Đề nghị ngăn chặn hoạt động pha chế dung môi cho thuốc lá điện tử có chất cấm, chất gây nghiện

Hầu như thuốc lá điện tử là hàng nhập lậu, nhưng cơ quan chức năng lại khó ngăn chặn, xử lý vì trong luật chưa có quy định thuốc lá thế hệ mới là thuốc lá. Cơ quan quản lý thị trường đề nghị cần thống nhất các quy định để dễ xử lý...

 Lực lượng quản lý thị trường tại các tỉnh Cao Bằng và Vĩnh Phúc bắt giữ các vụ nhập lậu thuốc lá điện tử

Lực lượng quản lý thị trường tại các tỉnh Cao Bằng và Vĩnh Phúc bắt giữ các vụ nhập lậu thuốc lá điện tử

Bộ Công thương vừa có kiến nghị về chính sách thí điểm nhập khẩu, sản xuất thuốc lá nung nóng (trong đó có thuốc lá điện tử). Tuy nhiên, kiến nghị này không nhận được sự đồng tình của Bộ Y tế, một số đại biểu Quốc hội, cũng như của một số chuyên gia, nhà quản lý và người dân... do những tác hại liên quan đến sức khỏe, đồng thời còn những lỗ hổng trong quản lý và chế tài xử lý.

Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 4-2024, đơn vị này vẫn liên tục chỉ đạo, đôn đốc việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đối với các hành vi buôn bán hoặc vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu, thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử) nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo bà Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế (Tổng cục Quản lý thị trường), từ năm 2020 đến tháng 4-2024, đơn vị này đã kiểm tra hơn 9.000 vụ đối với thuốc lá điếu nhập lậu và 707 vụ đối với thuốc lá thế hệ mới. Kết quả với thuốc lá điếu nhập lậu có hơn 7.200 vụ vi phạm với tổng trị giá hàng hóa vi phạm là hơn 14 tỷ đồng, còn thuốc lá thế hệ mới thì 100% vụ đều vi phạm với tổng trị giá hàng hóa vi phạm là hơn 94 tỷ đồng. Điều này cho thấy, thuốc lá thế hệ mới mặc dù có số vụ kiểm tra ít nhưng giá trị hàng hóa vi phạm là rất “khủng”.

 Lực lượng quản lý thị trường tại các tỉnh Cao Bằng và Vĩnh Phúc bắt giữ các vụ nhập lậu thuốc lá điện tử

Lực lượng quản lý thị trường tại các tỉnh Cao Bằng và Vĩnh Phúc bắt giữ các vụ nhập lậu thuốc lá điện tử

Cũng theo bà Kiều Dương, hiện nay, về mặt chính sách thì kinh doanh thuốc lá thế hệ mới không thuộc ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020. Đồng thời, cũng chưa có quy định cấm sản xuất, kinh doanh thuốc lá thế hệ mới. Vì vậy, đối với tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, buôn bán thuốc lá thế hệ mới, các cơ quan, lực lượng chức năng không có căn cứ pháp lý cụ thể để xử lý hành chính hoặc hình sự đối với sản phẩm này.

Cụ thể, theo bà Dương, tại thời điểm này, chưa có cơ sở để xác định thuốc lá điện tử là sản phẩm thuốc lá và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012. Nghĩa là chưa có quy định cụ thể điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.

Do chưa có chính sách quản lý thống nhất đối với thuốc lá thế hệ mới nên hiện nay các lực lượng chức năng chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính khi các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (dựa trên quy định về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ). Đây là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả ngăn chặn hoạt động kinh doanh thuốc lá thế hệ mới chưa đạt được kết quả như mong muốn.

 Thuốc lá điện tử rất nguy hại do có chất dung môi

Thuốc lá điện tử rất nguy hại do có chất dung môi

Do đó, giải pháp mà Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị là, cần khẩn trương xây dựng, ban hành chính sách quản lý rõ ràng, nhất quán đối với mặt hàng thuốc lá thế hệ mới. Trong khi chưa ban hành được chính sách đồng bộ và cụ thể thì chủ yếu các lực lượng chức năng phải làm tốt công tác ngăn chặn hàng lậu ngay từ biên giới (thuốc lá thế hệ mới chủ yếu là nhập lậu).

Đồng thời, ở nội địa, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, đặc biệt là hoạt động pha chế dung môi cho thuốc lá điện tử có chất cấm, chất gây nghiện, làm ảnh hướng tới sức khỏe của người dùng.

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/de-nghi-ngan-chan-hoat-dong-pha-che-dung-moi-cho-thuoc-la-dien-tu-co-chat-cam-chat-gay-nghien-post740511.html