Đề nghị sắm máy bay, mô tô để chữa cháy nhanh hơn

Thảo luận về dự án Luật PCCC&CNCH chiều 27/6, nhiều đại biểu đề nghị cần trang bị thêm các phương tiện chữa cháy hiện đại, linh hoạt trong bối cảnh đô thị hóa, nhiều ngõ hẻm như hiện nay.

Phương tiện cứu nạn cứu hộ còn lạc hậu, kém chất lượng

Đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) cho biết, tai nạn cháy nổ xảy ra ngày càng nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian qua.

Nguyên tắc quy định trong luật này lấy phòng ngừa là chính, hạn chế thấp nhất sự cố cháy nổ nhưng khi có tình huống xảy ra, yêu cầu công tác cứu nạn cứu hộ phải nhanh chóng, hiệu quả.

Tuy vậy, theo báo cáo của Bộ Công an, phương tiện, thiết bị chuyên dụng phục vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) hiện nay còn thiếu, lạc hậu, kém chất lượng, chưa đảm ứng yêu cầu nhiệm vụ cũng như tình hình thực tiễn.

Đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum).

Đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum).

Do đó, ông Thanh cho rằng, Nhà nước cần có ngay biện pháp phù hợp để giải quyết nhanh nhất những tồn tại nêu trên, cần bổ sung các chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong xây dựng lực lượng và trang bị phương tiện PCCC&CNCH.

"Cần quy định có ưu tiên thỏa đáng về nguồn lực tài chính để mua sắm, trang bị phương tiện cứu nạn cứu hộ tiên tiến, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất để cứu người, cứu tài sản, dập đám cháy nhanh nhất, kể cả dùng máy bay để thực hiện", ông Thanh đề xuất.

Mặt khác, ông Thanh góp ý, thực tế nhiều địa phương có tình trạng cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ không thực hiện đúng thẩm quyền xử lý sai phạm, thậm chí còn tiếp tay cho các vi phạm về trật tự xây dựng.

Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn tới nhiều vụ cháy nổ trong thời gian qua. Vì thế, cần bổ sung các hành vi bị cấm trong dự Luật PCCC&CNCH.

Mô tô chữa cháy sẽ rất hữu ích khi tiếp cận hẻm nhỏ, sâu

Cùng quan tâm về nâng cấp trang thiết bị cho lực lượng chữa cháy, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đề xuất nghiên cứu trang bị mô tô chữa cháy cho các lực lượng chữa cháy.

Ông Cảnh cho rằng cần trang bị cho lực lượng chữa cháy dụng cụ cắt sắt cầm tay dùng pin sạc. Dụng cụ này thông dụng, gọn nhẹ hơn rìu cứu nạn, xà beng hoặc búa tạ, kìm cộng lực…, giúp cắt khung sắt (nhất là với nhà cơi nới, chuồng cọp) nhanh và tiện hơn.

Ông cũng nêu thực tiễn ở các đô thị có quá nhiều ngõ hẻm mà các phương tiện chữa cháy rất khó tiếp cận. Trong khi một số đơn vị của ngành công an đã nhập mô tô chữa cháy, một số đơn vị còn sáng chế xe máy thành xe mô tô chữa cháy có tác dụng tương tự để tiếp cận khu vực cháy trong hẻm nhỏ, sâu.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) góp ý vào dự thảo luật.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) góp ý vào dự thảo luật.

Đồng thời, phương tiện cũng chở được máy phát điện, bình chữa cháy xách tay, cưa sắt… điều này giúp hạn chế cháy lây lan, người bị nạn dễ dàng thoát thân.

Do đó, đại biểu đề xuất nghiên cứu trang bị mô tô chữa cháy cho các lực lượng chữa cháy.

Nêu vấn đề nguồn nước để phục vụ chữa cháy, đại biểu Cảnh lấy ví dụ Hà Nội đang có kế hoạch lắp đặt các trụ nước chữa cháy ở hẻm nhỏ, trụ nước này kết hợp với mô tô chữa cháy sẽ nâng cao hiệu quả chữa cháy ở các nơi mà phương tiện chuyên dụng không tiếp cận được hoặc tới chậm.

Với những địa phương chưa có kế hoạch làm các trụ cấp nước chữa cháy trong hẻm nhỏ, đại biểu đoàn Bình Định gợi ý có thể cứ mỗi 200 m sẽ trích ra một đầu cấp nước chữa cháy từ nguồn cấp nước bên ngoài nhà dân để phục vụ chữa cháy cho xe mô tô chữa cháy.

Cho ý kiến về việc thoát nạn khi xảy ra cháy nổ, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phản ánh nhiều người tử vong trong các vụ cháy do không thể thoát nạn, vì thế ông đề nghị cần quy định một chương riêng về nội dung này.

Các quy định sẽ tập trung vào trách nhiệm hướng dẫn người dân thực hiện các thao tác thoát nạn ở các không gian, vị trí, hoàn cảnh khác nhau (nhà riêng lẻ, nhà ở kết hợp kinh doanh, chung cư cũ, karaoke…).

Đại biểu cho rằng, ở nhiều nước khi có tình huống khẩn cấp, có cháy nổ, họ điều động cùng một lúc ba lực lượng cảnh sát, chữa cháy, y tế.

Đối với Việt Nam, chưa đủ điều kiện để huy động cả ba lực lượng trong tất cả các trường hợp cháy nổ.

Tuy nhiên, theo đại biểu Cảnh, chúng ta luôn có lực lượng y tế cơ sở; đối với các trường hợp cháy nổ thường có liên quan đến hô hấp và bỏng da. Nếu lực lượng y tế có mặt sớm sẽ giúp ích cho nhiều nạn nhân sơ cứu ban đầu tốt hơn.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Điều 24 quy định khi phát hiện cháy thì đơn vị y tế cơ sở nhanh chóng điều động người đến nơi sẽ cháy để phục vụ cấp cứu người bị nạn không cần yêu cầu của người chỉ huy chữa cháy.

Trang Trần

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/de-nghi-sam-may-bay-mo-to-de-chua-chay-nhanh-hon-192240627175029557.htm