Đề nghị bổ sung quy định hỗ trợ việc làm cho lao động từ 35 - 60 tuổi

Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức và nhân dân về hồ sơ dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam đã có văn bản góp ý, trong đó đề nghị bổ sung nội dung quy định hỗ trợ việc làm cho lao động trong độ tuổi từ 35 – 60.

Việc làm cho lao động sau 35 tuổi là vấn đề được Hội LHPN quan tâm, đề nghị có chính sách hỗ trợ tạo việc làm khi sửa đổi Luật Việc làm. Ảnh PVH

Tại Dự thảo Đề cương chi tiết Luật Việc làm (sửa đổi), Chương "Những quy định chung", trong Điều "Những hành vi bị nghiêm cấm", Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam đề nghị làm rõ những hành vi bị nghiêm cấm về "phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp".

Bộ Luật Lao động năm 2019 đã quy định về "phân biệt đối xử trong lao động"; vì vậy trong lĩnh vực việc làm, hành vi phân biệt đối xử cần được cụ thể hóa, góp phần loại bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp.

Tại Chương "Chính sách hỗ trợ tạo việc làm", Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam đề nghị bổ sung nội dung quy định hỗ trợ việc làm cho lao động trong độ tuổi từ 35 – 60. Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển dụng lao động dưới độ tuổi 35, nhiều lao động bị sa thải sau 35 tuổi, đặc biệt lao động tại các khu công nghiệp, dẫn đến nhiều lao động bị mất việc ở độ tuổi này, đặc biệt là lao động nữ, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống gia đình, việc thực hiện nghĩa vụ của họ với con cái, người thân... Vì vậy, cần có những quy định chính sách hỗ trợ việc làm cho nhóm tuổi từ 35 tuổi trở lên.

Tại Chương Bảo hiểm thất nghiệp, Mục Trợ cấp thất nghiệp, liên quan đến quy định về Điều kiện hưởng, Đoàn Chủ tịch TƯ Hội cho rằng, với quy định người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, đề nghị điều chỉnh thành "Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động trái pháp luật thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp".

Đối với quy định người lao động bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, đề nghị nghiên cứu quy định phù hợp hơn vì để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động đã đóng bảo hiểm. Việc hoàn toàn không được nhận bảo hiểm thất nghiệp là chưa phù hợp với tính chất của bảo hiểm thất nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Lao động nữ cao tuổi ở khu vực phi chính thức. Ảnh PVH

Lao động nữ cao tuổi ở khu vực phi chính thức. Ảnh PVH

Mục Trợ cấp thất nghiệp, tại Điều về Tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, Đoàn Chủ tịch TƯ Hội nhất trí sửa đổi không cho hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với thời gian tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng đề nghị cho người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi, thúc đẩy sự tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có 7 chương, tập trung vào 4 nhóm chính sách lớn.

Nhóm chính sách 1, quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập.

Nhóm chính sách 2, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Nhóm chính sách 3, phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nhóm chính sách 4 là thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/de-nghi-bo-sung-quy-dinh-ho-tro-viec-lam-cho-lao-dong-tu-35-60-tuoi-20230208153438553.htm