Để lọt đề tài TS vô bổ nên 'treo' hoạt động đào tạo, hướng dẫn trong 5 năm
Dư luận có nhiều băn khoăn, lo ngại về chất lượng chuyên môn của các luận án tiến sĩ, và công tác đào tạo nghiên cứu sinh thành tiến sĩ.
Dư luận đang có nhiều băn khoăn, lo ngại về chất lượng chuyên môn của các luận án tiến sĩ cũng như công tác đào tạo nghiên cứu sinh thành tiến sĩ hiện nay.
Trong khi Viện Khoa học Thể dục thể thao xác nhận đề tài "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" được hội đồng thẩm định qua nhiều vòng thì giới chuyên gia cho rằng đây giống tham luận hơn là luận án tiến sĩ. Ngoài luận án tiến sĩ trên, Viện Khoa học thể dục thể thao còn hướng dẫn và nghiệm thu cho hàng chục đề tài tương tự,…
Dư luận xã hội đã đặt ra nhiều câu hỏi về vấn đề nghiên cứu khoa học cũng như đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, đề tài trên không thể là một đề tài nghiên cứu khoa học, vậy tại sao lại để lọt những đề tài như thế?
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với bà Lê Thị Túy - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên. Bà Túy chia sẻ: “Điều tối thiểu của việc làm luận án Tiến sĩ là công trình nghiên cứu khoa học đó mang tính thực tế cao, trên cơ sở am hiểu khoa học thế giới, cần xác định đề tài đủ tầm hay không, có tính khoa học hay không, có tính mới không, hay chỉ là những nghiên cứu và tổng kết rất lặt vặt.
Với đề tài luận án trên nói đến việc phát triển môn cầu lông cho cán bộ công chức, viên chức thành phố Sơn La, theo tôi là quá nhỏ, chưa nổi bật tính đóng góp cho xã hội hay cộng đồng khoa học, do vậy xét về tính học thuật, hàm lượng chất xám lẫn thực tiễn thì đề tài chưa đạt yêu cầu. Hơn nữa, đối tượng nghiên cứu của luận án trên là công chức, viên chức, chứ không phải học sinh hay sinh viên nên đề tài này cũng không liên quan đến chuyên ngành giáo dục, nhưng lại được xếp vào chuyên ngành giáo dục học?
Ngoài ra, tôi thấy hiện nay dư luận chỉ ra có hàng loạt các luận án tiến sĩ liên quan đến giảng dạy giáo dục thể chất cho sinh viên tại các trường đại học,…điều đáng nói, các luận án đó na ná nhau, chỉ khác nhau tên cơ sở giáo dục. Không ít luận án dự báo đánh giá triển vọng kinh tế của nhiều tỉnh thành cùng có mô típ đề tài giống nhau, chỉ khác về địa danh.
Đã là luận án tiến sĩ, phải đáp ứng hai tiêu chuẩn phát kiến mới và tầm quan trọng cho xã hội, có đóng góp mới cho tri thức khoa học. Nếu một luận án không đáp ứng hai tiêu chuẩn này thì không thể xứng tầm tiến sĩ.
Ở Việt Nam, tôi thấy phần lớn nghiên cứu sinh vừa đi làm, vừa đọc, vừa viết, điều kiện để có được tài liệu tham khảo tốt cũng chưa được đầy đủ. Chưa kể, có những giáo sư, giảng viên hướng dẫn cùng lúc đến mấy chục luận văn, luận án khác nhau, thậm chí là không đúng chuyên môn của người hướng dẫn. Với thực trạng như vậy, rất khó có thể đảm bảo được trách nhiệm cũng như chất lượng của đề tài khoa học.
Mục đích chính của đào tạo tiến sĩ là tạo nguồn một đội ngũ nhà khoa học chuyên nghiệp cho đất nước, những người có khả năng làm nghiên cứu khoa học và giảng dạy trong đại học. Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập với thế giới, lĩnh vực khoa học và công nghệ luôn được coi trọng, nhưng trong thực tế tôi thấy rất nhiều người có bằng tiến sỹ mà trong nhiều năm không có một công trình khoa học, hay một bài báo khoa học nào được đăng tải. Từ thực trạng đó, chúng ta cần xem lại cách đào tạo tiến sĩ của nước mình có phù hợp với thực tế hay không?
