Để không còn bạo lực học đường

(ABO) Thời gian gần đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Tiền Giang đã phát hiện nhiều video clip ghi lại hành vi đánh nhau của học sinh được lan truyền trên Facebook. Những vụ việc này cho thấy, bạo lực học đường đang trở thành vấn đề đáng báo động, không chỉ gây tổn thương thể chất, tinh thần cho nạn nhân mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường học đường và xã hội.

Một buổi tư vấn cho học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Tiền Giang. Ảnh P.CÔNG

Một buổi tư vấn cho học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Tiền Giang. Ảnh P.CÔNG

MÂU THUẪN NHỎ, HẬU QUẢ LỚN

Thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến các vụ đánh nhau trong học sinh thường bắt nguồn từ những mâu thuẫn rất nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày, trong học tập, thậm chí chỉ là những lời nói, bình luận trên mạng xã hội. Khi những mâu thuẫn này không được phát hiện và giải quyết kịp thời, hợp lý, chúng dễ dàng leo thang thành hành vi bạo lực.

Điển hình là vụ việc hai nam sinh hẹn gặp và đánh nhau trong nhà vệ sinh của một trường học tại xã Long Bình, huyện Gò Công Tây. May mắn, giáo viên đã kịp thời phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, không phải lúc nào bạo lực cũng được ngăn chặn sớm. Ngày 25-4-2025, hai nữ sinh THCS tại TP. Mỹ Tho đã giải quyết mâu thuẫn cá nhân bằng cách đánh nhau ngay tại khu vực cầu thang trường học vào giờ ra chơi. Ban Giám hiệu nhà trường chỉ biết và xử lý khi video clip về vụ việc lan truyền trên mạng xã hội.

Một vụ việc xảy ra tại huyện Gò Công Tây.

Một vụ việc xảy ra tại huyện Gò Công Tây.

Một trường hợp khác xảy ra vào chiều ngày 2-5-2025 tại huyện Cái Bè. Hai nữ sinh lớp 7 đã hẹn một nữ sinh lớp 8 ra đường dân sinh gần đường dẫn vào đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để "giải quyết" mâu thuẫn. Một nữ sinh lớp 7 đã đánh nữ sinh lớp 8, trong khi bạn còn lại quay clip và đăng tải lên mạng xã hội.

Theo cơ quan Công an, điều đáng lo ngại là trong nhiều vụ việc, hành vi bạo lực giữa các học sinh không được can ngăn hay báo cáo thầy cô mà ngược lại, lại được “cổ vũ” bằng cách quay hình, phát tán lên mạng xã hội để câu “like”, câu “view”. Đây là hành động thiếu ý thức xây dựng trong việc chống bạo lực học đường. Việc quay lại clip bạo lực học đường chỉ đúng khi người quay có ý tốt, muốn dùng clip đó làm bằng chứng để hỗ trợ quá trình xử lý sự việc.

BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG LÀ VI PHẠM PHÁP LUẬT

Theo cơ quan chức năng thì khoản 5 Điều 2 của Nghị định 80/2017/NĐ-CP, bạo lực học đường được định nghĩa là “các hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm phạm thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất và tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập”.

Theo đó, pháp luật Việt Nam có những quy định rất cụ thể để xử lý các hành vi bạo lực học đường ở nhiều cấp độ khác nhau, nhằm đảm bảo môi trường học tập an toàn cho học sinh.

Đơn cử là xử lý vi phạm hành chính, Điều 5 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, những người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị xử lý về các vi phạm hành chính, đặc biệt là khi các vi phạm này do cố ý thực hiện.

Còn sẽ xử lý hình sự với người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi tội phạm, bao gồm cả những hành vi bạo lực học đường. Cụ thể, nếu một học sinh đã đủ 16 tuổi thực hiện hành vi bạo lực học đường, người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh liên quan đến việc gây tổn hại cho sức khỏe và danh dự của người khác.

Hoặc các cá nhân bồi thường dân sự với hành vi bạo lực học đường cũng có thể được xử lý theo hình thức dân sự, nhằm đảm bảo việc bồi thường thiệt hại cho người bị hại.

Đặc biệt, cơ quan chức năng sẽ xử lý hành vi phát tán clip bạo lực học đường. Cụ thể, việc phát tán clip có nội dung bạo lực học đường trên không gian mạng gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, đời sống của cá nhân bị bạo lực và gây dư luận xã hội xấu. Hành vi này có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 14/2022/NĐ-CP), với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

LỜI KHUYÊN TỪ CƠ QUAN CHỨC NĂNG

Trước thực trạng bạo lực học đường ngày càng phức tạp, cơ qua chức năng tỉnh Tiền Giang đưa ra những cảnh báo và lời khuyên thiết thực đối với học sinh cần nâng cao ý thức về hành vi của mình, không giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Thay vào đó, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ thầy cô, gia đình hoặc bạn bè đáng tin cậy. Đừng hùa theo hoặc cổ vũ các hành vi bạo lực, và đặc biệt không quay phim, phát tán clip bạo lực trên mạng xã hội với mục đích tiêu cực. Hãy nhớ rằng, hành vi này có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý nghiêm trọng.

Đối với phụ huynh cần quan tâm, trò chuyện và lắng nghe con cái nhiều hơn để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường, mâu thuẫn trong các mối quan hệ của con. Hãy dạy con về cách giải quyết vấn đề ôn hòa, tôn trọng người khác và biết cách tự bảo vệ mình.

Còn đối với nhà trường cần tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng mềm cho học sinh. Xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện, nơi học sinh cảm thấy được lắng nghe và hỗ trợ. Có cơ chế rõ ràng để tiếp nhận và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, đảm bảo không để xảy ra tình trạng "xử lý nội bộ" thiếu minh bạch.

Đồng thời, cộng đồng, xã hội cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc phòng, chống bạo lực học đường. Mọi cá nhân, tổ chức đều có trách nhiệm lên án và hành động để bảo vệ thế hệ trẻ khỏi những hành vi tiêu cực.

Song song đó, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Tiền Giang khuyến cáo khi phát hiện tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bạo lực học đường lan truyền trên không gian mạng, cần báo ngay cho cơ quan Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc để kiểm tra, xử lý. Hoặc có thể gọi điện thoại về Công an tỉnh Tiền Giang qua các số điện thoại: Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao 0693.599.232 hoặc Phòng Cảnh sát hình sự 0693.599.511

Chung tay vì môi trường học đường an toàn là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Gia đình là nơi lắng nghe, nhà trường là nơi giáo dục và hành động, còn mỗi học sinh cần mạnh dạn lên tiếng. Cộng đồng hãy cùng lên án và bảo vệ. Chỉ khi có sự đồng lòng, chúng ta mới có thể đẩy lùi bạo lực học đường, tạo dựng môi trường giáo dục nhân văn cho thế hệ tương lai.

LONG GIANG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phap-luat-an-ninh-trat-tu/202505/de-khong-con-bao-luc-hoc-duong-1043853/