Đề nghị thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ liên kết với ngân hàng
Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có hoạt động kinh doanh bảo hiểm liên kết với ngân hàng.
Sáng 10/5, tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4/2023.
Trình bày báo cáo, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, cử tri và Nhân dân lo lắng trước tình hình số ca mắc COVID-19 tăng cao trong thời gian gần đây; tình trạng bạo lực học đường, trẻ hóa độ tuổi phạm tội; việc vận chuyển, buôn bán, sử dụng ma túy và chất cấm có chiều hướng phức tạp; việc quy định tiêu chuẩn vật liệu, tiêu chuẩn cở sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo yêu cầu phòng cháy, chữa cháy vượt quá khả năng của người dân và doanh nghiệp...
"Vấn đề giao kết và thực hiện một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thiếu minh bạch, thiếu rõ ràng, khả năng gây rủi ro và thiệt hại cho người mua bảo hiểm", ông Dương Thanh Bình nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp và các bộ ngành có liên quan kiểm tra, rà soát lại các hợp đồng mẫu về một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ để tăng cường tính minh bạch của thị trường bảo hiểm và bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
"Tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có hoạt động kinh doanh bảo hiểm liên kết với các ngân hàng thương mại", ông Dương Thanh Bình nêu đề nghị của Ban Dân nguyện đến Chính phủ, Thủ tướng.
Trước đó, trong phần trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng cho biết, một bộ phận người dân còn băn khoăn, lo lắng, có nơi bức xúc vì đã chi tiền mua nhà ở, đất ở của các dự án nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, nay không nhận được nhà ở, đất ở mà chưa lấy lại được tiền đã đầu tư.
Theo ông Đỗ Văn Chiến, nhiều người gặp rủi ro khi gửi tiền tiết kiệm, mua trái phiếu, mua bảo hiểm… tuy đã được các cơ quan chức năng và Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn, yêu cầu bảo đảm quyền lợi của khách hàng nhưng cử tri và nhân dân vẫn chưa thực sự yên tâm.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị với Đảng và Nhà nước tăng cường Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia ký kết các hợp đồng mua bán bất động sản, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng mua thẻ kỳ nghỉ.
"Đây thường là các hợp đồng được in sẵn, đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, vì tin tưởng nên người dân không đọc hoặc đọc cũng không hiểu rõ nên điều khoản bất lợi thường thuộc về bên mua, gây thiệt hại cả về vật chất và tinh thần cho người dân", Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh.
Như VTC News thông tin, rất nhiều khách hàng đã lên tiếng tố nhân viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Công ty Bảo hiểm nhân thọ Manulife có nhiều sai phạm, khiến hợp đồng đầu tư tiết kiệm “hóa" thành bảo hiểm nhân thọ, làm người mua mất tiền.
Chiều 4/5, tại họp báo định kỳ cung cấp thông tin tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho hay, đối với các đơn tố giác sản phẩm Tâm An Đầu Tư, sản phẩm liên kết giữa Công ty Bảo hiểm nhân thọ Manulife và Ngân hàng SCB, Công an TP.HCM sẽ tiếp nhận, phân loại đơn theo quy định.
Theo ông Hà, do vụ việc liên quan đến Ngân hàng SCB đang được Cục C03, Bộ Công an thụ lý nên Công an TP.HCM sẽ phối hợp xác minh, chuyển giao vụ án theo quy định của pháp luật và cơ quan thụ lý giải quyết sẽ trả lời, thông tin với báo chí sau khi có kết quả điều tra.