Để kinh tế tập thể ở Đạ Tẻh phát huy hiệu quả

Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, thời gian qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Đạ Tẻh đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp từ quy mô nhỏ lẻ sang mô hình kinh tế tập thể đem lại hiệu quả thiết thực. Việc thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác không chỉ hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, mở rộng quy mô hoạt động mà còn giúp người dân địa phương yên tâm khi hàng hóa được bao tiêu đầu ra.

Bưởi da xanh được sản xuất theo quy trình VietGAP ở HTX Sản xuất nông nghiệp và dịch vụ trái cây Mỹ Đức

Bưởi da xanh được sản xuất theo quy trình VietGAP ở HTX Sản xuất nông nghiệp và dịch vụ trái cây Mỹ Đức

NGƯỜI DÂN AN TÂM THAM GIA THT, HTX

Là điểm sáng trong phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hiện xã Đạ Kho có hợp tác xã (HTX) thu mua cao su, 6 tổ hợp tác (THT) trồng dâu nuôi tằm và trái cây hoạt động hiệu quả. Đơn cử, tại THT trồng cây ăn trái bưởi da xanh tại Thôn 9, xã Đạ Kho thành lập được hơn 3 năm nay đang là hướng đi phát triển KTTT có hiệu quả đối với bà con trong vùng. Ông Lê Hồng Khanh, Tổ trưởng THT trồng cây ăn trái bưởi da xanh cho hay: THT có hơn 20 thành viên, với tổng diện tích khoảng 20 ha. Hiện vườn của một số gia đình đã cho thu bói vào năm nay, nông sản chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh hoặc các tỉnh lân cận. “Trên mảnh đất 1,7 ha, gia đình tôi trồng xen hơn 500 gốc bưởi da xanh và 100 gốc sầu riêng. Với đợt thu bói bưởi da xanh năm ngoái, tôi bán đi với giá cắt tại vườn là 20.000 đến 30.000 đồng/kg (tùy theo loại). Từ khi tham gia vào THT, các thành viên đều nhận thấy thu nhập đã có nhiều thay đổi so với tự làm theo gia đình, kinh doanh nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, khi chuyển qua trồng trái cây, gia đình không lo tìm đầu ra mà các thương lái họ sẽ chủ động tới mua với giá thành cao hơn so với mình tự động mang ra bán ngoài”, ông Khanh chia sẻ.

Ông Trịnh Xuân Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Kho cho biết: Phát huy được thế mạnh của mình, các mô hình HTX, THT ở xã đã và đang giữ vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và nhất là đã thực hiện tốt việc liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản của địa phương.

Tương tự, tại xã Mỹ Đức, HTX Sản xuất nông nghiệp và dịch vụ trái cây Mỹ Đức với 40 ha trồng cây ăn trái, gồm sầu riêng và bưởi da xanh được sản xuất theo quy trình VietGAP, đảm bảo sạch, an toàn từ chăm sóc đến thu hái, bảo quản. Ông Phạm Văn Xã, Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp và dịch vụ trái cây Mỹ Đức cho biết: “Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ trái cây an toàn của thị trường ngày càng cao, các xã viên của HTX mạnh dạn góp vốn, góp đất để triển khai mô hình trồng trái cây hữu cơ. Hiện HTX đã có 12 ha sầu riêng và 3 ha bưởi da xanh đang cho thu hoạch, tất cả đều đạt năng suất, được thị trường đón nhận và có một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Các mặt hàng trái cây của HTX phần lớn xuất đi thị trường các tỉnh phía Nam nhưng giờ dịch bệnh nên lượng hàng đi cũng hạn chế hơn trước. Tuy nhiên, khi tham gia HTX các thành viên cũng yên tâm hơn vì có đầu ra ổn định, không lo bị tồn đọng hàng. Năm này, tổng sầu riêng thu về được trên 100 tấn với giá bán là 30.000-35.000 đồng/kg”.

ĐỔI MỚI HÌNH THỨC, NÂNG CAO HIỆU QUẢ

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh khẳng định: Để đẩy mạnh phát triển KTTT gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều năm qua, địa phương luôn chú trọng đa dạng hóa ngành nghề và nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của HTX trong các lĩnh vực, đặc biệt là phát huy thế mạnh từ các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với nông nghiệp, hiện toàn huyện có 17 HTX đang hoạt động, gồm 368 thành viên. Doanh thu bình quân một HTX trên 500 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân một HTX đạt 200 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX đạt 48 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, huyện Đạ Tẻh còn có 40 THT, với 523 tổ viên; tổng doanh thu bình quân một THT từ 300-350 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của thành viên từ 2,5-3,8 triệu đồng/tháng.

Ngoài THT, HTX nông nghiệp, huyện Đạ Tẻh tăng cường phát triển KTTT tại các lĩnh vực khác như thành lập 1 HTX tiểu thủ công nghiệp với 9 thành viên; giao thông vận tải có 2 HTX, tổng số có 27 thành viên và HTX chợ với doanh thu bình quân mỗi năm là 98 triệu đồng, lợi nhuận bình quân 40 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 24 triệu đồng/năm.

Theo UBND huyện Đạ Tẻh, hàng năm, địa phương luôn ưu tiên các chính sách hỗ trợ kịp thời và cụ thể, tuy nhiên, nhìn trên thực tế hiện nay cho thấy, khó khăn phần lớn là quy mô còn nhỏ, cơ sở vật chất và trình độ kỹ thuật còn hạn chế; các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp luôn gặp nhiều khó khăn do tác động của yếu tố thời tiết, biến đổi khí hậu, nguy cơ dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, thị trường đầu ra không ổn định...

Nhằm phát huy hiệu quả vai trò của KTTT, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, mỗi HTX và THT huyện Đạ Tẻh cần chủ động đổi mới, nắm bắt xu thế thị trường để có định hướng sản xuất phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực cho mỗi thành viên. Cùng với đó, huyện Đạ Tẻh cũng cần quan tâm hơn trong việc bố trí quỹ đất để các HTX, THT được thuê đất mở rộng sản xuất, tạo điều kiện để các HTX tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển...

Ông Minh thông tin thêm, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tập huấn nâng cao nhận thức của cán bộ, thành viên và người lao động trong khu vực KTTT về vai trò, vị trí, bản chất, tính ưu việt của HTX. Bên cạnh đó, nghiên cứu khảo sát mô hình KTTT có hiệu quả, xây dựng mô hình ở huyện gắn với sản phẩm chủ lực địa phương, bố trí nguồn lực hỗ trợ cho việc xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX điểm; đồng thời, khuyến khích các HTX đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất...

THÂN THU HIỀN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202109/de-kinh-te-tap-the-o-da-teh-phat-huy-hieu-qua-3077406/