Trước đây, với yêu cầu các nghiên cứu sinh phải có ít nhất một bài báo đăng trên tạp chí quốc tế được quy định tại Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT đã hạn chế được những luận án chỉ ở tầm báo cáo làng nhàng. Tuy nhiên, năm 2021, Thông tư 18 ra đời thay thế Thông tư 08 đã "cắt" đi yêu cầu này, tôi cho rằng các luận án tiến sĩ sẽ trở nên dễ dãi hơn, và chắc chắn sẽ tái diễn tình trạng nhiều luận án “copy” tràn lan, đi đâu cũng gặp tiến sĩ”.
Sai sót ở khâu nào?
Bà Túy băn khoăn: “Để xảy ra tình trạng luận văn tiến sĩ “nở rộ” như hiện nay, tôi cho rằng trách nhiệm chính là các cơ sở đào tạo, đây là nơi quyết định hội đồng đánh giá, phản biện... Muốn đào tạo một tiến sĩ có chất lượng, nhất thiết cơ sở đào tạo phải tuân theo quy trình chặt chẽ, từ khi nghiên cứu sinh trúng tuyển đầu vào cho đến vòng bảo vệ cuối cùng.
Ở các nước tiến tiến trên thế giới, để giữ uy tín của mình trong lĩnh vực học thuật, các giáo sư sẽ ít khi chấp nhận một đề tài nghiên cứu chất lượng thấp, nếu không nói là qua loa không có giá trị thực tế. Chất lượng đào tạo ảnh hưởng lớn đến uy tín của các viện nghiên cứu và trường đại học, do vậy các hội đồng khoa học và hội đồng hướng dẫn thường chú trọng rất nhiều vào các công trình nghiên cứu, chứ không phải chỉ đại khái cho có. Vậy nên, có thể nói với trường hợp cụ thể là đề tài cầu lông, hội đồng và người hướng dẫn nghiên cứu sinh chưa làm hết trách nhiệm”.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin sẽ thẩm định lại các luận án tiến sĩ bị dư luận phản ánh, bà Túy nói: “Công tác thẩm định luận án, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn làm thường xuyên hàng năm. Vậy tại sao Bộ không phát hiện ra vấn đề mà phải chờ dư luận lên tiếng mới lên tiếng thẩm định? Hơn nữa, nếu chỉ hậu kiểm với luận án “cầu lông” thôi thì không công bằng. Bộ sẽ xử lý thế nào với khá nhiều luận án kiểu như vậy từ trước đến nay?
Để nâng cao chất lượng tầng lớp tinh hoa, loại bỏ tiến sĩ háo danh, nhà nước cần có chính sách chặt chẽ hơn về thẩm định đề tài từ những vòng xét chọn đầu tiên, nâng cao thêm yêu cầu cần và đủ, như phải có bài báo trên tạp chí quốc tế có uy tín, yêu cầu có công bố quốc tế là tiêu chuẩn khách quan duy nhất vì việc này không thể “chạy chọt” được.
Có chứng nhận là báo cáo viên tại các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế về vấn đề liên quan đến nghiên cứu trong luận văn. Cùng với đó, cần công khai tên tuổi chức danh hội đồng và người hướng dẫn luận án để xã hội được biết.
Về trình độ nghiên cứu sinh, cần yêu cầu bắt buộc có trình độ ngoại ngữ giỏi để viết tóm tắt luận án bằng tiếng Anh. Thầy hướng dẫn buộc phải có đề tài nghiên cứu khoa học, và nghiên cứu sinh cũng có tham gia một phần trong đề tài của thầy. Nói không với thầy hướng dẫn chỉ bằng lý thuyết, thiếu thực tế. Nghiên cứu sinh phải thực hiện trợ giảng tại các trường đại học, hoặc tham gia giảng dạy, gắn với phòng thí nghiệm,...
Nghiên cứu sinh phải bảo vệ luận án đó ở vài cơ sở nghiên cứu khoa học khác, để các hội đồng phân tích, cân nhắc phản biện xem vấn đề này ra sao, thật sự có điểm mới, có giá trị chất xám đóng góp cho xã hội, sau đó mới được bảo vệ chính thức. Phải gắn trách nhiệm của thầy hướng dẫn, hội đồng phản biện, cơ sở đào tạo nào có nhiều tiến sĩ với đề tài vô bổ thì trong 5 năm tiếp theo không được phép hướng dẫn, phản biện hay đào tạo tiến sĩ. Có như vậy thì mới quản lý được tốt chất lượng tiến sĩ”.