Đề nghị sửa luật để minh bạch, chống độc quyền điện

Đại biểu Đinh Ngọc Minh băn khoăn, việc sửa đổi Luật Điện lực lần này có chống được độc quyền điện hay không; đến khi nào thì hết độc quyền, người dân được tham gia vào thị trường nhiều hơn?

Sáng 29/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách lần thứ 6 thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị, dự thảo luật cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân lắp đặt, sử dụng nguồn điện gió, điện mặt trời, nhất là đối với các hộ gia đình sinh sống ở các đảo nhỏ, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới bởi nguồn điện này rất hiệu quả, phù hợp và cần thiết với các đối tượng nêu trên, không để họ bị thiếu điện.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí thảo luận tại hội nghị.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí thảo luận tại hội nghị.

"Tôi đề nghị, cần nghiên cứu kỹ và có cách làm khác biệt hơn, quyết tâm cao hơn để hỗ trợ, nhất là hỗ trợ về vấn đề kinh phí cho các đối tượng này để có điện", ông nhấn mạnh. Đồng thời, cần thiết có hỗ trợ ban đầu từ Chính phủ đến các địa phương, trong đó có chính sách hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia hiện đang triển khai, nhất là đối với đối tượng khó khăn, yếu thế. Các chính sách phải được luật hóa, bởi quy định hiện hành đã có nhưng chưa đầy đủ, rõ ràng.

ĐBQH Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) băn khoăn, việc sửa đổi luật lần này có chống được độc quyền điện như hiện nay hay không? Và đến khi nào thì hết độc quyền, đến khi nào người dân được tham gia vào thị trường nhiều hơn, đến khi nào thì minh bạch? Theo ông, chúng ta đã đổi mới ngành Bưu chính viễn thông rất xuất sắc. "Ngày xưa, gọi một cuộc điện thoại rất tốn kém. Giờ dùng rất thoải mái, rất chuẩn", ông ví dụ và khẳng định xã hội hóa sẽ mang lại nhiều ưu điểm, kết quả tốt.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh thảo luận tại hội nghị.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh thảo luận tại hội nghị.

Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu giải trình thêm tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài cho biết, việc tạo điều kiện bố trí điện cho vùng sâu, vùng xa, Cơ quan soạn thảo đã bổ sung các chính sách trong dự thảo luật, bởi đúng như ý kiến của đại biểu, đối với các vùng này, việc sử dụng điện năng lượng tái tạo sẽ có nhiều ưu điểm hơn điện lưới, đỡ được chi phí đầu tư. Về chính sách, các hộ gia đình ở khu vực này sẽ được bố trí vay nguồn tín dụng ưu đãi để hỗ trợ cho việc lắp đặt, sử dụng các loại điện năng lượng tái tạo...

Đối với vấn đề "độc quyền điện" như đại biểu Đinh Ngọc Minh nêu, Thứ trưởng Bộ Công thương lý giải, hiện nay đã quy định rất rõ độc quyền Nhà nước trong lĩnh vực điện gồm những gì, trong đó chủ yếu là độc quyền trong vấn đề điều độ điện và các dự án điện mang tính chất quan trọng, mang tính an toàn của toàn bộ hệ thống điện... để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Còn nhiều vấn đề khác trong đầu tư, truyền tải đã có quy định về xã hội hóa.

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài thông tin, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tách Trung tâm Điều độ điện quốc gia từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về Bộ Công thương. Hiện, nguồn điện của EVN chỉ còn khoảng 38% trong tổng công suất hệ thống điện quốc gia. EVN và các đơn vị khác cùng tham gia vào thị trường điện như một doanh nghiệp bình thường.

Khẳng định nhu cầu về năng lượng rất cao, ông cho rằng, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã cố gắng thiết kế luật làm sao tạo thị trường điện phát triển theo hướng công khai, minh bạch. Đồng thời, mong tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của các vị ĐBQH để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật một cách tốt nhất, trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới...

Quỳnh Vinh - Vũ Linh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/de-nghi-sua-luat-de-minh-bach-chong-doc-quyen-dien-i742018/