Để không lãng phí, giảm hiệu quả đầu tư
Trong tuần này, Quốc hội sẽ thảo luận về Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Một trong những nội dung trong báo cáo thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách chỉ rõ, việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia rất chậm và còn nhiều hạn chế, làm lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình.
Nói việc triển khai chương trình chậm là bởi, đến tháng 10.2022, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mới cơ bản hoàn thành việc ban hành văn bản hướng dẫn của Trung ương và đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục phân bổ vốn, giao dự toán, phê duyệt kế hoạch chi tiết, thẩm định dự toán để tổ chức thực hiện. Theo nhận định của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, tỷ lệ giải ngân thấp, ước đạt 7,88% với tổng kính phí 1.041,195 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, sau hơn 1 năm Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28.7.2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 có hiệu lực thi hành, thì Chính phủ mới có các văn bản hướng dẫn thực hiện. Chậm quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương; chậm phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân vốn ngân sách Trung ương; chậm giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2022, nguồn kinh phí sự nghiệp vẫn chưa được giao dự toán chi tiết.
Việc chậm triển khai chương trình này cũng đã được chỉ rõ trong Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi đến Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Ngoài một số văn bản hướng dẫn của cơ quan chủ trì Chương trình và một số bộ, ngành ban hành chậm, cử tri cho rằng, một số nội dung hướng dẫn chưa rõ ràng, chưa thống nhất, khó thực hiện, nhất là lồng ghép các nguồn vốn đầu tư.
Thực trạng này, cũng đã được Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chỉ ra, hầu hết các văn bản, thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đều đang rất vướng mắc. Thậm chí, các văn bản hướng dẫn việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia được ví như "mê hồn trận". Thực tế đó dẫn đến việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế, chính trị, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, tác động rộng lớn tới đối tượng thụ hưởng. Do đó, việc chậm triển khai chương trình ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả thực hiện chương trình, dẫn đến sự lãng phí, giảm hiệu quả nguồn vốn đầu tư, và ảnh hưởng trực tiếp tới đối tượng được thụ hưởng. Cũng bởi tầm quan trọng của việc thực hiện Chương trình mà Quốc hội đã lựa chọn đây là chuyên đề được giám sát tối cao. Giám sát cũng nhằm mục đích nhận diện đầy đủ những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để tháo gỡ kịp thời, giúp cho việc thúc đẩy triển khai chương trình đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra.
Và một điều đặc biệt là, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ Năm này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh là 1 trong 4 "tư lệnh" ngành ngồi vào “ghế nóng”. Trong đó, Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn về trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030). Điều đó cho thấy, việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia luôn được Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm.
Để phát huy hiệu quả của chương trình, tránh sự lãng phí nguồn lực, việc nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong các quy định pháp luật, trong thực thi và làm rõ địa chỉ chậm triển khai thực hiện là rất cần thiết. Theo đó, cần chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, chậm trễ ở đâu, do ai? Từ đó, gắn với trách nhiệm thực thi của cá nhân, tổ chức có liên quan. Cùng với đó, với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu cũng hiến kế những giải pháp hữu ích để khắc phục những tồn tại và nâng cao hiệu quả của chương trình.
Việc đẩy nhanh tiến độ là yêu cầu đặt ra để phát huy hiệu quả của các Chương trình mục tiêu quốc gia, cũng như đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của người dân - đối tượng được thụ hưởng từ các chương trình này. Tuy nhiên, cần phải tính toán thấu đáo khi triển khai để tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực. Đặc biệt là không vì tiến độ mà làm cho nhanh, quyết đáp những vấn đề không đúng với yêu cầu mà Quốc hội đã đặt ra.