Để không còn tai nạn lao động thảm khốc

Có 70%-90% số vụ tai nạn lao động do nguyên nhân chủ quan như người sử dụng lao động chưa bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, người lao động chưa tuân thủ quy trình làm việc

Vào 22 giờ 10 phút ngày 29-7, tại Công ty Than Hòn Gai - TKV (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đã xảy ra vụ tai nạn hầm lò nghiêm trọng khiến 5 công nhân tử vong. Trong sáng 30-7, gia đình các nạn nhân đã làm các thủ tục đưa thi thể về an táng tại quê nhà.

Tập trung khắc phục hậu quả

Anh Nguyễn Văn May, công nhân phân xưởng 5 Công ty Than Hòn Gai - TKV, cho biết phân xưởng có hơn 200 công nhân, người lao động (NLĐ). Ca làm việc đêm 29-7 có hơn 30 công nhân, trong đó có 10 công nhân làm việc tại vị trí xảy ra vụ tai nạn lao động (TNLĐ). "Sáng 30-7, hầu hết công nhân, NLĐ của phân xưởng được nghỉ việc để hỗ trợ gia đình lo hậu sự cho 5 đồng nghiệp tử vong" - anh May nghẹn ngào.

Cũng trong ngày 30-7, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và UBND TP Hạ Long hỗ trợ các gia đình công nhân tử vong ở mức tối đa. Trước mắt, tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ 25 triệu đồng/người tử vong; TKV hỗ trợ 20 triệu đồng/người; Công đoàn TKV hỗ trợ 20 triệu đồng/người và Công ty Than Hòn Gai - TKV giải quyết các chế độ theo quy định của nhà nước, hỗ trợ gia đình các công nhân với mức 100 triệu đồng/gia đình.

Chính quyền và các ban, ngành thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn lao động tại Công ty Than Hòn Gai - TKV (tỉnh Quảng Ninh) Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Chính quyền và các ban, ngành thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn lao động tại Công ty Than Hòn Gai - TKV (tỉnh Quảng Ninh) Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Ngay khi nhận được thông tin vụ tai nạn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục hậu quả và có biện pháp ngăn chặn kịp thời các vụ tai nạn tương tự. Thủ tướng cũng gửi lời thăm hỏi ân cần, chia buồn sâu sắc đến gia đình, thân nhân người bị nạn. Đồng thời, chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo TKV trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả và thăm hỏi gia đình các nạn nhân.

Công điện cũng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tập trung chỉ đạo Công an tỉnh và các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn; làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có); tăng cường thanh - kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về an toàn lao động trong hoạt động khai thác than, không để xảy ra các trường hợp tương tự.

Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo TKV rà soát kỹ các quy định, tiêu chuẩn, quy trình khai thác, vận hành hầm lò, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho NLĐ.

Tuyệt đối không để tái diễn

Theo thống kê của Cục An toàn lao động - Bộ LĐ-TB-XH, năm 2023, cả nước đã xảy ra 7.394 vụ TNLĐ, trong đó có 662 vụ TNLĐ chết người - với hơn 699 người tử vong. Số người bị thương nặng do TNLĐ là 1.720 người.

TS Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn, vệ sinh lao động thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho hay hiện cả nước có gần 500 KCN với gần 4 triệu NLĐ. Trong đó, có nhiều nhà máy, xí nghiệp đã được xây dựng từ 20-30 năm trước nên máy móc, thiết bị không còn mới. Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề - như khai thác hầm lò, khai thác đá - có chất lượng lao động đầu vào rất thấp, thậm chí có một bộ phận NLĐ không biết chữ.

"Dù có được đào tạo nghề, huấn luyện an toàn nhưng khả năng tiếp thu kiến thức để áp dụng vào công việc của bộ phận NLĐ này là rất hạn chế. Với tư liệu sản xuất cũ như vậy cùng với chất lượng một bộ phận NLĐ không cao thì dù nhà quản lý, doanh nghiệp nỗ lực quan tâm, đầu tư lớn, hiệu quả về an toàn vệ sinh lao động cũng không đạt được, TNLĐ vẫn có thể xảy ra lặp đi lặp lại" - TS Nguyễn Anh Thơ nêu thực trạng.

Cũng theo ông Thơ, từ năm 2016 đã có Luật An toàn, vệ sinh lao động nhưng điều quan trọng hơn là việc thực thi các biện pháp bảo đảm an toàn như thế nào cho hiệu quả. Chẳng hạn, trong các chương trình đào tạo về khai thác mỏ đều nhắc đến tình huống có thể sụp lò, phải giám sát chặt chẽ.

Dù đã xây dựng quy trình, quy chuẩn, quy chế... nhưng việc thực thi, giám sát đã tốt chưa thì lại là câu chuyện khác. "Phải đánh giá các nguy cơ mất an toàn cho từng ca sản xuất, từng nơi làm việc và từng công trường. Thực sự an toàn mới bố trí người làm việc, nếu không chúng ta vẫn phải đối mặt với những vụ TNLĐ với hậu quả nghiêm trọng, thảm khốc như thế này" - ông Thơ cảnh báo.

Viện trưởng Viện Khoa học An toàn, vệ sinh lao động thông tin trong những năm gần đây, có 70%-90% số vụ TNLĐ xảy ra do nguyên nhân chủ quan. Trong đó, nguyên nhân trực tiếp chủ yếu là do người sử dụng lao động chưa bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn, chưa huấn luyện và trang bị đầy đủ thiết bị an toàn cho NLĐ; NLĐ chưa tuân thủ đầy đủ nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn.

Phải cải cách mạnh mẽ công tác an toàn, vệ sinh lao động

Viện trưởng Nguyễn Anh Thơ góp ý cần cải cách mạnh mẽ về cách thức quản trị, công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong các tập đoàn kinh tế lớn, các ngành sản xuất mà NLĐ phải làm việc trong môi trường có nguy cơ mất an toàn. Bên cạnh đó, văn hóa an toàn lao động phải được chú trọng, không chỉ dừng lại ở hô hào phong trào bề nổi mà phải làm thực chất, hiệu quả. "Mỗi NLĐ, mỗi nhà quản lý, quản trị doanh nghiệp phải coi an toàn, vệ sinh là điều kiện tiên quyết khi làm việc" - ông Thơ nhấn mạnh.

VĂN DUẨN - TRỌNG ĐỨC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/de-khong-con-tai-nan-lao-dong-tham-khoc-196240730205827495.htm