Đề nghị duy trì đóng phí công đoàn 2% quỹ tiền lương

Ngày 18/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Nhiều đại biểu tán thành cao với việc tiếp tục duy trì mức đóng 2% kinh phí công đoàn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: Quang Vinh

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: Quang Vinh

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung thêm 1 điều quy định về quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) được công đoàn giám sát. Trong đó, cần quy định rõ các cơ quan, tổ chức, DN được công đoàn giám sát có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời những nội dung kiến nghị sau giám sát của công đoàn. Thực hiện kết luận, quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền ban hành liên quan đến những nội dung kiến nghị giám sát của công đoàn.

ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân tham gia phát biểu thảo luận. Ảnh: Quang Vinh.

ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân tham gia phát biểu thảo luận. Ảnh: Quang Vinh.

Theo ông Tuấn, quy định này cũng phù hợp, thống nhất với quy định tại Điều 29 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Có như vậy thì việc thực hiện quyền và trách nhiệm giám sát của công đoàn mới khả thi, thực sự hiệu quả.

Về phản biện xã hội của công đoàn, theo ĐBQH Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa), đây là nội dung mới. Quy định văn bản cần phản biện, nội dung phản biện nhưng chưa quy định rõ, cụ thể cơ chế phản biện như thế nào? Nếu không có quy định cụ thể thì tổ chức công đoàn sẽ không chủ động thực hiện được, tình trạng có văn bản thì yêu cầu phản biện nhưng có văn bản sẽ không yêu cầu và Công đoàn cũng không thể thực hiện được. Do đó, cần có quy định trách nhiệm của cơ quan Nhà nước xin ý kiến phản biện trong việc tiếp thu, giải trình ý kiến phản biện của tổ chức công đoàn khi được phản biện.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn Đắk Lắk) nhắc lại, tại Quyết định 217 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tại khoản 2 Điều 10 đã quy định rất rõ các đoàn thể chính trị - xã hội được chủ trì phản biện xã hội các văn bản dự thảo luật, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên tổ chức mình hoạt động, chức năng, nhiệm vụ đoàn thể của mình.

Bà Nguyệt cho rằng, trên thực tế trong thời gian qua, việc thực hiện phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội gặp nhiều khó khăn và bất cập bởi thiếu những căn cứ pháp lý, thể chế, trách nhiệm và nhiều vấn đề khác liên quan tới giá trị pháp lý của các phản biện xã hội mà chỉ dừng lại ở việc là tổ chức Mặt trận đã có phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thực hiện trên cơ sở Nghị quyết liên tịch số 403 triển khai thực hiện. Do vậy, để thực hiện phản biện xã hội của tổ chức công đoàn hiệu quả, Luật nên bổ sung thêm vào những quy định, quy trình, cách thức, yêu cầu, giá trị pháp lý phản biện xã hội của công đoàn Việt Nam để thực hiện phản biện xã hội của tổ chức công đoàn thực hiện hiệu quả sau khi Luật có hiệu lực pháp luật.

Về việc quản lý sử dụng tài chính công đoàn, ĐBQH Âu Thị Mai (Đoàn Tuyên Quang) cho rằng dự thảo Luật đã kế thừa và giữ nguyên đối tượng, mức đóng 2% kinh phí công đoàn theo quy định hiện hành. Việc giữ ổn định quy định và nghĩa vụ nộp kinh phí công đoàn 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động thực hiện từ năm 1957 cho đến nay nhằm đảm bảo phúc lợi ổn định cho người lao động góp phần làm cho tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo bảo vệ cho đoàn viên người lao động. Đặc biệt phù hợp với tinh thần Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Để việc công khai tài chính đạt hiệu quả cao, đảm bảo tính công khai minh bạch, bà Mai đề nghị ban soạn thảo quy định việc công khai tài chính hàng năm cần được tổ chức thông qua hội nghị toàn thể đoàn viên công đoàn của cơ quan, tổ chức đơn vị để đoàn viên công đoàn được nắm và trao đổi khi cần thiết, bởi nếu chỉ quy định các hình thức như dự thảo Luật thì vì nhiều lý do khác nhau đoàn viên công đoàn sẽ không tiếp cận được thông tin về tài chính công đoàn.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cũng tán thành việc quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, DN đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động. Vì đây là nội dung đã thực hiện ổn định, lâu dài trong nhiều năm, không phát sinh nhiều vướng mắc trên thực tế.

Liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công đoàn tại điều 30 của dự thảo, bà Nga cho rằng, đây là nội dung rất quan trọng, vì vậy nên quy định ngay trong dự thảo Luật. Việc quy định cụ thể tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn là cần thiết nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng tài chính công đoàn. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho việc tăng cường bố trí nguồn kinh phí công đoàn cho các hoạt động của công đoàn cơ sở là nơi trực tiếp chăm lo cho đời sống của người lao động thì nên có sự linh hoạt trong việc quy định tỷ lệ phân bổ kinh phí công đoàn, không quy định cứng tỷ lệ 25% và 75% như khoản 2 Điều 30 dự thảo mà chỉ nên quy định đó là tỷ lệ “tối thiểu” và tỷ lệ “tối đa”.

ĐBQH Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, việc tiếp tục quy định thu kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là phù hợp. Đây là điều kiện tiên quyết để công đoàn chủ động, độc lập hơn trong tổ chức và hoạt động tại cơ sở. Theo ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương), trong quá trình xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) vấn đề duy trì nguồn lực tài chính công đoàn, trong đó có nguồn thu 2% kinh phí công đoàn là nội dung quan tâm của đông đảo đoàn viên, người lao động, các đơn vị, cơ quan và DN trên cả nước. Nguồn thu kinh phí công đoàn 2% được quy định từ năm 1957 và được duy trì từ khi có Luật Công đoàn cho đến nay, việc luật hóa và duy trì nguồn thu 2% kinh phí công đoàn thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa và thông qua việc xây dựng và thực thi chính sách của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động công đoàn. Kinh phí công đoàn được sử dụng tại công đoàn cơ sở chủ yếu để trực tiếp chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Do đó, kinh phí 2% Công đoàn không phải là gánh nặng cho DN.

THÔNG CÁO SỐ 21 KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV

Thông tin từ Văn phòng Quốc hội, ngày 18/6, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 19 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Kết thúc thảo luận, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra. Bộ trưởng văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Theo VPQH

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/de-nghi-duy-tri-dong-phi-cong-doan-2-quy-tien-luong-10283646.html