Đề nghị sửa 7 luật để tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực tài chính

Ngày 22/8, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã chủ trì phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia, do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo.

Phát biểu tại phiên họp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính Hoàng Thái Sơn cho biết, thực hiện kết luận của Thường trực Chính phủ về rà soát, xử lý các vướng mắc có tính cấp bách tại một số luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ Tài chính đã khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các luật do Bộ chủ trì soạn thảo.

Theo đó, có 7 luật trong quá trình thực hiện có phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, gồm: Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính Hoàng Thái Sơn phát biểu tại phiên hop.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính Hoàng Thái Sơn phát biểu tại phiên hop.

Bộ Tài chính đề xuất 18 chính sách sửa đổi, bổ sung 7 luật, nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát.

Đồng thời thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính; xóa bỏ cơ chế xin - cho; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô...

Nhiều vướng mắc thực tế

Ông Phạm Văn Hùng, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, điều 69, 70 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 đã quy định một trong những điều kiện tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp muốn sử dụng tài sản công được giao vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải tuân thủ là lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định.

Điều 57 Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cũng quy định chỉ phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính, Bộ quản lý Nhà nước hoặc ý kiến thống nhất bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của Sở Tài chính và cơ quan quản lý nNhà nước của tổ chức.

Tuy nhiên, cả 2 văn bản trên đều chưa có hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục, tiêu chí để người có thẩm quyền thống nhất bằng văn bản việc sử dụng tài sản công được giao vào mục đích kinh doanh.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Theo ông Hùng, đây là một trong những vướng mắc thực tế. Để tăng nguồn thu cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, có thể tăng tính tự chủ của các tổ chức này trong việc khai thác tài sản công bằng cách sửa đổi quy định pháp luật theo hướng giao lãnh đạo các tổ chức phê duyệt và chịu trách nhiệm đối với việc khai thác tài sản công theo hình thức cho thuê, liên doanh, liên kết.

Ông Hùng cũng bày tỏ quan ngại về việc yêu cầu các sàn thương mại điện tử kê khai thuế, vì quy định này sẽ tạo ra sự không công bằng giữa các doanh nghiệp phải tuân thủ và doanh nghiệp không phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và có tác động lớn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.

Bên cạnh đó, quy định này cũng chưa thực sự phù hợp với bản chất của sàn thương mại điện tử vì các sàn này chỉ là trung gian giữa người mua và người bán; đồng thời các sàn cũng không kiểm soát toàn bộ dòng tiền do thanh toán trực tiếp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong các hình thức thanh toán.

Đối với việc yêu cầu các doanh nghiệp quy mô lớn, có giao dịch phức tạp, doanh thu lớn kiểm toán báo cáo hằng năm, ông Hùng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc kỹ vì bản chất của báo cáo kiểm toán tài chính là nhằm xác nhận tính trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính cũng như việc báo cáo tài chính có được trình bày phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán hay không...

Đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Luật Kế toán 2015 quy định bắt buộc chứng từ điện tử phải có chữ ký điện tử và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét sửa đổi nội dung này để đảm bảo sự nhất quán giữa các quy định pháp luật.

Để đạt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính có đề xuất sửa đổi Điểm a Khoản 4 Điều 56 Luật Chứng khoán về việc thành viên bù trừ được bù trừ, thanh toán cho các giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán (bao gồm chứng khoán phái sinh và chứng khoán cơ sở niêm yết/đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán).

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận phiên họp.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận phiên họp.

Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ thực hiện bù trừ trên thị trường chứng khoán phái sinh vì nếu tham gia bù trừ trên cả thị trường cơ sở sẽ tạo nhiều rủi ro trong quan hệ giữa các ngân hàng và gây ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của ngân hàng...

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết Bộ Tư pháp sẽ tiếp thu và thể hiện đầy đủ các ý kiến tại Báo cáo thẩm định. Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thuyết minh thêm về tính cấp bách, sự cần thiết để đề xuất xây dựng Luật này theo quy trình rút gọn, thông qua trong 1 kỳ họp Quốc hội.

Bên cạnh đó, trên cơ sở Thông báo số 386/TB-VPCP ngày 16/8/2024 về ý kiến Kết luận của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã tiếp thu đa số các nội dung được đề xuất tại Báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu một số nội dung, vì vậy, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề nghị Bộ Tài chính giải trình rõ lý do chưa tiếp thu những nội dung còn thiếu.

Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cũng đề nghị cơ quan chủ trì tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và đề nghị các Bộ, ngành khẩn trương gửi ý kiến góp ý tới Bộ Tài chính.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-nghi-sua-7-luat-de-thao-go-vuong-mac-trong-linh-vuc-tai-chinh-175782.html