Trăm năm vang vọng một tiếng còi tàu

Nhà ga cổ không ngủ quên trong ký ức mà khi tiếng còi tàu đường sắt chạm vào tiếng sóng biển thì lại là điểm bắt đầu của một hành trình mới.

Ga Hải Dương quen thuộc với nhiều người

Ga Hải Dương quen thuộc với nhiều người

“Có những con tàu chở theo lịch sử/ Mỗi nhà ga là một điểm khởi hành để đi đến tương lai…”

***

Ngày 28/2/1902, khi tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng chính thức khánh thành, có một đoàn tàu xuất phát từ ga Long Biên chạy qua ga Hải Dương và kết thúc ở ga Hải Phòng. Đây cũng là điểm cuối chiến lược của hệ thống đường sắt khai thác thuộc địa.

Hơn một thế kỷ đã trôi qua, từ đầu cầu Long Biên lịch sử, bao chuyến tàu đã đi về trên tuyến đường sắt dài 102 km ấy. Những chuyến tàu không chỉ chở hàng, chở khách mà còn chở theo hàng trăm năm lịch sử đầy biến động của dân tộc Việt Nam.

Và mỗi hồi còi từ một nhà ga kể cho ta nghe câu chuyện của mình.

Ga Hải Dương vốn là ga xép trong một hành trình lớn. Một sân ga nhỏ lặng im dưới bóng cây. Một ngày chẳng mấy lúc rộn ràng nhưng lại là nơi gắn bó sâu xa với nhiều số phận. Từ nơi đây ra đi, mang theo những ước mơ, khát vọng.

Kể từ khi chuyến tàu đầu tiên chở theo các quan chức Pháp và nhà vua An Nam, người dân Hải Dương lần đầu được nghe là tiếng sắt thép va vào đường ray. Tính đến nay, trải qua bao năm chiến tranh, rồi tái thiết và đô thị hóa… ga Hải Dương vẫn không thay đổi nhiều, vẫn rất nhỏ.

Xuôi theo tiếng còi tàu của Hải Dương văn hiến, băng qua cây cầu Phú Lương bắc qua sông Thái Bình, ga Hải Phòng là điểm kết thúc của tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Đến tận bây giờ, ga Hải Phòng vẫn giữ vẹn nguyên được nét kiến trúc Pháp cổ kính. Mái vòm, hành lang gạch. Cửa gỗ sơn nâu và tiếng còi tàu vang lên mỗi sớm, mỗi chiều.

Ga Hải Phòng hôm nay

Ga Hải Phòng hôm nay

Nhà ga cổ không ngủ quên trong ký ức. Nơi đây không phải là điểm dừng cuối của một hành trình mà khi tiếng còi tàu đường sắt chạm vào tiếng sóng biển lại là điểm bắt đầu của một hành trình mới, hành trình ra khơi. Hàng thế kỷ trước, nơi đây đưa hành khách đi khắp mọi miền và là đầu mối vận tải hàng hóa ra cảng... Bây giờ, ga Hải Phòng là cánh cửa hướng biển của đất nước, ví như bàn tay đất liền chạm vào với sóng, đem nhịp sống bình yên của hậu phương cả một vùng đồng bằng Bắc Bộ chạm vào hơi thở sôi động của cảng biển lớn nhất miền Bắc.

Ga Hải Phòng mang hơi thở xưa hòa vào nhịp đập trái tim giao thương rộn ràng, hối hả của hệ thống vận tải liên vận quốc tế. Ngày nay, ga cuối cũng trở thành một đầu tàu mới đưa nền kinh tế đất nước hướng về phía đại dương.

Mỗi nhà ga âm vang một tiếng còi tàu rất riêng. Nếu còi tàu từ ga Hải Phòng hào hùng tiếng sóng phía biển Đông, còi tàu từ ga Cao Xá giục giã những tầm nhìn mới thì ga Hải Dương lại trầm sâu tiếng vọng của ngàn năm lịch sử với những trầm tích văn hóa và những giá trị cội nguồn.

Nằm giữa những chuyển động lớn của chiến lược hợp nhất để phát triển vùng, ga Cao Xá, ga Hải Dương và ga Hải Phòng bây giờ thêm những hồi còi tự hào - khi những sân ga nhỏ có thể đón những con tàu lớn, những chuyến tàu đưa Việt Nam vươn mình ra năm châu.

HẢI YẾN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/tram-nam-vang-vong-mot-tieng-coi-tau-410954.html