Để mặc con chưa đủ tuổi vẫn đi xe máy, bố mẹ không thể vô can!

Những số liệu thống kê về tai nạn giao thông liên quan đến thanh thiếu niên điều khiển mô tô, xe máy khiến chúng ta không khỏi giật mình. Thậm chí vì phút nông nổi của tuổi trẻ mà nhiều thanh thiếu niên phải trả giá bằng cả sinh mạng hay vướng vào vòng lao lý.

Đừng tiếp tay cho vi phạm

Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an quận Hoàn Kiếm (TP. Hà Nội) đã khởi tố 20 đối tượng trong vụ tai nạn giao thông trên phố Trần Hưng Đạo làm một cô gái tử vong.

Trước đó khoảng 0h15’ ngày 3/11, chị N.H.Q. (SN 1997, trú tại quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) đang dừng chờ đèn đỏ ở ngã tư Bà Triệu - Trần Hưng Đạo thì có một nhóm “quái xế” với hàng chục xe đi tốc độ cao lao đến. Bất ngờ 1 xe chở 2 người đâm trực diện vào xe máy của chị N.H.Q. khiến chị ngã văng xuống đường và tử vong tại chỗ. Đáng chú ý sau khi gây tai nạn, các “quái xế” không dừng xe để cấp cứu người bị nạn mà tiếp tục điều khiển xe phóng đi với tốc độ cao.

Ngày 19/11, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An), đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 13 đối tượng về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Do mâu thuẫn trong quá trình tham gia giao thông, nhóm thanh, thiếu niên ở độ tuổi từ 14 - 20 tuổi điều khiển xe mô tô phóng nhanh, vượt ẩu. Thậm chí còn đem theo hung khí kiếm, dao rượt đuổi, đánh nhau gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và gây mất an ninh trật tự.

 Báo động tình trạng thanh thiếu niên điều khiển mô tô, xe máy vi phạm quy định về an toàn giao thông.

Báo động tình trạng thanh thiếu niên điều khiển mô tô, xe máy vi phạm quy định về an toàn giao thông.

Dù các cơ quan thông tin đại chúng, ban ngành liên quan đã tăng cường tuyên truyền để phụ huynh cũng như thanh thiếu niên nâng cao nhận thức. Nhưng thực tế không ít phụ huynh còn có sự thờ ơ, thậm chí là dung túng để con em điều khiển mô tô, xe máy khi chưa đủ tuổi.

Ngày 11/11, Tổ công tác của Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT - Công an TP. Hà Nội) đã bí mật ghi hình học sinh đi xe máy đến trường và kiểm tra bãi giữ xe của Trường THCS - THPT Hà Thành tại phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong bãi trông giữ xe của nhà trường có hơn 20 xe máy (loại từ 110cc - 150cc) do các học sinh điều khiển. Đáng chú ý, trong khi lực lượng chức năng làm việc đã có một số phụ huynh đến tìm cách “tẩu tán” xe cho con, em mình.

Ông T.C.C. tự nhận mình là người điều khiển phương tiện đến trường chứ không phải con mình và yêu cầu được lấy xe ra về. Chỉ khi lực lượng CSGT cho xem hình ảnh người điều khiển phương tiện khớp với biển số xe, ông T.C.C. mới thừa nhận con mình gọi đến để “giải cứu”.

Thậm chí nhiều phụ huynh còn một mực khẳng định con mình không điều khiển xe máy đến trường hoặc bản thân đến gửi nhờ xe ở trường. Khi được xem rõ hình ảnh do lực lượng chức năng ghi lại thì phụ huynh mới chấp nhận ký vào biên bản.

Ghi nhận thực tế của PV vào lúc gần 12h trưa hàng ngày, tại tuyến đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) tấp nập người và xe qua lại. Trong dòng phương tiện di chuyển đông đúc không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh vẫn mặc nguyên đồng phục, vai đeo ba lô điều khiển xe máy. Đặc biệt một số bạn còn không đội mũ bảo hiểm, xe không biển số và đi với tốc độ cao.

