Để làn điệu chèo mãi vang xa

Là địa phương có phong trào hát chèo sôi nổi qua nhiều thập kỷ, huyện Yên Khánh đã có nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật truyền thống này. Trong đó chú trọng phát huy vai trò của các nghệ nhân ưu tú trong công tác truyền dạy, nhằm 'hồi sinh' nghệ thuật dân gian trong dòng chảy đương đại hiện nay.

Câu lạc bộ hát chèo thôn 7, xã Khánh Trung (Yên Khánh) biểu diễn tại một buổi sinh hoạt chi bộ mở rộng.

Câu lạc bộ hát chèo thôn 7, xã Khánh Trung (Yên Khánh) biểu diễn tại một buổi sinh hoạt chi bộ mở rộng.

Nhắc đến người thầy của hát chèo quần chúng trên đất Yên Khánh, không ai không biết đến ông Phạm Ngọc Giới, sinh năm 1954, ở xóm 10, xã Khánh Cường. Gắn bó với chiếu chèo từ khi 17 tuổi, đến nay, ông Giới vẫn trọn tình yêu với môn nghệ thuật truyền thống này.

Năm 2015, ông Phạm Ngọc Giới được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Ông Phạm Ngọc Giới cho biết: Từ nhỏ tôi đã yêu thích ca hát và hoạt động văn nghệ quần chúng. Khi 17 tuổi, tôi đã tham gia vào đội văn nghệ của xã, cũng từ đây tôi được cụ Cả Nghệ - người thầy đầu tiên phát hiện năng khiếu hát chèo của tôi, cụ đã tận tình truyền dạy cho tôi biết hát nhiều làn điệu chèo cổ.

Những năm chiến tranh ác liệt, đội văn nghệ của xã vẫn hăng say luyện tập và đi biểu diễn phục vụ nhiều nơi trong huyện, trong tỉnh, tôi là một trong những diễn viên chính của đội văn nghệ xã thời ấy. Những năm tháng trong quân ngũ, tôi đã được đồng đội vinh danh cây văn nghệ chiến trường của đại đội. Trở về địa phương, 22 năm tham gia công tác tại xã, với nhiều công việc khác nhau, từ văn phòng Đảng ủy, Phó bí thư thường trực Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã 2 nhiệm kỳ, tuy bận nhiều công việc của tập thể, song ông Giới vẫn dành thời gian tham gia các hoạt động nghệ thuật quần chúng nhằm giữ gìn nghệ thuật hát chèo tại địa phương. Đến năm 2004, ông Giới nghỉ hưu, có thời gian hơn, ông đã nghiên cứu sưu tầm nhiều làn điệu chèo cổ và sáng tác nhiều hoạt cảnh, ca cảnh, tiểu phẩm, bài hát chèo, hát văn phục vụ các CLB chèo trong xã, trong huyện và một số đơn vị trong tỉnh. Ông Giới đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn hóa; được tỉnh, huyện khen thưởng, ghi nhận những đóng góp cho phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương.

Năm 2018, ông được BCĐ phong trào Dân vận khéo huyện Yên Khánh cấp giấy chứng nhận mô hình điển hình "Nhân rộng và bảo tồn nghệ thuật hát Chèo" giai đoạn 2016-2020. Hiện nay, ông là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, bộ môn sân khấu. Với mong muốn giữ gìn và lan tỏa những làn điệu chèo trong đời sống, Nghệ nhân ưu tú Phạm Ngọc Giới luôn đầu tư thời gian, công sức truyền dạy tất cả những gì tinh túy nhất cho học trò yêu chèo. Ông dạy với tinh thần nghiêm túc, tỉ mỉ, đặc biệt là cảm xúc khi hát để có thể thể hiện được nội tâm của nhân vật và cái hồn của làn điệu chèo.

