Đề nghị bắt tạm giam nữ giám đốc lừa đảo, nhiều lần không đến hầu tòa
TAND cấp cao tại Hà Nội vừa mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử bị cáo Bùi Kim Liên (SN 1972, trú tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) là Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Thuận Thành (viết tắt là Công ty Thuận Thành).
Trong thời gian điều hành công ty, Liên đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 7,1 tỷ đồng thông qua việc bán đất dự án Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn-Geleximco.
Trước đó, cuối tháng 2/2020, TAND TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Liên về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo bản án sơ thẩm, tháng 6/2009, Liên muốn mua 20 ô đất liền kề D7-D11 Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn-Geleximco để kinh doanh. Thông qua một nhân viên môi giới bất động sản, ngày 25 và 26/6/2009, Liên đã chuyển số tiền hơn 10 tỷ đồng vào tài khoản cá nhân của chủ đầu tư dự án để mua 10 ô đất. Nhưng việc mua các ô đất trên không có kết quả nên ngày 10/8/2009, số tiền trên được chủ đầu tư dự án trả lại và Liên đã nhận số tiền này.
Tuy nhiên, Liên vẫn nói với bà Trần Thị Ngọc Khanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và thương mại Hoàng Hải (viết tắt là Công ty Hoàng Hải) rằng, Công ty Thuận Thành đang là nhà đầu tư thứ phát tại dự án Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn-Geleximco. Đồng thời, Liên nhờ bà Khanh môi giới và hứa sẽ trả hoa hồng.
Qua quan hệ xã hội, ông Trần Ngọc Hải (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) đến gặp bà Khanh và được bà Khanh giới thiệu đến gặp Liên. Sau đó, các bên thống nhất giá chênh lệch là 3 triệu đồng một m2, tương đương 480 triệu đồng một ô đất.
Sau khi thống nhất giá cả, ông Hải đã nhiều lần nộp cho Công ty Thuận Thành tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng dưới hình thức hợp đồng góp vốn thời hạn 24 tháng. Công ty Thuận Thành cam kết bảo đảm quyền góp vốn, mua sản phẩm là nhà ở. Sau khi nhận số tiền trên từ ông Hải, Liên không thực hiện được cam kết giúp ông Hải mua nhà đất. Khi ông Hải đòi tiền, Liên mới trả được 1,9 tỷ đồng, còn chiếm đoạt hơn 7,1 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm xác định, Dự án Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn- Geleximco do Geleximco làm chủ đầu tư gồm 4 khu A, B, C, D. Tháng 8/2017, khu A đã xây dựng xong và đang ban giao nhà. Còn các khu B, C, D đang trong giai đoạn tiến hành xây dựng nhà ở và các công trình chức năng.
Quá trình đầu tư, Geleximco ký hợp đồng đầu tư thứ cấp với Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng và Du lịch Bảo Sơn. Đối với Công ty Thuận Thành và Công ty Hoàng Hải, Geleximco không ký hợp đồng làm ăn, hợp đầu tư, không ký kết hợp đồng góp vốn, mua bán các lô đất hoặc căn hộ thuộc dự án.
Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Liên 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời buộc bị cáo Liên phải bồi thường số tiền còn chiếm đoạt của ông Hải.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ hành vi của bà Khanh liên quan đến bị cáo Liên để tránh bỏ lọt tội phạm.
Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Liên có đơn kháng cáo kêu oan. Phía vợ chồng ông Hải (bị hại) cũng có đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm làm rõ dấu hiệu đồng phạm của bà Khanh với bị cáo Liên do cùng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn mình. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Liên và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Khanh vắng mặt.
Điều đáng nói đây là phiên tòa phúc thẩm được mở lần thứ 5, nhưng cả bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều không đến hầu tòa. Đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội thực hành quyền công tố và giám sát hoạt động xét xử tại phiên tòa đề nghị HĐXX phúc thẩm bắt tạm giam bị cáo Liên, đồng thời thực hiện biện pháp dẫn giải bà Trần Thị Ngọc Khanh để bảo đảm quá trình xét xử sau nhiều lần hai người này vắng mặt.
Đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh, việc bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nhiều lần không đến phiên tòa là hành vi gây cản trở hoạt động xét xử nên cần phải áp dụng biện pháp tố tụng để giải quyết dứt điểm vụ án này.
Sau hội ý, HĐXX phúc thẩm cho biết, hiện tại phiên tòa đang vướng thủ tục tố tụng vì bị cáo Liên liên tiếp đưa ra những lý do về sức khỏe để xin hoãn nên HĐXX không thể thực hiện việc tranh luận theo nguyên tắc tố tụng. Do đó, HĐXX phúc thẩm quyết định hoãn phiên tòa.