Để Nậm Dạng không lỡ hẹn 'về đích' nông thôn mới

Theo kế hoạch, cuối năm 2024, xã Nậm Dạng (huyện Văn Bàn) sẽ đạt các tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, xã vẫn còn 4 tiêu chí chưa đạt.

So với các xã lân cận, Nậm Dạng không có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội nên khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, nền tảng xuất phát điểm các tiêu chí quan trọng như giao thông, cơ sở vật chất văn hóa… ở mức rất thấp. Đây là một trong những trở ngại khiến Nậm Dạng nhọc nhằn hơn trên chặng đường “về đích”.

Nậm Dạng là xã miền núi thuần nông, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Xã có 6 thôn, 373 hộ, trong đó 98% là người dân tộc thiểu số. Thời điểm bước vào xây dựng nông thôn mới, xã có hàng trăm hộ nghèo và cận nghèo, trong khi những thế mạnh để khai thác phát triển kinh tế không có nhiều. Đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân, Nậm Dạng mạnh dạn đăng ký “về đích” vào cuối năm 2024. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng đến nay, khi chỉ còn vài tháng nữa là hết năm, Nậm Dạng còn 4 tiêu chí chưa đạt, gồm giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo, trong đó 2 tiêu chí là giao thông và hộ nghèo đạt hay không phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của người dân. Vì thế, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các chi bộ thôn đã dành nhiều công sức vận động người dân thực hiện.

Sau hơn 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, tốc độ giảm nghèo của xã Nậm Dạng đạt kết quả chưa được như mong muốn, bình quân mỗi năm giảm từ 3,5 - 4% hộ nghèo. Nguyên nhân là do địa phương không có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, xã vẫn còn 76 hộ nghèo (theo tiêu chí nghèo đa chiều), chiếm gần 20,7% tổng số hộ. Như vậy, đến cuối năm nay, Nậm Dạng phải giảm số hộ nghèo xuống dưới 7%. Theo khảo sát, xã còn 2 thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao là Nậm Lang (có 8/42 hộ, chiếm 19%) và thôn Hạ (có 9/65 hộ, chiếm 14%). Thời gian tới, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể phải thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các hộ nghèo và cận nghèo thì mới hy vọng đạt mục tiêu đề ra.

Chúng tôi đến thôn Hạ để tìm hiểu về giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo ở đây. Trưởng thôn Triệu Minh Phủ cho biết: Việc xóa hộ nghèo giờ không còn là việc riêng mà đã là việc chung của thôn. Các hộ nghèo trong thôn sau khi được động viên, mặc dù đã rất cố gắng nhưng nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn vay, tư liệu sản xuất để thúc đẩy các mô hình phát triển kinh tế thì việc tăng thu nhập cho người dân là rất khó. Thời gian còn lại không nhiều, thách thức giảm hộ nghèo trong thôn là rất lớn nhưng chúng tôi sẽ vận động người dân cố gắng vươn lên.

Khi nói về những khó khăn trong thực hiện các tiêu chí chưa đạt, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Anh Đức không giấu được lo lắng: Trong 4 tiêu chí còn lại thì khó nhất là tiêu chí trường học, cơ sở vật chất văn hóa, bởi đây là 2 tiêu chí cần nguồn lực đầu tư rất lớn, nếu không có sự đầu tư của tỉnh và huyện thì sẽ rất khó đạt trong năm nay. Đơn cử như tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, xã đang thiếu 1 sân vận động, mặc dù việc chuẩn bị mặt bằng đã được chính quyền địa phương và người dân thực hiện nhưng để triển khai xây dựng cần số tiền đầu tư vài tỷ đồng.

Tương tự, để đạt tiêu chí trường học thì cần hơn 3 tỷ đồng xây dựng nhà đa năng và phòng ở bán trú cho học sinh. Trên thực tế, mặc dù Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã đã đạt chuẩn mức độ 1 nhưng so với tiêu chí nông thôn mới hiện hành thì mới đạt 50%.

“Nhà trường đang thiếu 1 nhà đa năng, 10 phòng bán trú và một số phòng chức năng. Nếu là các tiêu chí liên quan đến chất lượng dạy và học hoặc phổ cập giáo dục thì đội ngũ giáo viên còn cố gắng phấn đấu được, chứ liên quan đến cơ sở vật chất thì cần có sự đầu tư của Nhà nước. Mặt bằng xây dựng các hạng mục nhà trường đã chuẩn bị sẵn, chỉ còn chờ các dự án được phê duyệt triển khai” - thầy giáo Nguyễn Văn Cường, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Nậm Dạng cho biết.

Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, xã Nậm Dạng đang dồn sức huy động các nguồn lực, lồng ghép với nguồn vốn thuộc chương trình, dự án và sự đóng góp của người dân trong thực hiện các tiêu chí chưa đạt. Bên cạnh đó, lĩnh vực phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo và cận nghèo cũng được chính quyền và các tổ chức đoàn thể quan tâm. Hy vọng, với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã, sự vào cuộc của cán bộ, đảng viên trong giúp đỡ hộ nghèo lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp để nâng cao thu nhập, Nậm Dạng sẽ không lỡ hẹn “về đích” nông thôn mới.

Vũ Sơn

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/de-nam-dang-khong-lo-hen-ve-dich-nong-thon-moi-post389004.html