Để Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi vào cuộc sống
Từ ngày 1/7, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi năm 2023 chính thức có hiệu lực. Luật mới được hoàn thiện toàn diện, kịp thời bổ sung nhiều quy định và điều chỉnh các vấn đề mới, từ đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, bảo đảm chặt chẽ quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi, thay thế Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 gồm có 7 Chương, 80 Điều, quy định rõ ràng về nguyên tắc, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của cơ quan, tổ chức; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi đã hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, khả thi, đồng thời tạo thêm động lực để thúc đẩy, hoàn thiện môi trường tiêu dùng an toàn, chất lượng, tăng sức cạnh tranh để các doanh nghiệp có thể phát triển, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch hơn cho người tiêu dùng...
Về các điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi: Các nội dung, quy định trong Luật được sửa đổi, hoàn thiện đảm bảo thiết thực, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh hiện nay. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là khi vai trò, vị trí của người tiêu dùng được nâng lên. Từ đó, người tiêu dùng sẽ yên tâm mua bán hàng hóa và sử dụng dịch vụ trên thị trường, đồng thời thay đổi tư duy, thói quen trong việc lựa chọn địa chỉ, đơn vị cung ứng để mua sắm hàng hóa.
Sự chặt chẽ trong việc xây dựng các quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi năm 2023 cũng đã thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chú trọng đầu tư quy trình sản xuất đồng bộ; xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tạo niềm tin cho khách hàng bằng chất lượng và giá cả hợp lý.
Ông Ngô Duy Hiến - Phó Giám đốc Siêu thị Coop.mart Việt Trì cho biết: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi đã đề cập đến các quy định về trách nhiệm bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bán, cung cấp cho người tiêu dùng... Trên cơ sở các quy định của Luật, Siêu thị luôn nghiêm túc thực hiện việc minh bạch thông tin hàng hóa, đảm bảo sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Hiện hơn 10.000 mặt hàng của Siêu thị đều được công khai thông tin và niêm yết giá bán theo đúng quy định.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, để Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi vào cuộc sống, Sở Công Thương tiếp tục tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết về Luật đến đông đảo đối tượng cán bộ, công chức làm công tác tham mưu, quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong xã hội, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các lực lượng chức năng, tăng cường kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chỉ tính riêng trong tháng 7, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 168 vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại...
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần có ý thức tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình; cẩn trọng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Các cơ quan quản lý nhà nước mong muốn, người tiêu dùng mạnh dạn lên tiếng đề xuất, khiếu nại khi gặp vấn đề bị xâm hại quyền lợi khi mua sắm, để tham gia góp phần phát hiện, xử lý, xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh.