Để khoa học công nghệ phát huy sứ mệnh
Tại cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghe báo cáo và cho ý kiến về Chuyên đề đột phá phát triển khoa học công nghệ (KHCN) đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là lựa chọn bắt buộc, con đường duy nhất đưa đất nước phát triển.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ ra thực trạng đáng lo ngại là phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở nước ta từ trước tới nay chủ yếu ứng dụng vào việc quản trị xã hội, chưa quan tâm đúng mức tới việc đưa vào sản xuất để tăng năng suất lao động. Trong khi, trên thế giới, ứng dụng KHCN, chuyển đổi số trong ngành sản xuất đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh. Việc ứng dụng và kết hợp các công nghệ tiên tiến mang lại lợi ích rõ rệt cho DN trên nhiều phương diện, thay đổi về tư duy nhân sự, lao động và giảm chi phí, tối ưu hóa nguồn lực. Đây là yếu tố quan trọng và cấp thiết để DN có thể tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh, phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Quả thực, vấn đề mà Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra cũng chính là tồn tại của thị trường KHCN lâu nay. Dù nguồn cung phong phú và đa dạng, nhưng lượng hàng hóa KHCN được thương mại hóa, ứng dụng vào thực tế thấp. Dù Việt Nam đã nỗ lực xây dựng khung pháp lý khuyến khích đổi mới sáng tạo, hỗ trợ DN đầu tư phát triển KHCN, nhưng các DN vẫn gặp không ít khó khăn khi thực hiện các dự án, đề tài.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do phần lớn kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ của các viện nghiên cứu, trường đại học chưa thực sự trở thành hàng hóa KHCN có thể lưu thông trên thị trường, còn khó khăn trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu được hình thành từ ngân sách Nhà nước. Hệ thống chính sách, pháp luật về chuyển giao công nghệ, sàn giao dịch công nghệ cũng chưa đồng bộ, thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực cho thương mại hóa, đẩy mạnh cung - cầu công nghệ.
Một vấn đề nữa là hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước còn hạn chế. Trong khi khu vực kinh tế tư nhân phần lớn là DN nhỏ và vừa, hạn chế về tiếp cận và ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thiếu lao động có kỹ năng.
Để KHCN thực sự phát huy sứ mệnh đưa đất nước phát triển, nhiệm vụ quan trọng cần làm ngay là thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng vào thực tế sản xuất. Muốn làm được điều này, cần có sự đồng bộ của các chủ thể và thành tố tham gia như giữa cung và cầu, sự đồng bộ về năng lực của tổ chức trung gian, hạ tầng kỹ thuật, các nền tảng dùng chung. Trên hết, cần có sự đồng bộ về thể chế, chính sách. Nghĩa là, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện về thể chế, chính sách phát triển thị trường KHCN. Đồng thời, ban hành các chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh; xây dựng phương án thúc đẩy DN thành lập và sử dụng quỹ phát triển KHCN trong hoạt động tái đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của mình.
Có như vậy, phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mới đạt được hai mục tiêu cao nhất là quản trị xã hội và tăng năng suất lao động theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-khoa-hoc-cong-nghe-phat-huy-su-menh.661447.html