Đề nghị xử lý nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược
Nhiều nghệ sĩ xuất hiện trên các trang mạng xã hội quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, thổi phồng công dụng như thuốc chữa bệnh.
Nghệ sĩ "biến" thành bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Theo Bộ Y tế, thời gian qua, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh đã lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng thổi phồng công dụng, quảng cáo sản phẩm có tác dụng như thuốc nhưng không phải là thuốc.
Bên cạnh đó, các cơ sở này sử dụng các danh hiệu như “nhà thuốc gia truyền”, “danh y”, “thần y” để quảng cáo sản phẩm có tác dụng như thuốc điều trị các bệnh mạn tính như xương khớp, huyết áp, tiểu đường, bệnh về mắt... trên các mạng xã hội. Đặc biệt, các sản phẩm này chưa được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, lưu hành tại Việt Nam.
Việc quảng cáo, sản xuất, buôn bán các loại sản phẩm này gây nguy hại cho sức khỏe, thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng, gây bất an cho xã hội và vi phạm các quy định về luật dược.
Tại Hội thảo “Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng” do Báo điện tử VTC News phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam tổ chức mới đây, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, các nghệ sĩ, ca sĩ, cũng tham gia vào quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng...như thần dược. Họ biến mình thành người bệnh sử dụng sản phẩm để quảng cáo. Theo những quảng cáo này thì có những diễn viên mắc rất nhiều bệnh, vì cứ một thời gian ngắn sau diễn viên đó lại mắc bệnh khác và quảng cáo thực phẩm để chữa bệnh.
"Vi phạm chủ yếu là quảng cáo không đúng nội dung được xác nhận, không đúng bản chất sản phẩm; quảng cao khi chưa được xác nhận nội dung của cơ quan có thẩm quyền; sử dụng hình ảnh bác sĩ, nghệ sĩ để quảng cáo", bà Nga cho biết.
Theo Cục An toàn thực phẩm, năm 2020, từ xác minh của Cục, cơ quan chức năng đã xử phạt 46 cơ sở vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng; năm 2021 xử phạt 28 cơ sở với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng và năm 2022 xử phạt 28 cơ sở với số tiền 1,2 tỷ đồng.
Cục An toàn thực phẩm đã cung cấp chủ thể 29 website vi phạm quảng cáo, trong đó có chủ thể là cá nhân, công ty phần mềm, có tên miền ẩn giấu thông tin chủ thế, có tên miền chưa cấp phát sử dụng...cho cơ quan chức năng xử lý.
Người dân khi có bệnh phải đi khám bác sĩ
Để ngăn chặn và phòng ngừa việc quảng cáo, sản xuất, buôn bán, các loại sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý và chấn chỉnh quảng cáo kinh doanh thuốc qua mạng xã hội.
Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng quảng cáo các sản phẩm có tác dụng như thuốc nhưng không phải thuốc; quảng cáo thuốc chưa được phép lưu hành; quảng cáo thuốc khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
Cơ quan này cần có biện pháp xử lý mạnh các trang mạng xã hội, nền tảng quảng cáo trên Google Ads vi phạm.
Quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược đã gây bức xúc trong xã hội, đặc biệt là cắt ghép hình ảnh bác sĩ vào quảng cáo đang diễn ra một cách "trắng trợn". Vì vậy, Bộ Công thương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo các sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp kinh doanh các sản phẩm này.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được đề nghị tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo. Bộ Y tế yêu cầu xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo các sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thuốc chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung.
Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các chủ tên miền quảng cáo trên các trang mạng xã hội vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Sở Y tế phối hợp với Sở Văn hóa, Thông tin và Du lịch tuyên truyền, phổ biến cho người dân về tác hại của việc tự mua thuốc điều trị. Bên cạnh đó, Sở cần vận động người dân đến khám bệnh và điều trị tại các cơ sở y tế và mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động, tuân thủ phác đồ điều trị của thầy thuốc.