Đề nghị bổ sung quy định về công khai, minh bạch các quyết định của chính quyền địa phương

ĐBQH đề nghị cần thiết phải làm rõ thêm các cơ chế kiểm soát và trách nhiệm giải trình của Ủy ban nhân dân. Đề nghị bổ sung quy định bắt buộc về công khai, minh bạch các quyết định của chính quyền địa phương, đặc biệt là những quyết định liên quan đến ngân sách, đất đai, đầu tư.

Góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) vào sáng nay, 14/5, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, dự thảo luật đã bổ sung quy định về việc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được phân cấp, ủy quyền. Tuy nhiên, vẫn thiếu quy định về trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, như quy định tại Luật Tố tụng hành chính. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định này để đảm bảo tính đầy đủ.

Về chính sách đặc thù, đặc biệt của địa phương, dự thảo luật quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định áp dụng thí điểm các chính sách đặc thù, đặc biệt chưa được quy định trong pháp luật, sau khi báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Đồng thời, dự thảo cũng quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quyết định chính sách trọng dụng nhân tài, chính sách thu hút, khuyến khích. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn mối quan hệ giữa hai loại chính sách này để thống nhất trong việc áp dụng.

Về số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Khoản 2 Điều 29 quy định: Trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 01 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 02 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh)

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh)

Tuy nhiên, theo đại biểu, khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương mới và sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, số lượng Phó Chủ tịch cần được cân nhắc lại. Đồng thời, cần thống nhất với quy định về số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tại Khoản 4, Điều 39 dự thảo.

Về xử lý các văn bản vi phạm pháp luật, tại Điều 54 quy định: Chậm nhất là ngày 01/3/2027, các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy định khác có liên quan của chính quyền địa phương các cấp phải được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với tổ chức đơn vị hành chính, các nguyên tắc và các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp quy định tại Luật này.

Tuy nhiên, khi luật có hiệu lực (dự kiến 1/7), các cơ quan, đơn vị cấp huyện sẽ kết thúc nhiệm vụ, quyền hạn, nhưng nhiều văn bản vi phạm pháp luật liên quan đến cấp huyện vẫn còn hiệu lực. Đại biểu đề nghị cần có quy định rõ ràng về chủ thể sẽ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong các văn bản này khi cấp huyện không còn tồn tại.

Tham gia thảo luận, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cũng đề nghị cần thể hiện rõ nét hơn chủ trương phân cấp, phân quyền trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Đại biểu cũng cho rằng, tinh thần phân cấp, phân quyền trong dự thảo Luật đã hết sức mạnh mẽ và đề cao trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, đặc biệt là trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, nhất là cấp xã, cấp phường.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai)

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai)

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần thiết phải làm rõ thêm các cơ chế kiểm soát và trách nhiệm giải trình của Ủy ban nhân dân. Đề nghị bổ sung quy định bắt buộc về công khai, minh bạch các quyết định của chính quyền địa phương, đặc biệt là những quyết định liên quan đến ngân sách, đất đai, đầu tư.

Đặc biệt, cần tăng cường số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, cũng như tăng cường hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, nhất là cấp địa phương. Bởi, khối lượng nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp xã là rất lớn, nếu không tăng cường cơ chế giám sát của Hội đồng nhân dân, tăng số đại biểu chuyên trách thì sẽ khó phát huy quyền và nghĩa vụ của cơ quan dân cử ở địa phương.

Theo đại biểu, chỉ có 3 đại biểu Hội đồng nhân cấp xã chuyên trách như hiện nay là chưa phù hợp với nhiệm vụ, công việc rất lớn của Ủy ban nhân dân cấp xã; đại biểu đề xuất tăng lên 4-5 đại biểu.

Đại biểu Trịnh Xuân An cũng đề nghị bổ sung tại khoản 4 Điều 11: trong trường hợp cần thiết để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, thì Ủy ban nhân dân tỉnh có thể trực tiếp làm những công việc của cấp dưới hoặc của Ủy ban nhân dân cấp xã; đồng thời nêu rõ trong trường cần thiết nào để phát huy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền lợi người dân.

