Để không phải nói 'giá như'!

Một năm học mới lại bắt đầu với những dự báo sẽ tiếp tục gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Dạy và học trong điều kiện 'chống dịch như chống giặc' dù gian nan, vất vả nhưng cũng giúp học sinh có cơ hội rèn luyện thêm kỹ năng sống để vượt khó, vươn lên, biết yêu thương, giúp đỡ nhau. Với kinh nghiệm chống dịch, bảo đảm an toàn cho học sinh cũng như kết quả đạt được trong năm học 2019 - 2020, có thể tin tưởng thầy, trò cả nước sẽ tiếp tục vượt khó, hoàn thành chương trình dạy và học an toàn, hiệu quả.

An toàn cho học sinh luôn được mỗi gia đình, trường học và toàn xã hội đặt lên hàng đầu, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh. Tuy nhiên, nỗi lo mất an toàn không chỉ đến từ dịch bệnh mà còn từ nhiều yếu tố khác, trong đó an toàn giao thông luôn được nhắc đến hàng đầu, thường xuyên, liên tục. Nhiều giải pháp, hành động đã được thực hiện để bảo đảm an toàn cho học sinh như đưa giáo dục pháp luật vào giờ học, phát mũ bảo hiểm, bố trí giờ tan học hợp lý nhằm tránh gây ùn tắc... Những nỗ lực của mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội đã tạo những bước chuyển rất tích cực, thể hiện qua việc tỷ lệ đội mũ bảo hiểm của học sinh tăng, hiện tượng ùn tắc ở cổng trường giảm...

Thế nhưng, nỗi lo luôn thường trực, bởi lẽ học trò vốn hiếu động, ở giai đoạn dậy thì còn do thay đổi tâm sinh lý nên thích thể hiện, “nổi loạn”. Trách trẻ thì dễ, còn dạy dỗ, kèm cặp, hướng dẫn, giám sát mới khó và trách nhiệm đó trước hết thuộc về mỗi bậc phụ huynh rồi mới tới nhà trường, xã hội. Đáng tiếc là không ít phụ huynh, một phần vì chiều, một phần vì áp lực cuộc sống đã tiếp tay cho con mình vi phạm quy định pháp luật rồi để xảy ra những vụ việc đáng tiếc.

Cụ thể, theo Luật Giao thông đường bộ hiện hành, người đủ 16 tuổi trở lên mới được điều khiển xe gắn máy có dung tích xilanh dưới 50cm3; người đủ 18 tuổi trở lên có giấy phép lái xe được điều khiển xe mô tô, xe gắn máy dung tích xilanh từ 50cm3 trở lên. Tuy nhiên, không khó nhận thấy, không ít học sinh chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện cơ giới đã được bố mẹ mua cho xe máy, xe điện, thậm chí cả xe có dung tích xilanh lớn để tự đến trường, đặc biệt là ở những đô thị lớn. Đáng lo ngại, hiện tượng học sinh trung học phổ thông chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy dường như có dấu hiệu tăng. Với sự phát triển của xe máy điện, số học sinh trung học cơ sở tự điều khiển xe máy điện và cả xe gắn máy đến trường cũng tăng. Để “qua mắt” thầy cô giáo, nhà trường, không ít học sinh đi xe máy có dung tích xilanh trên 50cm3 gửi xe ở các nhà dân gần trường rồi đi bộ đến lớp.

Chất lượng cuộc sống tăng, thể chất học sinh tốt hơn nên nhiều phụ huynh “tặc lưỡi” mua xe cho con. Nhiều người không hiểu ở tuổi vị thành niên, các con chưa phát triển toàn diện, đặc biệt là về nhận thức, xử lý các tình huống xã hội nên khả năng tiết chế, làm chủ bản thân hạn chế, dễ dẫn đến hành động bốc đồng. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu có thể dẫn đến những hành vi gây hậu quả xấu cho bản thân, gia đình và xã hội. Chắc hẳn, nhiều người còn nhớ, khi thành phố Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội thì chiều 8-4-2020, một nhóm thanh niên, thiếu niên đã tụ tập đi xe máy với tốc độ cao, "bốc đầu" ở khu vực hồ Hoàn Kiếm. Hậu quả là 6 người vi phạm đã phải lĩnh án tù, trong đó có 3 người sinh năm 2003 được hưởng án treo. Vụ việc đó thực sự là hồi chuông báo động về trách nhiệm quản lý, giáo dục con cái của các bậc phụ huynh để không phải thốt ra hai từ “giá như”.

Một năm học mới đã bắt đầu, để bảo đảm an toàn, trước hết, mỗi người phải chấp hành đúng quy định của pháp luật.

Mai Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/977482/de-khong-phai-noi-gia-nhu