Đề nghị truy tố 42 bị can trong vụ án xảy ra tại Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam
Cơ quan điều tra kết luận: Cựu Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam chỉ đạo phóng viên viết bài về sai phạm, từ đó gây sức ép buộc cá nhân, tổ chức phải liên hệ xin được gỡ bài, ẩn bài, xóa bài...
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 42 bị can trong vụ án cưỡng đoạt tài sản, xảy ra tại Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam.
Trong số các bị can có ông Đồng Xuân Thụ (cựu Tổng biên tập Tạp chí), bà Nguyễn Thị Ánh Hồng (cựu Phó Tổng biên tập) và nhiều cựu phóng viên khác. Các bị can bị cáo buộc gây ra 82 vụ cưỡng đoạt tài sản, chiếm đoạt hơn 5 tỉ đồng.

Bị can Đồng Xuân Thụ (ở giữa). Ảnh: CATB
Cụ thể, bị can Đồng Xuân Thụ bắt đầu làm việc tại Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam từ năm 2002, đến năm 2010 được bổ nhiệm làm Tổng biên tập.
Tạp chí gồm nhiều phòng ban, có chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền hoạt động của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, phản ánh các hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ảnh hưởng đến môi trường, trật tự xây dựng.
Năm 2001, ông Thụ thành lập Công ty Cổ phần Quảng cáo báo chí truyền hình Việt Nam. Công ty quảng cáo đứng ra tổ chức các sự kiện, làm các chương trình quảng cáo cho Tạp chí môi trường và đô thị Việt Nam.
Với vai trò Tổng biên tập, trong quá trình điều hành hoạt động của Tạp chí, ông Thụ đã chỉ đạo phóng viên đi tìm các sai phạm, của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Sau đó, viết nhiều bài báo phán ánh sai phạm của họ đăng tải lên địa chỉ web của Tạp chí “moitruongvadothi.vn” gây sức ép, buộc họ phải liên hệ với phóng viên để tìm cách xử lý, xin được gỡ bài, ẩn bài, xóa bài hoặc không viết tiếp về sai phạm đó nữa.
Khi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp liên hệ, các phóng viên yêu cầu họ phải ký hợp đồng ủng hộ chương trình “Cây chổi vàng”, “Vẽ tranh cho thiếu nhi”, hợp đồng “giới thiệu thông tin” và nộp tiền để được gỡ bài, ẩn bài, xóa bài hoặc không viết tiếp các sai phạm đó nữa.
Chương trình “Cây chổi vàng” được ra mắt từ năm 2017. Tiêu chí của chương trình là tôn vinh những công nhân vệ sinh môi trường trên toàn quốc, xây dựng nhà tình nghĩa cho công nhân vệ sinh môi trường.
Cơ quan điều tra kết luận ông Thụ phải chịu trách nhiệm với toàn bộ số tiền 5 tỉ đồng liên quan đến 82 vụ cưỡng đoạt mà các bị hại đã bị chiếm đoạt trong vụ án.
Cũng theo kết luận điều tra, bị can Nguyễn Thị Ánh Hồng, bắt đầu làm việc tại Công ty CP Quảng cáo báo chí truyền hình Việt Nam từ năm 2002, đến tháng 9-2017 được Hiệp hội Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng biên tập Tạp chí.
Bà Hồng đã giúp ông Thụ trong việc điều hành Tạp chí, ký giấy giới thiệu cho phóng viên và thực hiện xóa, ẩn, gỡ, đính chính bài viết phản ánh sai phạm của các cá nhân, công ty, doanh nghiệp khi họ đã nộp tiền dưới hình thức ủng hộ chương trình Cây chổi vàng.
Cựu Phó tổng biên tập là người giúp ông Thụ thu chi, chia phần trăm thụ hưởng số tiền mà các tổ chức, cá nhân nộp.
Bị can Bùi Văn Toàn, cựu trưởng ban kinh tế môi trường, tiếp nhận các ý kiến chỉ đạo của ông Thụ, sau đó chỉ đạo phóng viên đi tìm kiếm, thu thập thông tin tài liệu sai phạm và sử dụng thông tin này để đe dọa viết bài phản ánh. Từ đó, gây sức ép buộc các tổ chức, cá nhân phải nộp tiền ủng hộ Chương trình Cây chổi vàng, hợp đồng quảng cáo, vẽ tranh cho thiếu nhi.
"Ông Toàn phải chịu trách nhiệm về số tiền hơn 2,8 tỉ đồng chiếm đoạt trong 42 vụ cưỡng đoạt", kết luận điều tra nêu.