Đề nghị nâng mức hỗ trợ tu sửa cấp thiết di tích

Làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chiều 14/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình đề nghị kiến nghị tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh; quan tâm bổ sung ngân sách, nâng mức hỗ trợ tu sửa cấp thiết di tích từ 50 triệu đồng/di tích như hiện nay lên 100 triệu đồng/di tích.

Mật độ di tích dày đặc

Các di tích trên địa bàn tỉnh Thái Bình có số lượng lớn, đa dạng, phong phú về loại hình, tuổi đời. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có 2.969 thiết chế văn hóa tín ngưỡng (đã được kiểm kê); trong đó có 732 di tích được xếp hạng các cấp, với 2 di tích quốc gia đặc biệt, 127 di tích quốc gia và 603 di tích cấp tỉnh, 2 bảo vật quốc gia. Các di tích phân bố rải rác trên địa bàn 8 huyện, thành phố.

Đoàn giám sát làm việc với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ Thái Bình chiều 14/11

Đoàn giám sát làm việc với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ Thái Bình chiều 14/11

Di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, huyện Hưng Hà, Khu khảo cổ học Hành cung Lỗ Giang đang được lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi (Quyết định số 1540/QĐ-TTg ngày 16.9.2021 của Thủ tướng Chính phủ); di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo, huyện Vũ Thư, đang xem xét tiếp tục lập Quy hoạch (Quyết định 1587/QĐ-TTg ngày 13.10.2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).

Đối với di sản văn hóa phi vật thể, đến nay Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thái Bình đã triển khai kiểm kê tại 8/8 huyện/thành phố. Theo đó, toàn tỉnh có 585 lễ hội; trong đó có 14 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phạm Nam Tiến phát biểu tại cuộc làm việc

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phạm Nam Tiến phát biểu tại cuộc làm việc

Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình phối hợp với các tỉnh, thành phố có di sản thống nhất về việc lập hồ sơ “Nghệ thuật Chèo” đệ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ngành, địa phương có liên quan tập trung xây dựng các kế hoạch, đề án phát triển nghệ thuật chèo, mở các lớp truyền dạy nghệ thuật chèo tại địa bàn các huyện theo Đề án phát triển nghệ thuật chèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025.

Huy động nguồn lực xã hội tu bổ, tôn tạo di tích

Các năm gần đây, Thái Bình đã hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư công cho công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích các di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia trọng điểm với số tiền trên 150 tỷ đồng. Điều đó thể hiện sự quan tâm rất lớn của tỉnh đối với công tác tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, đáng chú ý là tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Qua đó, hàng trăm di tích được bảo vệ, tu bổ, tôn tạo; nhiều di vật, cổ vật đã được thu thập, đăng ký, bảo quản; nhiều di sản văn hóa phi vật thể là các lễ hội đặc sắc, nghệ thuật truyền thống, văn hóa dân gian được sưu tầm, tư liệu hóa.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình Trương Thị Hồng Hạnh kiến nghị cần tạo cơ chế thuận lợi cho hoạt động văn hóa

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình Trương Thị Hồng Hạnh kiến nghị cần tạo cơ chế thuận lợi cho hoạt động văn hóa

Một số di tích trọng điểm như: đình Lạng, xã Thụy Chính, huyện Thái Thụy; đình Hạ Đồng, xã Thụy Sơn, huyện Thái Thụy được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn ngân sách tỉnh. Nhiều di tích khác như: đền Tiên La, xã Đoan Hùng; đền Buộm, xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà; đền Hệ, xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy; đình Lưu, xã Đông Phương, huyện Đông Hưng; chùa Keo, xã Duy Nhất; Nhà thờ Tiến sĩ Doãn Khê, xã huyện Vũ Thư; miếu Nội Hon, xã An Ninh, huyện Tiền Hải; đền Thái Bảo, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng; đền Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ... được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Theo thống kê, vốn Ngân sách nhà nước hỗ trợ chiếm trung bình khoảng 20 - 25%; còn lại từ nguồn vốn xã hội hóa và từ nguồn thu của di tích chiếm khoảng 75 - 80%; cá biệt có một số Ban Quản lý di tích huy động được 100% kinh phí xã hội hóa với số tiền hàng tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo di tích.

