Quy định nhà đầu tư '3 có' có vấn đề

Sau nhiều chỉnh sửa dựa trên góp ý dư luận, Dự thảo 1 luật sửa 7 luật (trong đó có Luật Chứng khoán) vừa được Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ trình Quốc hội.

Theo đó, dự thảo cấm nhà đầu tư (NĐT) cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ ở lần sửa trước đã được đảo ngược, tức luật không cấm. Để rõ hơn về vấn đề này, Báo ĐTTC đã có cuộc trao đổi với GS.TS TRẦN NGỌC THƠ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.

PHÓNG VIÊN: - GS. đánh giá như thế nào về quy định này?

GS.TS TRẦN NGỌC THƠ: - Trước hết, tôi nghĩ phần lớn dư luận sẽ ủng hộ cách tiếp cận tiên phong của BTC trong việc xóa bỏ tư duy lập pháp cái gì không quản được thì cấm. So với các Dự thảo trước, lần này BTC đã dựa trên cách tiếp cận “tường cao, vườn rộng” cho thị trường TPDN riêng lẻ.

“Tường cao” về phía bên cung, nghĩa là siết chặt và nâng cao chất lượng nguồn cung TPDN riêng lẻ từ các DN phát hành; về phía bên cầu, các NĐT chuyên nghiệp cá nhân sẽ được thử thách khắc nghiệt hơn so với các quy định trước đây, tức sẽ phải nắm giữ TPDN riêng lẻ trong thời gian dài 3 năm.

Tóm lại, tất cả chủ thể cung cầu trên thị trường TPDN riêng lẻ, nếu thỏa mãn tiêu chuẩn cao theo yêu cầu sẽ đủ điều kiện tham gia sân chơi “vườn rộng” với rủi ro có thể kiểm soát được khi mua TPDN riêng lẻ.

- Vậy GS. nghĩ như thế nào về quy định “3 có” trong dự thảo gồm có xếp hạng tín nhiệm, có tài sản đảm bảo và có bảo lãnh ngân hàng, các DN mới được phát hành TPDN riêng lẻ?

- Thị trường TPDN riêng lẻ có rủi ro rất cao, do vậy có thể thông cảm cho cơ quan soạn thảo cần phải đặt ra các quy định như Dự thảo để ưu tiên bảo vệ NĐT, cũng là để bảo vệ niềm tin cho toàn thị trường. Vì chỉ cần một sự cố cho một khu vực nào đó, như các DN bất động sản đã xảy ra, có thể lây lan toàn thị trường và ảnh hưởng đến các DN làm ăn chân chính khác. Nhưng theo tôi BTC có thể cân nhắc bỏ nguyên tắc “one size fits all” (không áp đặt kích cỡ “3 có” cho các DN).

- GS. có thể giải thích rõ về luận điểm “3 có” này?

- Lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán vốn rất phức tạp và có liên thông với nhau. Quy định về lĩnh vực này trên thế giới không bao giờ áp đặt chung cùng một khung quy định. Chẳng hạn, một nhà băng có tổng tài sản cao sẽ nằm ở khung quy định khác so với nhà băng có tổng tài sản thấp. Anh thì nặng chỗ này, nhẹ chỗ khác và ngược lại.

Tương tự một công ty đại chúng niêm yết có bề dày chục năm, liên tục có lãi, chịu sự điều tiết và giám sát của nhiều quy định vẫn phải áp dụng khung “3 có” cùng hạng với các DN không đại chúng, thậm chí các công ty “bình phong” trong hệ sinh thái khi phát hành TPDN riêng lẻ, thực sự có điều gì đó không ổn.

Trước hết, đối với DN chưa thử thách, tôi thậm chí muốn BTC phải đặt ra “5 có”, chẳng hạn DN phát hành phải 3 năm liên tục có lãi, phải có đòn bẩy nợ không được vượt quá tỷ lệ nhất định so với vốn chủ sở hữu. Nhưng riêng đối với DN đại chúng niêm yết, BTC nên cân nhắc bỏ quy định cần có bảo lãnh ngân hàng, thậm chí bỏ tài sản bảo đảm nếu thỏa mãn thêm nhiều cái có khác như nhiều năm liên tục có lãi…

Luật nên hướng đến tăng cường khả năng quản trị của chính bản thân DN, thay vì luật kiểm soát cái DN không kiểm soát được, như phải được sự đồng ý bảo lãnh của người khác là ngân hàng? Quy định như vậy sẽ hạn chế sự phát triển của thị trường đáng kể.

