Để huyện Sơn Hòa phát triển bền vững sau sáp nhập

Với đặc điểm tự nhiên thuận lợi nằm ở vị trí vùng núi cao, địa hình đa dạng, huyện Sơn Hòa hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch.

Tác giả (thứ hai từ trái qua) cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường và Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa đi khảo sát thực tế tại huyện Sơn Hòa. Ảnh: CTV

Tác giả (thứ hai từ trái qua) cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường và Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa đi khảo sát thực tế tại huyện Sơn Hòa. Ảnh: CTV

Đa dạng tiềm năng về nông nghiệp, du lịch

Huyện Sơn Hòa có tổng diện tích gieo trồng gần 28.000ha, có giao thông nông thôn thuận lợi, nhiều hồ nước có dung tích lớn; hệ sinh thái nông nghiệp hội đủ để phát triển nông nghiệp cả trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó nổi bật nhất có cao nguyên Vân Hòa với độ cao trung bình 400m so với mặt nước biển, nơi đây có khí hậu ôn hòa và đa dạng về các loài động, thực vật rừng, nhiều vườn cây ăn trái. Cao nguyên này cũng có đa dạng loại đất và khí hậu ôn hòa, thuận lợi cho việc phát triển nhiều loại cây trồng. Đặc biệt, huyện có thể phát triển các loại cây ăn trái như cam, bưởi, chanh và các loại rau củ, giúp đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Huyện cũng có tiềm năng chăn nuôi lớn với nhiều loại gia súc, gia cầm. Việc áp dụng các công nghệ chăn nuôi hiện đại có thể nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, từ đó gia tăng thu nhập cho người dân ở địa phương.

Đặc điểm mật độ dân cư thưa, bình quân diện tích đất/hộ rất lớn, rất thuận lợi phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại: sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh cung cấp những sản phẩm sạch và an toàn cho người tiêu dùng.

Huyện Sơn Hòa với nhiều tiềm năng về nông nghiệp và du lịch, có cơ hội lớn để phát triển kinh tế bền vững. Bằng việc áp dụng các giải pháp hữu hiệu, huyện không chỉ nâng cao đời sống người dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa. Để đạt được điều này, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và thực hiện các mục tiêu bền vững. Chỉ khi kết hợp hài hòa các yếu tố phát triển, các xã mới có thể tạo ra một tương lai tươi sáng và bền vững cho các thế hệ sau.

Sơn Hòa có trên 53.839ha đất, rừng, có nhiều cảnh quan đẹp tạo thành những địa điểm lý tưởng cho du lịch sinh thái, dã ngoại và nghỉ dưỡng, không chỉ thu hút khách du lịch trong nước mà còn có thể thu hút được khách quốc tế. Các điểm tham quan như vườn cây đỏ tại các xã Sơn Xuân; điểm đến Long Vân, điểm dừng chân Sơn Định và một số điểm tham quan khác như thác Hàn, suối Đá (Sơn Xuân), vực Đá Nhà (Sơn Long), suối Khế (Sơn Định), rừng cây trang nằm bên suối Hòa Bình chạy qua xã Sơn Định… là điểm đến hấp dẫn du khách.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cao nguyên Vân Hòa được Tỉnh ủy Phú Yên chọn làm căn cứ kháng chiến. Đến năm 2008, khu di tích gồm Nhà thờ Bác Hồ, Hội trường Mùa Xuân đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngoài khu di tích căn cứ kháng chiến nêu trên, Sơn Hòa còn có nhiều di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp tỉnh đó là Địa điểm quản thúc Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Trận đánh vào chi khu quận lỵ Củng Sơn giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ lần thứ hai, Mộ liệt sĩ tập thể Bắc Lý, Địa điểm diễn ra trận đánh Núi Một, Địa điểm diễn ra trận đánh Đá Bàn, Đền thờ tiền hiền thị trấn Củng Sơn, Đền thờ tiền hiền Nguyễn Cả, Trại an trí Trà Kê. Các di tích này đã được đưa vào quy hoạch để bảo vệ, phục dựng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ và là những điểm đến tham quan của du khách.

Dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại di tích Nhà thờ Bác Hồ (xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa). Ảnh: TRẦN QUỚI

Dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại di tích Nhà thờ Bác Hồ (xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa). Ảnh: TRẦN QUỚI

Sơn Hòa có sự đa dạng về văn hóa với những ghi dấu đậm nét của các DTTS. Toàn huyện có 14 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm khoảng 34% dân số; chủ yếu là dân tộc Ê Đê, Chăm, Ba Na, Tày, Gia Rai... Mỗi dân tộc có nét văn hóa đặc trưng về phong tục, tập quán tạo nên sự phong phú, đa dạng về không gian văn hóa. Về nghệ thuật kiến trúc có nhà dài, nhà sàn, nhà mồ. Ngành nghề truyền thống có dệt thổ cẩm, đan đát, rèn, rượu cần. Trang phục, trang sức của người đồng bào DTTS khá phong phú về chủng loại, đa dạng về hoa văn, tạo nét đặc trưng phát triển du lịch văn hóa.

Với nhiều phong tục tập quán truyền thống, những lễ hội văn hóa độc đáo của người dân địa phương thì Sơn Hòa có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Mô hình du lịch cộng đồng có thể giúp nâng cao đời sống của người dân địa phương. Việc tổ chức các tour trải nghiệm, giúp du khách tìm hiểu về cuộc sống, văn hóa và phong tục của cộng đồng sẽ tạo ra một nguồn thu nhập bền vững cho người dân.

Ngoài ra, trên cơ sở phát triển nông nghiệp toàn diện: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, địa phương có thể khuyến khích các tổ chức và cá nhân khai thác loại hình du lịch canh nông, đây là lợi thế so sánh của huyện Sơn Hòa.

Người dân xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) nỗ lực gìn giữ, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống để phát triển du lịch. Ảnh: NGÔ XUÂN

Người dân xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) nỗ lực gìn giữ, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống để phát triển du lịch. Ảnh: NGÔ XUÂN

Kết hợp hài hòa các yếu tố để phát triển

Mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng, song trong thời gian qua, nguồn lực đầu tư vào địa bàn huyện vẫn còn hạn chế. Đầu tư chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, số lượng doanh nghiệp tham gia còn ít, trong khi nguồn lực từ người dân gặp nhiều khó khăn, chưa đủ mạnh để thúc đẩy phát triển.

Lĩnh vực nông nghiệp có dư địa phát triển rất lớn, nhưng hiện chưa được khai thác hiệu quả. Tổng diện tích gieo trồng gần 28.000ha, trong đó cây mía vẫn là cây trồng chủ lực, tuy nhiên thu nhập trên mỗi hecta còn thấp. Chăn nuôi đại gia súc chưa phát triển, mô hình kinh tế trang trại cũng chưa hình thành rõ nét. Huyện vẫn chưa tận dụng tốt lợi thế để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn và nông nghiệp xanh.

Cao nguyên Vân Hòa mờ ảo trong sương sớm!

Cao nguyên Vân Hòa mờ ảo trong sương sớm!

Về du lịch, huyện có nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm đa dạng, hấp dẫn. Tuy nhiên, thực tế khai thác vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng sẵn có.

Như đã phân tích nêu trên, Sơn Hòa có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp và du lịch. Tuy nhiên, để phát triển bền vững trong tương lai, địa phương cần nghiên cứu và áp dụng nhiều giải pháp hợp lý nhằm bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, sau khi sáp nhập tỉnh Đắk Lắk trong tương lai.

Cụ thể, huyện cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại, phát triển mạnh việc ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh vào sản xuất nông nghiệp sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Các công nghệ như tưới tiêu tự động, nhà kính, và công nghệ sinh học cần được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng. Cần có quy hoạch rõ ràng cho các vùng sản xuất nông nghiệp, theo hướng tập trung, đảm bảo hiệu quả và bền vững. Đặc biệt, cần đảm bảo việc phân bổ hợp lý các loại cây trồng phù hợp với điều kiện đất và khí hậu từng khu vực. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dần diện tích trồng keo và đất trồng mía năng suất thấp sang trồng cây ăn trái đặc sản, từng bước chuyển sang trồng cây trâm rừng vừa bảo tồn đa dạng sinh học vừa chế biến rượu vang, tạo sản phẩm đặc thù của địa phương.

