Đê ngầm cứu bờ biển Hội An

Trước mùa mưa bão năm 2024, tuyến đê ngầm dài 550m, cách bờ biển từ 250m đến 300m, có nhiệm vụ chống sạt lở bờ biển, bảo vệ các công trình phía bên trong khu vực biển An Bàng, phường Cẩm An, thành phố Hội An (Quảng Nam) đã được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Tình trạng sạt lở bờ biển Hội An, kể cả mùa mưa bão lẫn mùa nắng nóng đã diễn ra từ nhiều năm qua. Để ngăn chặn tình trạng này, nhiều dự án đã được thực hiện, song kết quả không khả quan. Thành phố Hội An, các doanh nghiệp làm du lịch và người dân địa phương đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng các tuyến kè bằng bao tải chứa cát, cọc tre, đá hộc để ngăn chặn sạt lở. Tuy nhiên đây chỉ là những giải pháp tạm thời, không trụ được sau vài mùa mưa bão.

Ông Đinh Dũng, Chủ tịch UBND phường Cẩm An (Hội An, Quảng Nam) cho biết: “Việc đưa tuyến đê vào sử dụng trước mùa mưa bão đã giúp ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển kéo dài trong nhiều năm qua, bảo vệ được tài sản của cư dân, đồng thời tạo được sinh kế cho cộng đồng, bởi vì bãi biển An Bàng là bãi biển đẹp, thu hút lượng lớn khách, nhất là khách quốc tế đến tắm nắng, tắm biển và trải nghiệm các loại hình dịch vụ du lịch khác".

Chủ tịch UBND phường Cẩm An chia sẻ, mấy năm trước đây, bờ biển Cẩm An bị sạt lở rất nghiêm trọng. Trong khi chờ đợi giải pháp tổng thể, lâu dài, có tính khả thi cao để ổn định bờ biển, phát triển du lịch, ổn định cuộc sống dân cư trong khu vực, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng công trình chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An; đồng thời tận dụng lượng cát nạo vét để san lấp, bồi đắp cho bờ biển, phục vụ nhu cầu tham quan, tắm biển của du khách. Đây là một trong những giải pháp được tỉnh ưu tiên thực hiện nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng lấn sâu vào đất liền.

Việc đầu tư xây dựng kè chắn sóng sẽ ngăn chặn được tình trạng xâm thực bờ biển trong mùa mưa bão. Khi tuyến kè đưa vào sử dụng, sẽ giúp bảo vệ an toàn cho khu vực trong kè và tạo sinh kế cho người dân.

Với nguồn vốn đầu tư 210 tỷ đồng, tuyến đê ngầm bảo vệ bờ biển An Bàng, phường Cẩm An được xây dựng theo công nghệ Hà Lan. Theo đó, chân đê được xây dựng bằng các khối ha-rô, đỉnh đê thấp, chìm dưới mặt nước biển, có nhiệm vụ phá sóng từ xa, hạn chế tác động trực tiếp của sóng biển, nhờ đó, chống được tình trạng sạt lở đường bờ do sóng biển gây ra và khôi phục dải cát ven bờ, bảo vệ được bãi biển đẹp của thành phố Hội An.

Kỹ sư Đào Tô Văn (Công ty Cổ phần tập đoàn Đạt Phương), Chỉ huy thi công đê ngầm, cho biết: Đơn vị thi công đã huy động 60 phương tiện các loại và hơn 120 lao động để thi công tuyến đê ngầm dài 550m, nằm cách bờ hơn 200m và tận dụng trên 600.000m3 cát bổ sung cho bờ biển. Đơn vị thi công đã sử dụng gần 4.000 khối harô, mỗi khối nặng 5 tấn, hơn 60.000 m3 đá để làm chân và thân kè, tận dụng được hơn 604.000 m3 cát để tái tạo và nuôi bãi biển An Bàng dài 1,4 km.

Đồng hành cùng đơn vị thi công, chủ đầu tư công trình đã thực hiện việc giải ngân theo từng hạng mục có khối lượng. Điều này vừa tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công, vừa góp phần giải ngân nguồn vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Nam trong năm 2024.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Tân, cho biết: Trong những năm gần đây, tình hình sạt lở bờ biển, bồi lấp cửa sông trên địa bàn đã và đang diễn ra rất phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về quy mô và phạm vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu đô thị, khu dân cư sinh sống tập trung, các công trình hạ tầng kỹ thuật và các khu du lịch; ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đời sống nhân dân trong khu vực.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An khẳng định: Việc xây dựng tuyến đê ngầm và bồi trúc, tạo bãi tắm Cửa Đại là giải pháp trước mắt để ngăn chặn nạn sạt lở bờ biển ngày càng sâu vào đất liền do sóng biển gây ra trong mỗi mùa mưa bão.

Công trình này không chỉ mang lại vẻ đẹp vốn có của bãi biển Cửa Đại đã được thế giới công nhận, mà về lâu dài, còn có khả năng phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng lấn sâu vào đất liền.

Mặt khác, việc xây bờ kè ngầm chống xói lở còn trực tiếp trả lại nguồn tài nguyên quý giá cho Hội An là bãi biển tuyệt đẹp, đáp ứng nhu cầu của du khách, nhất là khách quốc tế.

Bài và ảnh: Quốc Quân

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/de-ngam-cuu-bo-bien-hoi-an-20250122214037983.htm