Đề nghị không quy định công chức tư pháp – hộ tịch giám sát tư pháp người chưa thành niên

Công chức tư pháp - hộ tịch ít nhưng lại nhiều việc, nhiều nhiệm vụ, rất áp lực nên không đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ giám sát tư pháp người chưa thành niên.

Sáng 21-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự luật Tư pháp người chưa thành niên. Trong số nhiều ý kiến thì các ý kiến của đại biểu (ĐB) QH thuộc khối tư pháp về trách nhiệm giám sát trực tiếp của công chức tư pháp – hộ tịch cũng đáng chú ý.

Công chức tư pháp – hộ tịch rất áp lực

ĐB Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) đề nghị thẳng là không quy định công chức Tư pháp - Hộ tịch là một trong những người được lựa chọn để trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên.

Khoản 2, Điều 76 trong dự luật Tư pháp người chưa thành niên viết rằng: “Công an cấp xã tham mưu, lập danh sách báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã lựa chọn người trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng”. Điều 77 của dự luật cũng quy định trách nhiệm của công chức Tư pháp – Hộ tịch là rất lớn.

“Thực tiễn Công chức tư pháp - hộ tịch không thể đảm bảo nguồn lực, điều kiện để thực hiện nhiệm vụ này. Theo quy định hiện hành, anh em đã đang rất áp lực trong tham mưu công tác chuyên môn lĩnh vực tư pháp -với gần 20 đầu việc lớn và nhiều nhiệm vụ phối hợp thực hiện các lĩnh vực chuyên môn khác" - ĐB Dung nêu lý do.

 ĐB Phan Thị Mỹ Dung đề nghị không quy định công chức tư pháp - hộ tịch giám sát tư pháp trực tiếp người chưa thành niên. Ảnh: QH

ĐB Phan Thị Mỹ Dung đề nghị không quy định công chức tư pháp - hộ tịch giám sát tư pháp trực tiếp người chưa thành niên. Ảnh: QH

Về số lượng, theo ĐB Dung, biên chế tư pháp – hộ tịch được phân bổ trung bình ở các địa phương là phường, xã loại 1 là 2 công chức, xã loại 2,3 bố trí có một công chức. Vì thế, vẫn theo ĐB Dung, công chức tư pháp – hộ tịch đang rất vất vả, phải liên tục làm cả ngoài giờ, ngày nghỉ mới đảm bảo giải quyết hết công việc chuyên môn.

Thậm chí, công chức tư pháp – hộ tịch không dám nghỉ phép, không thể đi học, đi đào tạo, bồi dưỡng vì vắng một ngày thì không ai làm thay các công việc của mình. Có những loại việc mà chức danh tư pháp – hộ tịch phải được xác định vào trong một số giấy tờ hộ tịch.

Nên giao cho lực lượng an ninh trật tự cơ sở

Sau khi phân tích, ĐB Dung đề nghị quy định người trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là Công an xã (là người đang tham mưu thực hiện nhiệm vụ thi hành án mà người chấp hành hình phạt vẫn ở tại cộng đồng và với biện pháp giám sát điện tử như đã nêu như trên.

Đồng tình, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM) cho rằng dự luật này quy định có thể chọn 1 trong 4 nhóm trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Gồm Người làm công tác xã hội; Công chức tư pháp - hộ tịch; Cộng tác viên công tác xã hội cấp xã; Đại diện Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên hoặc người có uy tín trong cộng đồng dân cư.

“Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát thêm chức năng, nhiệm vụ của từng nhóm trên để đảm bảo khả năng hoàn thành nhiệm vụ” - ĐB Hạnh nói.

 ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị giao nhiệm vụ trực tiếp giám sát tư pháp cho một lực lượng nữa là Tổ an ninh trật tự cơ sở mới được thành lập. Ảnh: QH

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị giao nhiệm vụ trực tiếp giám sát tư pháp cho một lực lượng nữa là Tổ an ninh trật tự cơ sở mới được thành lập. Ảnh: QH

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, người trực tiếp giám sát tư pháp đối với người chưa thành niên nên thuộc các bộ phận có hệ thống được tổ chức đến tận các khu phố, ấp. ĐB Hạnh đồng tình với ĐB Dung và một số ĐB khác rằng cần cân nhắc không nên bố trí những người có nhiệm vụ trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính hàng ngày tại trụ sở UBND cấp xã làm người trực tiếp giám sát.

“Tôi đề xuất bổ sung Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở làm người trực tiếp giám sát” - ĐB Hạnh nói.

Theo bà Hạnh, đây là lực lượng được thành lập từ ngày 1-7-2024 theo Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, được kiện toàn từ BA lực lượng, bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

“Là lực lượng luôn bám sát cơ sở và nắm chắc tình hình địa bàn đến từng thành viên hộ gia đình, nên có đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ người trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng” - ĐB Hạnh nêu lý do đề xuất.

Không đủ thời gian làm nhiệm vụ, sao mà giám sát?

Theo Nghị định 33/2023 quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì ở đa số đơn vị hành chính cấp xã chỉ có một công chức tư pháp - hộ tịch.

Đồng thời, chức danh này phải đảm đương khối lượng công việc khá nặng gồm bảy nhóm nhiệm vụ.

Cụ thể, tham mưu, giúp UBND cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã trong lĩnh vực tư pháp và hộ tịch trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Giúp UBND cấp xã thẩm định việc soạn thảo, ban hành các văn bản theo quy định của pháp luật; giúp UBND cấp xã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch của UBND cấp xã và hướng dẫn của cơ quan cấp trên.

Giúp UBND cấp xã thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý; công tác thi hành án.

Theo dõi việc thi hành pháp luật và tổ chức lấy ý kiến Nhân dân trên địa bàn cấp xã trong việc tham gia xây dựng pháp luật; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; hướng dẫn hoạt động đối với tổ chức hòa giải cơ sở; phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trong việc sơ kết, tổng kết công tác hòa giải ở cơ sở, báo cáo UBND cấp xã.

ĐB Phạm Thị Minh Huệ cũng đề nghị không giao nhiệm vụ giám sát trực tiếp tư pháp người chưa thành niên cho công chức tư pháp - hộ tịch. Ảnh: ND

Quản lý tủ sách pháp luật tại UBND cấp xã; phối hợp với công chức Văn hóa - xã hội hướng dẫn cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước, quy ước.

Giúp UBND cấp xã thực hiện việc đăng ký, quản lý hộ tịch theo quy định của pháp luật.

Phụ trách lĩnh vực hộ tịch, công chứng, chứng thực tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã…

Do đó, việc dự thảo Luật giao bổ sung nhiệm vụ cho công chức Tư pháp – Hộ tịch trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng có thể sẽ gây áp lực cho công chức tư pháp hộ tịch và rất khó để công chức tư pháp hộ tịch hoàn thành nhiệm vụ.

Bởi thời gian họ tiếp dân để xử lý công việc hộ tịch, chứng thực và các nhiệm vụ theo quy định thì đã không đủ thời gian thì làm sao họ có thời gian để giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc thật kỹ việc đưa đối tượng “công chức tư pháp – hộ tịch” để trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

ĐB Phạm Thị Minh Huệ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Sóc Trăng

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-nghi-khong-quy-dinh-cong-chuc-tu-phap-ho-tich-giam-sat-tu-phap-nguoi-chua-thanh-nien-post796712.html