Từ nhiệt huyết ấy, ông đã đào tạo được rất nhiều người hát chèo, yêu chèo, trong đó nhiều người gắn bó với sự nghiệp văn hóa, người thành diễn viên Nhà hát Chèo Ninh Bình, một số đang là hạt nhân nòng cốt của các CLB chèo. Ông Giới cũng tích cực sáng tác các làn điệu chèo mới, ca ngợi quê hương, đất nước, khơi dậy tinh thần yêu văn hóa, văn nghệ của nhân dân, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Cũng đam mê chèo như ông Phạm Ngọc Giới, Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Điền (nghệ danh Bích Điền), thôn 7, xã Khánh Trung tuy đã gần 70 tuổi nhưng bà vẫn cùng chồng là nhạc công Nguyễn Đức Kiên thường xuyên hướng dẫn con cháu, các thành viên CLB hát chèo của xóm luyện thanh, tập những làn điệu chèo mới. Bà Bích Điền cho biết, bà đam mê chèo từ nhỏ, những khi có đoàn văn công về xã biểu diễn bà thường cõng em ra sân đình xem rồi tự tập múa, hát theo những làn điệu chèo cổ mà bà nghe được, như "Con gà chân chì", "Đường về trận địa"... Học hết lớp 7, bà Bích Điền theo hát ở chiếu chèo của Hợp tác xã Kiến Ốc (xã Khánh Trung), được giao kép chính như vai chị Dậu và đã thể hiện thành công, được đi biểu diễn khắp nơi trong huyện Yên Khánh và huyện bạn. Từ đó đến nay, dù vở chèo cổ hay chèo hiện đại, bà Bích Điền luôn đóng vai chính thành công.

Năm 2019, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú và nhiều danh hiệu trong các hội thi, liên hoan như: Năm 1996, được Bộ Văn hóa-Thông tin tặng Bằng công nhận xuất sắc tại "Liên hoan các làng chèo" khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc bộ; năm 2002, được Bộ Văn hóa-Thông tin tặng Huy chương Vàng tại Liên hoan "Gặp gỡ các làng chèo" toàn quốc; đồng thời được Bộ Văn hóa-Thông tin tặng Huy chương vì sự nghiệp văn hóa quần chúng...

Nghệ nhân ưu tú Bích Điền, Chủ nhiệm CLB hát chèo xã Khánh Trung cho biết: Xuất phát từ niềm đam mê, yêu thích hát chèo, các thành viên trong CLB dù bận rộn với công việc làm ăn, đồng áng, việc gia đình, cuộc sống nhiều người tuy còn khó khăn, vất vả nhưng tất cả mọi người rất nhiệt tình với các hoạt động của CLB. Họ say mê, hạnh phúc vì được góp sức mình giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật chèo. Trong quá trình giao lưu, biểu diễn văn nghệ, cùng với việc tái hiện các trích đoạn chèo cổ, các thành viên CLB còn tự biên, tự diễn hàng trăm tiểu phẩm với nhiều ý hay, mang tính thời sự và nhân văn, phản ánh tâm tư của nhân dân, làng quê đổi mới.

Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các thành viên CLB thường xuyên giao lưu, gặp gỡ qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh, tự tập hát tại nhà, dạy con cháu hát chèo..., qua đó giữ trọn niềm đam mê với chèo. Được biết, nghệ thuật hát chèo ở xã Khánh Trung có từ năm 1945, với 2 CLB chèo làng Quyết Trung và làng Kiến Thái, mỗi CLB có 20 người, thường xuyên biểu diễn phục vụ các dịp lễ, Tết. Từ năm 1998, một số thôn đã thành lập được CLB chèo. Đến năm 2005, xã có 21/21 thôn thành lập CLB hát chèo, hoạt động hiệu quả, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân. Hiện xã có 2 nghệ nhân ưu tú hát chèo. Các CLB chèo còn lưu giữ được nhiều điệu chèo cổ như: Đường trường thu không, Chức cẩm hồi văn, Sa lệch chênh, Tò vò, Hề mồi, Quân tử vu dịch, Lới lơ...

Việc bảo tồn hát chèo cũng được xã Khánh Trung lồng ghép vào dự án sân khấu học đường từ năm 2013 đến nay, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Giai đoạn 1998-2015, xã Khánh Trung đạt huy chương Bạc, huy chương Vàng tại các hội diễn nghệ thuật quần chúng của tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, CLB chèo xã tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện liên tục đạt giải A, B và đạt giải B cấp tỉnh tại Hội thi văn nghệ - thể thao các xã NTM tỉnh Ninh Bình lần I, năm 2019...

Hiện nay, phong trào hát chèo trên địa bàn huyện Yên Khánh đã phát triển mạnh, với 268 thôn, xóm, phố có CLB văn nghệ, trong đó có 71 CLB hát chèo thường xuyên tham gia các hội thi, hội diễn văn nghệ và có 4 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Nguồn nhân lực này đang giúp cho huyện đào tạo các thế hệ trẻ theo học lớp năng khiếu nghệ thuật hát chèo, phục dựng, truyền dạy các vở chèo cổ, tạo nguồn nhân lực phục vụ văn hóa, văn nghệ ở địa phương.

Bài, ảnh: Phương Anh - Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/de-lan-dieu-cheo-mai-vang-xa/d20220125092758228.htm