Những lưu ý khi lái xe trở lại thành phố sau kỳ nghỉ Tết

Kiểm tra phương tiện, tính toán lộ trình... là một trong những điều cần lưu ý trước khi bắt đầu hành trình lái xe về các thành phố sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Kiểm tra tổng quát xe trước khi bắt đầu hành trình

Việc kiểm tra xe trước mỗi hành trình là điều rất bắt buộc, giúp bạn phòng tránh nhiều rủi ro và sự cố không may. Việc phương tiện gặp hỏng hóc giữa đường không chỉ gây phiền toái cho chính chủ xe mà còn sẽ làm ảnh hưởng tới các phương tiện xung quanh.

Do đó trước khi khởi hành, tài xế cần kiểm tra tổng quát lại phương tiện với các hạng mục như lốp, phanh, đèn, gương, động cơ, dung dịch... để phòng tránh những trục trặc bất ngờ trên đường.

Hãy đảm bảo rằng ô tô đã được đổ đầy xăng/dầu hoặc sạc đủ điện trước khi đi. Đồng thời nên trang bị sẵn lốp dự phòng và máy bơm lốp để sử dụng trong trường hợp cần thiết.

Tính toán lộ trình và có phương án dự phòng

Ùn tắc giao thông sau đợt nghỉ Tết là không thể tránh khỏi, do lượng phương tiện lớn đổ dồn vào thành phố trong cùng một thời điểm. Vì vậy, người lái nên xem trước các cung đường để lên kế hoạch di chuyển phù hợp nhất đồng thời có lộ trình dự phòng, tránh việc phải nhích từng mét trong một vài tiếng.

Khi trên đường, hãy tận dụng các công cụ định vị và chỉ đường như Google Maps, Vietmap LIVE hay radio để nắm bắt tình hình giao thông. Từ đó, tài xế có thể điều chỉnh lộ trình một cách hợp lý trong trường hợp phía trước có ùn tắc.

Ngoài ra, người dùng nên tính toán để di chuyển vào giờ thấp điểm để tránh việc tắc đường. Thông thường, ngày cuối cùng của đợt nghỉ Tết sẽ là khoảng thời gian cao điểm, dễ xảy ra ùn tắc kéo dài, đặc biệt là từ sau trưa đến chiều tối. Vì vậy, nếu có thể, hãy thu xếp đi sớm hoặc muộn hơn thời điểm trên.

Giữ tâm lý thoải mái

Nếu không may gặp phải tình trạng tắc đường kéo dài hoặc một số tình huống không mong muốn như thời tiết xấu hay hỏng xe... hãy cố gắng giữ sự bình tĩnh để xử lý.

Đừng nên tỏ ra nóng vội hay khó chịu bởi điều đó chẳng những không giúp bạn đỡ tắc đường hơn, mà còn gây mệt mỏi thêm, thậm chí có thể làm hại bản thân và những người xung quanh.

Giữ khoảng cách an toàn và làm chủ tốc độ

Khi xảy ra tắc đường, khoảng cách giữa các xe thường bị thu hẹp lại. Trong một số trường hợp, xe phía trước có thể phanh gấp và nếu không chú ý, bạn rất dễ đâm vào.

Do đó, việc giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước là rất quan trọng, yêu cầu tài xế phải luôn tập trung quan sát, giữ sự ổn định về ga và phanh để tránh xảy ra những va chạm không đáng có.

Mặt khác, khi đi đường tắc, tài xế cũng nên hạn chế tối đa việc đạp ga rồi phanh gấp, dễ khiến xe phía sau đâm phải.

Còn nếu ở nơi đường thông thoáng, hãy duy trì tốc độ của xe ổn định trong mức quy định của tuyến đường. Không nên đạp thốc ga rồi phanh gấp bởi việc này sẽ mang lại cảm giác mệt mỏi cho cả lái xe và hành khách, đặc biệt là người bị say xe.

Hãy tận dụng chức năng kiểm soát hành trình - Cruise Control nếu có. Chức năng này sẽ giúp ô tô của bạn di chuyển ở tốc độ trung bình ổn định, đặc biệt hữu dụng khi đi trên cao tốc hoặc đường trường.

Đi đúng làn và không "điền vào chỗ trống"

Tình trạng tắc đường kéo dài có thể gây ra tâm lý ức chế nóng vội cho tài xế, dẫn tới xu hướng đi kiểu “điền vào chỗ trống”. Hễ thấy làn bên cạnh có khoảng trống là chuyển làn sang, tạt đầu xe phía sau để lên trên, thậm chí đi vào làn khẩn cấp.

Tuy nhiên, việc này thực tế chỉ khiến tình trạng ùn tắc càng thêm trầm trọng đồng thời có thể dẫn đến những va chạm, tranh cãi không đáng có. Do đó, hãy bình tĩnh, đi đúng làn đường và chỉ chuyển làn khi thực sự cần thiết, tránh gây ức chế cho những người tham gia giao thông xung quanh.

Đồng thời, tuân thủ tuyệt đối theo sự điều tiết, phân luồng của cảnh sát giao thông. Không đi vào làn khẩn cấp bởi điều này không chỉ vi phạm Luật Giao thông đường bộ, có thể bị xử phạt nặng mà còn có nguy cơ va chạm với một số phương tiện gặp sự cố đang phải dừng đỗ tại đây.

Bên cạnh đó, cần quan sát kỹ biển báo ở từng khu vực để tránh việc đi nhầm đường, sai làn hoặc đi quá tốc độ cho phép. Ở nơi đường thoáng nếu muốn vượt xe khác, hãy quan sát xem điều kiện đường xá có thông thoáng để vượt hay không, sau đó bật đèn báo rẽ để xin vượt.

Khi vượt cần giữ tốc độ ổn định, nhìn gương và kính chiếu hậu để bảo đảm an toàn. Chỉ khi đủ điều kiện, bạn hãy vượt thật dứt khoát rồi sau đó tiếp tục mở xi nhan và trở lại làn đường của mình.

Ngoài ra, hãy sử dụng đèn pha/cốt đúng cách, nhường đường cho xe lên dốc, chỉ dùng làn ngoài cùng bên trái đường cao tốc khi vượt xe khác.

Lê Tuấn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-luu-y-khi-lai-xe-tro-lai-thanh-pho-sau-ky-nghi-tet-post1713526.tpo