Khuyến khích tinh thần thượng tôn pháp luật

Với người nước ngoài tại Nhật Bản, hiểu cặn kẽ các điều luật là rất phức tạp vì rào cản ngôn ngữ, sự khác biệt về văn hóa, phong tục, tập quán. Chính vì vậy, 'Cuộc thi tìm hiểu pháp luật Nhật Bản' dành cho người Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại Nhật Bản đã gây được sự chú ý trong cộng đồng người Việt và truyền thông nước sở tại.

Chị Nguyễn Chúc Linh (trái) và chị Mei Phương, nhà sáng lập kênh YouTube Honto TV

Chị Nguyễn Chúc Linh (trái) và chị Mei Phương, nhà sáng lập kênh YouTube Honto TV

Mở đầu bài viết “Tuân thủ luật pháp, lời khuyên của người Việt mới định cư tại Nhật Bản”, báo Asahi Shimbun cho biết, trong bối cảnh nạn trộm cắp, tình trạng người nước ngoài bị quá hạn thị thực và các hành vi vi phạm pháp luật đang gia tăng, cư dân Việt Nam tại Nhật Bản đã nỗ lực giúp đỡ nhau tìm hiểu các quy tắc. Mọi người (người Việt Nam) tham gia vào sự kiện để kiểm tra kiến thức về luật pháp Nhật Bản, đặc biệt là liên quan đến việc làm và nhập cư.

“Cuộc thi tìm hiểu pháp luật Nhật Bản” do Kênh truyền thông người Việt tại Nhật (Honto TV) thực hiện với sự phối hợp tư vấn của Sở Cảnh sát Tokyo và sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản. Có gần 1.600 thí sinh là kiều bào Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại khắp các tỉnh, thành của Nhật Bản tham gia cuộc thi từ vòng loại. Bộ đề thi xoay quanh các chủ đề đời sống thường ngày, như nông sản, luật cư trú, vũ khí, tài khoản ngân hàng, điện thoại, làm thêm, cho thuê nhà trọ, chuyển tiền tay ba, luật bản quyền, tội lừa đảo, luật giao thông, phòng tránh trú nạn, cờ bạc, trộm cắp, sàm sỡ… Cuộc thi đã thể hiện nỗ lực của người Việt trong việc tìm hiểu, chấp hành tốt pháp luật nước sở tại, cũng như thể hiện sự tôn trọng và thái độ ứng xử văn minh, lan tỏa hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam trong bạn bè Nhật Bản.

Cuộc thi đã trao giải cho 3 thí sinh có số điểm cao nhất, trong đó á quân cuộc thi là chị Nguyễn Chúc Linh, 25 tuổi, sinh sống tại tỉnh Kyoto. Ghi nhận sự nỗ lực của Chúc Linh, báo Asahi Shimbun đánh giá cao chị là người đã có nghiên cứu về luật pháp Nhật Bản và hỗ trợ người khác hiểu các quy tắc khi sinh sống, làm việc tại quốc gia này. Chúc Linh sống ở Nhật Bản trong 7 năm. Chị đã hoàn thành một khóa học tại Đại học Osaka, sau đó bắt đầu làm việc cho thành phố Kizugawa ở tỉnh Kyoto với tư cách là điều phối viên quan hệ quốc tế. Nhiệm vụ chính của chị là giúp đỡ cư dân Việt Nam, như hướng dẫn cách gia hạn giấy phép lái xe hay hướng dẫn mọi người cách chuyển nhà.

Vui mừng khi nhận được thưởng giải cao của cuộc thi, chị Chúc Linh chia sẻ: “Hiện tại công việc của tôi là Điều phối viên quan hệ quốc tế tại Tòa thị chính của thành phố Kizugawa. Tôi quyết định tham gia cuộc thi phần vì công việc, phần vì muốn nâng cao kiến thức về pháp luật của bản thân”.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Tư pháp Nhật Bản, tính đến thời điểm cuối năm 2023, số lượng người Việt Nam ở Nhật Bản là hơn 565.000 người, đứng thứ hai sau Trung Quốc. Sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt ở Nhật Bản là nhờ quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước ngày một phát triển. Tuy nhiên, do không biết tiếng Nhật, thiếu hiểu biết pháp luật, một số người đã vô tình hoặc cố ý vi phạm pháp luật.

Trong bối cảnh này, các Hiệp hội người Việt Nam tại Nhật Bản đã cùng chính quyền địa phương có nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu số lượng người Việt Nam vi phạm pháp luật, tổ chức những buổi tư vấn pháp luật miễn phí nhằm giúp đỡ cho người Việt khó khăn. Chính phủ Nhật Bản cũng đã sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền đến người nước ngoài, trong đó có người Việt Nam, in các tờ quảng cáo bằng tiếng Việt, có tổng đài tư vấn bằng tiếng Việt. Đặc biệt, tại các địa phương sẽ có nhân viên người Việt Nam để cung cấp thông tin về pháp luật, về đời sống cho người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản.

THANH HẰNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khuyen-khich-tinh-than-thuong-ton-phap-luat-post767658.html