Cần làm rõ việc bầu, miễn nhiệm, điều động Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã nỗ lực biên soạn, chỉnh sửa một luật rất quan trọng, trình kỳ họp thứ 9 trong thời gian rất ngắn, song song với việc sửa đổi Hiến pháp và các văn bản khác.

Đại biểu Huân muốn tập trung làm rõ nội dung về bầu, miễn nhiệm, điều động Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Theo đó, để xây dựng thể chế, chúng ta sẽ phải trao quyền nhiều hơn cho địa phương, nhưng cũng cần trao nhiều quyền hơn cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, theo đúng tinh thần Hiến pháp về điều hành linh hoạt, thống nhất trong toàn quốc về hành chính quốc gia.

Tại Khoản 2, Điều 36 của dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương đang quy định, Hội đồng nhân dân bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo giới thiệu của Chủ tịch HĐND và bầu Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND theo giới thiệu của Chủ tịch UBND, đúng theo tinh thần điều 114 Hiến pháp hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương)

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương)

Tuy nhiên, khoản 4 điều 37 quy định HĐND cũng bãi nhiệm các chức vụ do HĐND bầu, nhưng theo Điều 41 thì khi Thủ tướng quyết định cách chức Chủ tịch HĐND, điều động Chủ tịch UBND thì không cần HĐND miễn nhiệm.

Theo đại biểu, về mặt quy định thì đúng với Hiến pháp, nhưng về mặt logic thì không đảm bảo, vì HĐND bầu thì HĐND phải miễn nhiệm, nếu làm đúng như điều 41 sẽ không hợp lý.

Nếu giữ nguyên Khoản 2 điều 41, đại biểu cho rằng nên sửa điều 56, HĐND không phải bầu chức danh Chủ tịch mà giới thiệu để Thủ tướng phê chuẩn. Nếu thực hiện điều này thì Điều 114 Hiến pháp sẽ phải sửa thêm, đặc biệt là nội dung HĐND bầu UBND cùng cấp đang chưa sửa.

Do đó, đại biểu đề nghị, để thống nhất giữa điều 36 và điều 41 của dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương thì sửa thêm điều 114 Hiến pháp.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân cũng đề nghị xem xét thêm điều 5 của dự thảo luật. “Hiện tại đang quy định ít nhất 45 ngày thì tổ chức HĐND cho đến ngày khai mạc, nếu trước đây thì không vấn đề gì, nhưng gần đây có Nghị quyết rút ngắn kỳ họp QH, HĐND, chúng ta dự kiến 15/3/2026 bầu cử, mà nếu 45 ngày thì tới tận 1/5 mới tổ chức phiên họp HĐND thì không đúng tinh thần”- đại biểu chỉ rõ.

Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang)

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang)

Đại biểu cho biết, Điều 11 của dự thảo Luật quy định trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, trong trường hợp cần thiết, trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã.

Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhận thấy việc quy định “trong trường hợp cần thiết” là rất chung chung, chưa thể hiện rõ trách nhiệm của cấp tỉnh và có thể dẫn đến những vướng mắc, bất cập, thiếu thống nhất trong tổ chức thi hành; do đó đề nghị có quy định chặt chẽ hơn ngay trong Luật này hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết để tăng cường trách nhiệm của cấp tỉnh trong việc bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã.

Bên cạnh đó, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cũng cho rằng cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản QPPL, nhất là Luật có liên quan về phân cấp, phân quyền, ủy quyền để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về cơ sở pháp lý cho việc thực hiện tổ chức thực hiện.

Thanh Hòa

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/de-nghi-bo-sung-quy-dinh-ve-cong-khai-minh-bach-cac-quyet-dinh-cua-chinh-quyen-dia-phuong_177979.html