tại khu Bến Thân. Các trường học cơ bản không bị ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai do mới được đầu tư xây dựng, tuy nhiên, vào mùa mưa, lượng nước qua các đập tràn lớn, ảnh hưởng không nhỏ tới việc đi học của các cháu học sinh.

Đồng chí Hà Thanh Giáp - Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn cho biết: Song song với công tác tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên về việc đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông và phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em, địa phương đã huy động các lượng như: Công an, quân sự, Tổ an ninh trật tự, cán bộ khu dân cư... tổ chức hướng dẫn, đưa các cháu qua cầu, đập tràn vào những ngày mưa bão. Trường hợp mưa to, nguy hiểm, các lực lượng sẽ tổ chức lập chốt chặn, không để người lớn, trẻ em tự ý qua đập tràn để đảm bảo an toàn. Đồng thời, địa phương cũng rà soát, cắm biển cảnh báo tại một số điểm có nguy cơ sạt lở cao để người dân lưu ý khi tham gia giao thông, vận động di dời các hộ dân đến nơi an toàn.

Lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý các trường hợp học sinh vi phạm TTATGT

Những nguy cơ mất an toàn do thiên tai, mưa bão có tác động lớn, ảnh hưởng đến nhiều người, nhưng mang tính thời điểm, đột suất. Ngược lại, việc tham gia giao thông an toàn đối với học sinh diễn ra hằng ngày cũng là mối quan tâm hàng đầu của các gia đình, nhà trường.

Anh Bùi Đình Trung (phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì) chia sẻ: Giờ đi học và tan trường của các cháu học sinh cũng là giờ cao điểm, đường đông, tuy nhiên, một số cháu điều khiển phương tiện đi rất ẩu, thiếu quan sát, chở 3 người... Các cháu chưa hề được đào tạo qua các lớp học về lái xe, chưa có kỹ năng, kinh nghiệm điều khiển phương tiện nên rất nguy hiểm. Mặt khác, các cháu học sinh chưa thể tự mua phương tiện, do đó, việc học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ thì trách nhiệm lớn thuộc về phụ huynh, gia đình...

Công an huyện Lâm thao tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh tại Trường THPT Phong Châu

Công an huyện Lâm thao tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh tại Trường THPT Phong Châu

Năm nay, lực lượng CSGT toàn tỉnh đồng loạt ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tháng 10/2024. Trong đó, các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ và quy định về TTATGT của các em học sinh cũng như người giao phương tiện cho các em học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện, những vi phạm quy định về hành lang ATGT đường bộ và các hành vi khác là nguy cơ gây tai nạn cho học sinh đều sẽ bị lực lượng chức năng xử lý.

Lực lượng CSGT cũng sẽ phối hợp với các địa phương, nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ đối với phụ huynh và học sinh, qua đó tăng cường trách nhiệm của phụ huynh và nhà trường, giáo viên với học sinh; tạo sự liên kết giữa nhà trường, gia đình.

Bên cạnh các giải pháp của ngành chức năng và các địa phương, cần sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong việc giáo dục, nhắc nhở cũng như tăng cường quản lý, hướng dẫn kỹ năng đảm bảo an toàn cho học sinh. Qua đó, góp phần bảo vệ sức khỏe thể chất, tinh thần của học sinh, để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Hoàng Giang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/de-hoc-sinh-den-truong-an-toan-221392.htm