Đề nghị rà soát, bổ sung các chính sách cho hợp tác xã phát triển
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 01/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Đề nghị giữ tên Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
Phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách tỉnh Long An - Lê Thị Song An cho rằng: Cần giữ tên gọi là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), vì khái niệm hợp tác xã gắn liền với lịch sử phát triển của Việt Nam, tên gọi này đã được sử dụng thường xuyên trong công tác truyền thông, tuyên truyền, kể cả pháp luật dẫn chiếu đều thuận lợi và gần gũi với người dân từ Luật Hợp tác xã năm 1996, Luật Hợp tác xã năm 2003 và Luật Hợp tác xã năm 2012.
Việc giữ nguyên tên luật là Luật Hợp tác xã một mặt vẫn bảo đảm bao quát mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với các loại hình hợp tác xã. Đồng thời, qua khảo sát tại các địa phương, hầu hết các cơ quan, đơn vị và cử tri đề nghị chọn tên gọi này.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Long An cũng cho rằng điều kiện để trở thành thành viên chính thức của hợp tác xã được quy định tại Điều 25 của dự thảo luật là chưa phù hợp, vì trên thực tế đã có nhiều thành viên góp vốn, nhưng không sử dụng sản phẩm dịch vụ của hợp tác xã trong thời gian dài, vi phạm quy định Luật Hợp tác xã năm 2012 nhưng vẫn không hề bị xử lý chấm dứt tư cách thành viên được do đây là thành viên góp vốn.
Bên cạnh đó, dự thảo luật còn bổ sung thêm điều kiện (hoặc góp sức lao động). Theo đó, góp sức lao động là việc thành viên tham gia tổ chức kinh tế hợp tác với hình thức là nhà quản lý, trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, đề nghị sửa lại quy định “thành viên chính thức” thành “thành viên góp vốn”; đồng thời, dự thảo luật cần làm rõ hơn một số vấn đề về thành viên góp vốn.
Đề nghị rà soát, bổ sung các chính sách góp phần cho hợp tác xã phát triển
Để góp phần thúc đẩy các hợp tác xã phát triển trong thời gian tới, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Long An đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, quy định hoàn chỉnh hơn các chính sách liên quan đến đất đai như hỗ trợ cho thuê đất, hỗ trợ đầu tư hạ tầng (kho bãi, nhà xưởng,...) nhằm bảo đảm được sự thống nhất, phù hợp với các quy định của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp này.
Tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, nhằm giúp cho việc tiếp cận vốn của các hợp tác xã và thành viên được thuận lợi hơn. Vì theo đại biểu Song An, hiện nay, nhu cầu tín dụng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã là rất lớn, tuy nhiên, việc đáp ứng được các yêu cầu và điều kiện vay vốn của tổ chức tín dụng còn gặp nhiều khó khăn. Các hợp tác xã, đặc biệt ở khu vực nông nghiệp còn hạn chế về năng lực tài chính. Một số trường hợp không chứng minh được nguồn thu nhập ổn định dẫn đến khó khăn trong quá trình thẩm định và chấp nhận các điều khoản vay vốn do thiếu hoặc không có các điều kiện bảo đảm theo quy định.
Sửa đổi, bổ sung các quy định về thuế, trong đó tập trung vào các nguyên tắc, tiêu chí hỗ trợ cụ thể, xác định rõ nguồn lực để thực hiện các chính sách, bảo đảm chính sách đi vào cuộc sống. Tránh tình trạng hỗ trợ tràn lan, không có trọng tâm, trọng điểm, làm giảm hiệu quả của các chính sách hỗ trợ, gia tăng tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ và thậm chí trục lợi chính sách. Đồng thời, dự thảo luật cần tiếp tục hoàn chỉnh các quy định liên quan đến việc trích lập quỹ chung không chia; chế độ hạch toán, kế toán và hoạt động tín dụng nội bộ các tổ chức kinh tế hợp tác.
Song song với việc hoàn chỉnh các quy định liên quan đến mô hình tổ chức quản trị đối với các hình thức tổ chức hợp tác xã, chú trọng quy định cụ thể các tiêu chuẩn về trình độ quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
Ban hành Luật Phòng thủ dân sự là thật sự cần thiết
Tham gia đóng góp dự án Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An cho rằng, việc ban hành luật này là thật sự cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng như Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đặc biệt là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và gần đây nhất là Nghị quyết số 22-NQ/TƯ, ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo, cũng như để cụ thể hóa Điều 64 Hiến pháp năm 2013 và Điều 13 Luật Quốc phòng năm 2018.
Đại biểu Uyên đánh giá hoạt động phòng thủ dân sự thời gian qua còn tồn tại không ít những hạn chế, yếu kém từ cơ chế, chính sách, pháp luật; sự lãnh đạo, chỉ đạo và công tác phối hợp công tác giữa các bộ, ngành, địa phương; hoạch định kế hoạch, biện pháp tổ chức thực tiễn ứng phó với các sự cố, thảm họa,… làm hạn chế đến hiệu quả công tác phòng thủ dân sự.
Bên cạnh đó, tình hình mới trên thế giới, khu vực và trong nước đang có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định, bao hàm trong đó có vấn đề thuộc phòng thủ dân sự. Nước ta đang nằm trong một số nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, điển hình như đại dịch Covid-19 vừa qua. Từ đó, đặt ra yêu cầu ngày càng cao hơn đối với công tác phòng thủ dân sự, đòi hỏi phải hoàn thiện cơ sở pháp lý để tích cực, chủ động phòng chống, ứng phó hiệu quả với sự cố, thảm họa góp phần bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước.
Tuy nhiên, ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đề nghị dự thảo luật cần tiếp tục hoàn chỉnh hơn các quy định về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, bổ sung các quy định về tình trạng khẩn cấp,… nhằm góp phần hoàn chỉnh dự án luật./.