Đề nghị Quốc hội giám sát việc bổ nhiệm, điều động cán bộ
Dẫn chứng cách hành xử của một Phó Chủ tịch phường ở Nha Trang xử phạt người dân vì ra đường mua bánh mì, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị giám sát việc bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ.
Sáng nay 21/7, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.
Xốc lại đội hình
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị Quốc hội cân nhắc thay 2 chuyên đề. Đó là chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chuyên đề việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo ông Lê Thanh Vân, 2 chuyên đề này liên quan đến cơ sở pháp lý các đạo luật, nhiều nội dung.
Qua giám sát của các ủy ban cho thấy, cần phải tổng kết, đánh giá bởi các cơ quan chuyên môn của Quốc hội trước khi trình Quốc hội giám sát tối cao cho kín kẽ hơn.
Bên cạnh đó, đại biểu Lê Thanh Vân đề xuất giám sát 2 chuyên đề nhân dân rất bức xúc, đó là việc thực hiện chính sách pháp luật trong việc bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ.
Đại biểu dẫn chứng, cách đây mấy ngày, một Phó chủ tịch phường ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) nhận thức "ấu trĩ" về phòng chống dịch (giải thích bánh mì không phải thực phẩm thiết yếu).
"Vị này được luân chuyển từ một phòng chuyên môn của thành phố xuống phường", đại biểu Lê Thanh Vân nêu.
Từ câu chuyện này, ĐB tỉnh Cà Mau nói rằng, dư luận đặt ra câu hỏi là cán bộ như vậy làm vị trí trụ cột của phường là mắt xích cuối cùng của Nhà nước với nhân dân thì uy tín của Đảng, Nhà nước như thế nào?
Ví dụ thứ 2 được ĐB chỉ ra là việc phải loại ra 1 đại biểu (cựu Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam) vừa được bầu nhưng không đủ tư cách mà lý do là vi phạm trước đó rất nhiều năm.
“Điều đó, cho thấy, công tác triển khai các quy định về tổ chức nhân sự bởi các văn bản pháp luật có tùy tiện, thiếu nhất quán và không chọn đúng người”, ĐB Lê Thanh Vân lưu ý.
Do đó, ông Vân cho rằng, nếu giám sát chuyên đề có kết quả sẽ là một động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho Quốc hội, Chính phủ xốc lại đội hình, nâng cao chất lượng bộ máy để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chiến lược của năm.
Chuyên đề thứ 2, là việc thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý sử dụng tài sản công ở các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập.
“Thời gian qua cho thấy vi phạm rất nhiều nhưng chúng ta ít kiểm tra, ít giám sát. Đặc biệt là tài sản công ở trong các đơn vị này được chuyển hóa từ công sang tư bằng nhiều thủ đoạn. Đó là thông qua đấu giá trá hình, chuyển đổi mục đích sử dụng, biến công sang tư. Thế mà chúng ta chưa có đợt giám sát có tính chất cao trào bằng hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội”, ông Vân nêu thực tế.
ĐBQH Lê Thanh Vân nhấn mạnh, đây là 2 vấn đề tạo ra xung động mới cho Quốc hội, Chính phủ hoạt động có hiệu quả hơn, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Đề nghị giám sát các gói hỗ trợ do Covid-19
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) kiến nghị phải có những kịch bản cho việc giãn cách, đi lại, bố trí nhân sự tham gia các đoàn giám sát. Lãnh đạo các đoàn giám sát phải có từ các địa phương, tức là giám sát mở, khi có việc ở khu vực nào thì phân công nhân sự ở khu vực đó giám sát. Vì vậy, đoàn giám sát phải là danh sách mở.
Ngoài ra, ông cũng lưu ý đến câu chuyện hậu giám sát. “Các báo cáo hậu giám sát rất ít nên chúng tôi không biết đơn vị, địa phương thực hiện yêu cầu của đoàn giám sát như thế nào. Hôm trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra điểm này, Chủ tịch Quốc hội nói rất đúng chỗ này nên chúng ta cần lưu ý và triển khai”, ông Ngân nói.
ĐB đoàn TP.HCM đồng tình hai chuyên đề về thực hành tiết kiệm chống lãng phí và thực hiện quy định của pháp luật về quy hoạch cần giám sát tối cao.
Chuyên đề về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã thì giám sát chuyên đề.
Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19, vấn đề đảm bảo an sinh xã hội rất quan trọng nên cần giám sát về gói hỗ trợ 62.000 tỷ năm 2020 và năm nay là 26.000 tỷ.
ĐB Hoàng Đức Thắng, Quảng Trị nêu quan điểm về việc xây dựng chương trình giám sát như hiện nay thì Quốc hội sẽ chọn ra những vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra để giám sát. Tuy nhiên, cách làm này chỉ giải quyết những vấn đề có tính ngắn hạn, hàng năm mà chưa nhìn thấy nội dung giám sát cho cả giai đoạn, nhiệm kỳ Quốc hội có tầm nhìn bao quát.
“Việc xây dựng giám sát chuyên đề đang theo kiểu ăn đong hàng năm phát sinh nhiều vấn đề còn bất cập cần được xem xét, nghiên cứu, đổi mới”, ĐBQH Hoàng Đức Thắng phân tích.
Vì vậy, ông thống nhất đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì xây dựng đề án đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, cần thực hiện ngay trong năm đầu nhiệm kỳ này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.
Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 (dự kiến giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì tham mưu về nội dung).
Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành (dự kiến giao Ủy ban Kinh tế chủ trì tham mưu về nội dung).
Chuyên đề 3: Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021 (dự kiến giao Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì tham mưu về nội dung).
Chuyên đề 4: Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 (dự kiến giao UB Pháp luật chủ trì tham mưu về nội dung).