Khuyến khích mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn theo xu thế thời đại. Địa phương có thể tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo cho nông dân về lợi ích của nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và cách thức sản xuất. Các sản phẩm hữu cơ cần được chứng nhận và quảng bá mạnh mẽ để tăng giá trị và có đầu ra ổn định. Tăng cường hợp tác và liên kết chuỗi giá trị, xây dựng các mô hình HTX, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học, cơ quan quản lý sẽ giúp tăng cường hiệu quả sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, từ đó nâng cao thu nhập cho bà con trong quá trình hội nhập và biến đổi khí hậu.

Rừng cây Trang nằm bên con suối Hòa Bình. Ảnh: CTV

Rừng cây Trang nằm bên con suối Hòa Bình. Ảnh: CTV

Địa phương cũng cần xây dựng chiến lược phát triển du lịch lâu dài, kết hợp với bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường. Các chính sách khuyến khích đầu tư vào các dự án du lịch sinh thái, cộng đồng cần được hoàn thiện và thực hiện hiệu quả. Phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch để thu hút khách du lịch. Đặc biệt, cần nâng cấp các tuyến đường đến các địa điểm du lịch nổi bật để thuận lợi cho việc di chuyển. Khai thác tối ưu đa dạng sản phẩm du lịch: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch canh nông… Tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội để giới thiệu đến du khách, từ đó tạo cơ hội cho người dân địa phương tham gia và nâng cao thu nhập thông qua dịch vụ du lịch. Đồng thời cần có các biện pháp bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ các khu rừng, duy trì cảnh quan và giữ gìn nguồn nước sạch để đảm bảo phát triển du lịch không gây ra các tác động tiêu cực.

Để phát triển bền vững, việc đào tạo nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng. Địa phương cần xây dựng các chương trình đào tạo nghề cho người dân, từ nông nghiệp đến du lịch, để đảm bảo chất lượng lao động phục vụ cho nhu cầu phát triển. Huyện cũng cần khuyến khích tinh thần khởi nghiệp tạo điều kiện cho các ý tưởng khởi nghiệp trong cộng đồng. Việc hỗ trợ tài chính, tư vấn và hướng dẫn sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, đóng góp tích cực vào nền kinh tế địa phương.

Căn cứ Đề án 02/ĐA-UBND ngày 26/4/2025 của UBND tỉnh, thời gian tới, huyện Sơn Hòa cần đột phá trong công tác cán bộ, lựa chọn cán bộ có năng lực thực tiễn và có tư duy chiến lược định hướng phát triển bền vững KT-XH địa phương. Huyện cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các chính sách phát triển KT-XH trong tương lai một cách bài bản và hiệu quả.

Huyện Sơn Hòa có 14 đơn vị hành chính cấp xã. Theo Đề án 02/ĐA-UBND ngày 26/4/2025 của UBND tỉnh, huyện Sơn Hòa sắp xếp 4 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, xã Sơn Hòa được thành lập trên cơ sở nhập thị trấn Củng Sơn và các xã Suối Bạc, Sơn Hà, Sơn Nguyên và Sơn Phước; sau sắp xếp, xã Sơn Hòa có diện tích tự nhiên 267,39km², dân số 40.825 người. Xã Vân Hòa được thành lập trên cơ sở nhập các xã Sơn Long, Sơn Xuân, Sơn Định; sau sắp xếp xã Vân Hòa có diện tích tự nhiên 151,47km², dân số 6.661 người. Xã Tây Sơn được thành lập trên cơ sở nhập các xã Sơn Hội, Cà Lúi, Phước Tân; sau sắp xếp xã Tây Sơn có diện tích tự nhiên 334,62km², dân số 11.052 người. Xã Suối Trai được thành lập trên cơ sở nhập các xã Suối Trai, Ea Chà Rang và Krông Pa; sau sáp nhập xã Suối Trai có diện tích tự nhiên 186,95km², dân số 11.387 người.

TS PHẠM S

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/kinh-te/202505/de-huyen-son-hoaphat-trien-ben-vung-sau-sap-nhap-3735e42/