Áp dụng cách tiếp cận “5 có” hoặc “nhiều có” khác tùy theo tình hình thực tế, để bảo đảm sẽ thử thách cao độ các DN đầy rủi ro tham gia thị trường TPDN riêng lẻ. Nó sẽ loại bỏ các DN không nghiêm túc một cách đáng kể. Điều này sẽ giúp cơ quan quản lý tập trung nguồn lực giám sát các DN ít rủi ro hơn.

Đối với các công ty đại chúng có thành quả tốt trong nhiều năm, lại được điều tiết ở nhiều bộ luật (như Luật DN, Luật Chứng khoán), nhiều quy định, thì chỉ cần áp dụng “3 có” hoặc “4 có”.

- GS. có thể minh chứng kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này như thế nào?

- TPDN riêng lẻ là thị trường của niềm tin, của sự riêng tư. Có khi các DN phát hành đâu muốn chia sẻ bí mật kinh doanh mà ta phải áp đặt phải có bảo lãnh ngân hàng? Trong khi vẫn còn nhiều tiêu chí khác để kiểm soát rủi ro. Như ở Singapore, tất cả tiêu chí định lượng chưa phải là tất cả. Nếu thấy có vấn đề, cơ quan quản lý của họ sẽ thực hiện các bài kiểm tra định tính để kiểm tra thêm chất lượng các DN phát hành.

Tôi nghĩ tại sao BTC, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không thể lập ra nhóm chuyên gia để thực hiện các bài kiểm tra định tính (ngoài các chỉ tiêu định lượng), nhằm tăng thêm nguồn cung chất lượng TPDN riêng lẻ trên thị trường. Bởi vì khi áp dụng một cách cơ học tiêu chuẩn “3 có” chung cho tất cả các DN, tuy an toàn cho cơ quan quản lý, nhưng chúng ta có thể vô tình loại bỏ nhiều DN chất lượng tham gia thị trường.

Trong khi Singapore còn áp dụng mô hình “công tư giám sát”, phía chính phủ hỗ trợ chi trả chi phí xếp hạng tín nhiệm phát hành TPDN riêng lẻ, và trừ chi phí phát hành xếp hạng tín nhiệm khi tính thuế thu nhập DN đối với các DN phát hành đủ điều kiện Khung trái phiếu miễn trừ (Exempt Bond Issuer Framework) trong Luật Chứng khoán của họ.

- Vậy GS. tin rằng quy định mới trong dự thảo lần này có thể làm cho thị trường TPDN riêng lẻ phát triển an toàn, lành mạnh?

- Sẽ mãi và không bao giờ chính phủ của bất kỳ quốc gia nào, có thể tìm ra cách không để cho thị trường TPDN riêng lẻ phát triển ổn định bất biến mà không có sự cố. Lý do là các đổi mới tài chính liên tục phát triển, nên thị trường phải có những trục trặc cần phải chỉnh sửa kịp thời.

Điều quan trọng là các cơ quan quản lý thị trường phải liên tục giám sát, cảnh báo, điều chỉnh các quy định kịp thời. Các quy định cần phải liên tục sàng lọc để thị trường TPDN riêng lẻ ngày càng lành mạnh với rủi ro thấp nhất và có thể kiểm soát được.

- Xin cảm ơn GS. về cuộc trao đổi này.

Đối với DN đại chúng niêm yết, có bề dày chục năm, liên tục có lãi, chịu sự điều tiết và giám sát của nhiều quy định, vẫn phải áp dụng khung “3 có” cùng hạng với các DN không đại chúng sẽ không ổn. Nhưng đối với DN chưa thử thách, có thể phải đặt ra “5 có”.

TRẦN HẢI (thực hiện)

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/quy-dinh-nha-dau-tu-3-co-co-van-de-post118122.html