Thành lập quỹ bảo tồn di sản văn hóa để huy động và quản lý nguồn lực tài chính

Mật độ di tích lịch sử tại Thái Bình dày và phong phú, song số lượng di tích đang bị xuống cấp chiếm tỷ lệ khá cao. Nhiều di tích ở các huyện ven biển chịu sự ảnh hưởng của điều kiện môi trường tự nhiên nên có tuổi thọ không cao, các cấu kiện gỗ bị hư hại dần theo thời gian, khi tu bổ di tích do không có kinh phí nên phải dùng chất liệu bê tông thay thế chất liệu gỗ truyền thống.

Kinh phí bố trí cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích của tỉnh còn hạn chế. Từ năm 2018 đến nay ngân sách tỉnh đã bố trí trên 88,5 tỷ đồng cho các dự án tu bổ, tôn tạo các di tích và trên 14 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp văn hóa để tu sửa cấp thiết cho 300 di tích, với mức 40 - 50 triệu đồng/di tích. Điều đó thể hiện sự quan tâm lớn của tỉnh đối với công tác tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn; nhưng trong các hồ sơ dự án, rất ít di tích được đầu tư từ ngân sách cấp huyện và cấp xã.

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Huy phát biểu tại cuộc làm việc

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Huy phát biểu tại cuộc làm việc

Hiện tại vẫn còn nhiều di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa nhưng vẫn gặp khó khăn trong công tác huy động nguồn lực để tu bổ, tôn tạo. Một số di tích mỗi năm thu được hàng tỷ đồng từ nguồn tiền công đức, tiền dầu nhang, nhưng chủ yếu lại sử dụng cho việc tổ chức khánh tiết, lễ hội và bộ máy quản lý di tích mà không đầu tư trở lại cho việc tu bổ tôn tạo chính di tích đó khi bị xuống cấp.

Mặc dù nhiều di tích được tu bổ từ nguồn xã hội hóa, nhưng nguồn vốn này tập trung ở các di tích tín ngưỡng - tôn giáo hoặc những di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng có tiềm năng khai thác du lịch cao. Trong nhiều trường hợp, chất lượng trùng tu, phục hồi rất khó quản lý. Còn xảy ra hiện tượng làm mới di tích, tô vẽ lại tượng cổ, cúng tiến hiện vật không phù hợp vào di tích...

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Quan tâm bổ sung ngân sách của tỉnh, nâng mức hỗ trợ tu sửa cấp thiết di tích từ 50 triệu đồng/di tích như hiện nay lên 100 triệu đồng/di tích. Đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích trọng điểm của tỉnh như chùa Keo, đền Trần...

Bên cạnh đó, thành lập quỹ bảo tồn di sản văn hóa để huy động và quản lý nguồn lực tài chính từ Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân quan tâm đến bảo tồn di sản. Ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí cho người trực tiếp trông coi di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Thái Bình...

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn cho rằng, Thái Bình cần tận dụng các thế mạnh, tạo ra các sản phẩm văn hóa đặc biệt, trở thành biểu tượng của địa phương

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn cho rằng, Thái Bình cần tận dụng các thế mạnh, tạo ra các sản phẩm văn hóa đặc biệt, trở thành biểu tượng của địa phương

Đoàn giám sát ghi nhận sự quan tâm, đầu tư của Thái Bình đối với lĩnh vực văn hóa thời gian qua, đặc biệt là công tác xã hội hóa, huy động được nhiều nguồn lực xã hội để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đoàn giám sát mong muốn tỉnh sẽ tận dụng các thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển du lịch. Đặc biệt, phải nghiên cứu xây dựng thương hiệu qua các di sản văn hóa, tạo ra các sản phẩm văn hóa đặc biệt, trở thành niềm tự hào của địa phương; từ đó có thêm nguồn lực đầu tư trở lại cho văn hóa.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=90981