Để khoa học công nghệ luôn là động lực cho sự phát triển

PTĐT - Khoa học và công nghệ (KH&CN) giữ vai trò quan trọng, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Khoa học và Công nghệ, những năm qua hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thúc đẩy ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, nâng cao giá trị các sản phẩm có lợi thế của tỉnh, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo,...

Nhãn hiệu tập thể Mỳ gạo Hùng Lô được thiết kế bộ tem nhãn, bao bì, đăng ký mã vạch QR code đưa giá trị của sản phẩm tăng lên, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Nhãn hiệu tập thể Mỳ gạo Hùng Lô được thiết kế bộ tem nhãn, bao bì, đăng ký mã vạch QR code đưa giá trị của sản phẩm tăng lên, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ ở tất cả các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân và thông tin KH&CN… Từ năm 2013 đến nay, Sở KH&CN đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành và đưa vào triển khai thực hiện 3 chương trình phát triển KH&CN, bao gồm: Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống giai đoạn 2016 - 2020 và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh.
Từ việc triển khai các chương trình đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động phát triển KH&CN, hoạt động nghiên cứu KH&CN cũng có nhiều tiến triển rõ rệt. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai 22 dự án KH&CN cấp quốc gia; 65 đề tài, dự án cấp tỉnh. Trong 2 năm 2018 - 2019 đã có 97 đề tài, dự án, nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở được hỗ trợ. Các đề tài, dự án đều xuất phát từ thực tiễn sản xuất và đời sống; các nhiệm vụ được lựa chọn, triển khai hướng vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tập trung cho các nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ, thành tựu trong sản xuất nông lâm nghiệp, vật liệu xây dựng, giữ gìn và phát huy các truyền thống văn hóa dân tộc… Các dự án, chương trình đang được triển khai đảm bảo nội dung và tiến độ đã khẳng định được hiệu quả, có sức lan tỏa, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Ông Cao Đăng Duy - Giám đốc HTX Mỳ gạo Hùng Lô chia sẻ: “Từ khi được xây dựng nhãn hiệu tập thể Mì gạo Hùng Lô và hệ thống các văn bản phục vụ quản lý nhãn hiệu tập thể, thiết kế bộ tem nhãn, bao bì cho sản phẩm, đăng ký mã vạch QR code, bước đầu vận hành hệ thống quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu…, giá trị của sản phẩm tăng lên đáng kể, sản phẩm sản xuất ra được tiêu thụ hết, quy mô sản xuất duy trì ổn định và tiến tới mở rộng, điều này sẽ góp phần cải thiện đời sống cho người dân, tạo được việc làm cho nhiều lao động địa phương…”.Đối với tỉnh trung du, miền núi như Phú Thọ, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ trọng khá cao, các nhiệm vụ KH&CN đã và đang triển khai tập trung chủ yếu vào ứng dụng các tiến bộ KH&CN mới đem lại hiệu quả cao cho sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Từ năm 2016 đến nay, chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh đã đăng ký bảo hộ sáng chế cho 3 giải pháp hữu ích, 5 kiểu dáng công nghiệp được áp dụng trong thực tiễn; xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho 106 nhãn hiệu hàng hóa, trong đó đã và đang hỗ trợ tạo lập, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ cho 15 đặc sản địa phương. Giá trị các sản phẩm như: Bưởi Đoan Hùng, rau an toàn Tân Đức, nếp gà gáy Mỹ Lung… sau khi được bảo hộ nhãn hiệu được nâng lên rõ rệt. Nhiều sản phẩm đã được sản xuất, cung ứng và tiêu thụ theo chuỗi, nâng cao thu nhập cho nông dân, hợp tác xã. Bên cạnh đó, các giống cây, con đặc trưng của tỉnh như: Cây chè, cây măng gầy Yên Lập, cây bương mốc… tiếp tục được khai thác và phát triển song song với việc đưa vào thử nghiệm các giống cây trồng mới có giá trị cao như: Cây táo sữa Thái Lan, các giống gạo thảo dược…

Sản phẩm gạo nếp Gà Gáy của HTX sản xuất gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung và kinh doanh dịch vụ tổng hợp được đóng gói bao bì mẫu mã đẹp, trọng lượng 2kg và 5kg/túi thuận tiện cho khách hàng mua.

Sản phẩm gạo nếp Gà Gáy của HTX sản xuất gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung và kinh doanh dịch vụ tổng hợp được đóng gói bao bì mẫu mã đẹp, trọng lượng 2kg và 5kg/túi thuận tiện cho khách hàng mua.

Trong lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho người lao động. Từ năm 2013 đến nay đã khảo sát, lựa chọn và trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ 79 dự án đổi mới công nghệ thuộc 6 lĩnh vực ưu tiên phát triển của tỉnh như: Công nghiệp hóa dược và công nghệ sinh học; công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống, giấy, gỗ; công nghiệp sản xuất nhiên liệu tái tạo; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không nung, vật liệu mới; công nghiệp cơ khí chế tạo máy; xử lý chất thải, bảo vệ môi trường… với tổng kinh phí hỗ trợ đạt gần 22 tỷ đồng. Thông qua các chương trình, dự án đổi mới công nghệ đã mang lại hiệu quả rõ rệt, hệ thống nhà xưởng với dây chuyền hiện đại, công suất tăng lên gấp đôi, gấp 3; giảm chi phí sản xuất, tạo việc làm thường xuyên, ổn định, nâng cao thu nhập người lao động và bảo vệ môi trường, sức khỏe người lao động, mở ra hướng đi mới cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp…Không thể phủ nhận những đóng góp của KH&CN trong phát triển kinh tế của tỉnh, tuy nhiên, việc huy động các nguồn lực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cũng còn hạn chế. Đi cùng với đó là sự ỳ ạch của thị trường công nghệ, trình độ công nghệ và tốc độ đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp chưa được triển khai đồng bộ. Việc thành lập Quỹ phát triển KH&CN trong các doanh nghiệp và hoạt động KH&CN ở cơ sở chưa đa dạng, hiệu quả… Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển KH&CN của tỉnh, ông Trương Quốc Chính - Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: “Trong thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục thực hiện đồng bộ việc nâng cao năng lực, chất lượng công tác tham mưu, hoàn thiện cơ chế quản lý. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng KH&CN hướng trọng tâm vào phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó ưu tiên đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông lâm nghiệp, công nghệ vật liệu mới, cơ khí - tự động hóa, công nghệ thông tin… Gắn hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ với yêu cầu phát triển của từng ngành, lĩnh vực, từng sản phẩm, với đào tạo và sản xuất kinh doanh, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, huy động mạnh mẽ sự tham gia của các nguồn lực xã hội cho KH&CN…”.Việc triển khai và đưa KH&CN vào cuộc sống là vấn đề lâu dài. Tin tưởng rằng với sự quyết tâm, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự tập trung cao và tích cực vào cuộc của các cấp, ngành, chắc chắn KH&CN sẽ đóng vai trò quan trọng, làm nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lê Hoàng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202001/de-khoa-hoc-cong-nghe-luon-la-dong-luc-cho-su-phat-trien-168612