Bác Minh - một người dân sống tại khu vực lo lắng; nhiều học sinh lớp 8, lớp 9 đã đi xe máy vun vút trên đường. Không hiểu sao bố mẹ giao xe cho trẻ đi sớm thế. Quá nguy hiểm không chỉ đối với bản thân mà với cả những người khác.

Mỗi phụ huynh phải là một tấm gương sáng

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định, người giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800 nghìn đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6 - 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô. Nếu người được giao xe gây tai nạn, chủ xe sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều ý kiến cho rằng hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển là hành vi nguy hiểm cho xã hội, song hình phạt hiện tương đối nhẹ, chủ yếu là phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ nên chưa đủ răn đe.

Mặc dù trực tiếp học sinh, thanh thiếu niên là người có hành vi điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe gây ra tai nạn. Nhưng nếu người lớn không mua xe, không tạo điều kiện cho các cháu điều khiển tham gia giao thông, chắc chắn các cháu không có xe sử dụng.

 Mỗi bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức, trách nhiệm khi giao xe cho con. Ảnh minh họa.

Mỗi bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức, trách nhiệm khi giao xe cho con. Ảnh minh họa.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an), thực trạng này rất đáng lo ngại, là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho tai nạn giao thông trong học sinh tăng cao.

Thời gian qua, lực lượng CSGT đã phối hợp cùng với Công an cơ sở, ngành Giáo dục kiểm tra các bãi gửi xe của học sinh THPT, phát hiện nhiều trường hợp học sinh đi xe mô tô khi chưa có giấy phép lái xe. Lực lượng chức năng đã xử lý cả hành vi giao xe của người lớn nhưng một thời gian, đâu lại vào đấy.

Quá trình mời phụ huynh lên làm việc để xử lý về hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển cho thấy, nhiều phụ huynh chỉ cần con đòi hỏi là sẵn sàng mua xe cho con đi mà không cần quan tâm hay tính toán nên mua xe gắn máy hay xe mô tô cho con thì phù hợp.

Sự buông lỏng quản lý còn thể hiện ở việc qua điều tra, phát hiện có những cháu dùng tiền tiết kiệm mua xe mô tô rồi giấu bố mẹ gửi xe ở gần nhà. Ban ngày các cháu vẫn đi học bình thường nhưng đến tối lại trèo cửa ban công ra khỏi nhà, lấy xe tụ tập với bạn bè.

“Lực lượng CSGT xử lý vi phạm giao thông của học sinh ngày hôm nay nhưng ngay ngày mai các em lại vi phạm như không có vấn đề gì bởi bố mẹ không quan tâm. Sự quan tâm của phụ huynh đối với con em để tránh xa tệ nạn xã hội rất đáng báo động, đáng phải xem xét”, Đại tá Nhật bày tỏ.

Luật Trật tự an toàn giao thông đã dành riêng một điều quy định về tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ cho lứa tuổi học sinh, trách nhiệm chính thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tùy theo các cấp học.

Đặc biệt là sự cần thiết phải đưa kiến thức về pháp luật trật tự an toàn giao thông đường bộ vào giảng dạy chính khóa để bắt buộc học sinh có ý thức thực hiện tham gia giao thông một cách an toàn. Với trẻ chưa đủ tuổi điều khiển, bố mẹ tuyệt đối không giao xe cho con.

Cục CSGT (Bộ Công an) mới đây đã đề xuất tăng mức phạt gấp 5 lần (từ 4 - 6 triệu đồng lên 28 - 30 triệu đồng) đối với hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển. Để ngăn tai nạn liên quan đến hành vi trên, cần xử nghiêm việc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển, ngay cả khi chưa gây ra hậu quả.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-mac-con-chua-du-tuoi-van-di-xe-may-bo-me-khong-the-vo-can-post322173.html