Đề nghị xử lý nghiêm hiện tượng núp nghi lễ Phật để trục lợi

Ngày 22-3, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Quảng Ninh cho biết vừa có văn bản gửi UBND TP Uông Bí đề nghị trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động của chùa Ba Vàng.

Văn bản nêu rõ: Trong nghi lễ truyền thống Phật giáo Bắc truyền tại Việt Nam, khi thực hiện nghi lễ cho vong linh người đã mất có các nghi thức: Tiếp Linh, Cúng Phật, Cúng Tổ, Triệu Linh, Tụng kinh Cầu Siêu, Chúc Thực. Hoạt động “thỉnh vong”, “cúng oan gia trái chủ” tại chùa Ba Vàng, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh không được chứng kiến nên chưa biết hình thức và nội dung thực hiện như thế nào.

Điều quan trọng không phải là duy danh ngôn ngữ mà phải biết nghi lễ ấy được thực hiện với hình thức và nội dung như thế nào. Hiến chương GHPGVN, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN và các quy định khác của Giáo hội đều quy định các hoạt động Phật sự, hành đạo, tu đạo tại cơ sở thờ tự của Phật giáo do vị trụ trì cơ sở thờ tự đó chịu toàn bộ trách nhiệm.

Việc công dân Phạm Thị Yến có các hoạt động tại chùa Ba Vàng do trụ trì chùa Ba Vàng chịu trách nhiệm. Nghi thức “thỉnh vong”, “cúng oan gia trái chủ” không có trong giáo lý Phật giáo. Trong nghi lễ Phật giáo Bắc truyền chỉ có nghi thức Triệu Linh và nghi thức lập đàn cúng giải oan thích kết.

Phạm Thị Yến.

Phạm Thị Yến.

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh lên án các hành vi lợi dụng niềm tin của phật tử, nhân dân, núp bóng nghi lễ Phật giáo để trục lợi. Đề nghị các cấp, các ngành nghiên cứu, nếu bất cứ tổ chức, cá nhân nào vi phạm đều phải xử lý nghiêm trước pháp luật.

Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó trưởng Ban Trị sự, Chánh Thư ký GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, cho biết thời điểm 2015 GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo về tình hình chùa Ba Vàng để tìm biện pháp điều chỉnh phù hợp với truyền thống Phật giáo, tránh gây ảnh hưởng đến hình ảnh Phật giáo nói chung và Phật giáo tỉnh Quảng Ninh nói riêng.

Trong đó có đề cập tới một số vấn đề như: chùa Ba Vàng áp dụng “thanh quy tu học chùa Ba Vàng” có nhiều điểm không phù hợp với truyền thống tu học của Phật giáo Việt Nam (mỗi ngày ăn một bữa, nửa tháng tắm một lần, mặc y pháp thường xuyên 24/24 giờ trong ngày; các vị sư tăng đều vào rừng (gốc cây) tu học, ngủ, nghỉ trong 49 ngày đêm kể cả mưa nắng; nằm ngủ dưới đất).

Riêng về trường hợp “thỉnh vong” để giải nghiệp, văn bản của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh ghi rõ: “Đặc biệt, dư luận quần chúng nhân dân phản ánh: các vị sư tại chùa Ba Vàng lợi dụng phật tử tên Yến, cư trú tại Hạ Long thường xuyên khuyên hóa nhân dân về chùa Ba Vàng cúng bắt ma, cúng oan gia trái chủ và thu tiền với số lượng lớn. Những dịp chùa Ba Vàng giảng Phật pháp, sau khi đại đức Thích Trúc Thái Minh giảng pháp thì đều mời cô Yến lên giảng, giáo hóa cho tăng ni, phật tử nghe…”. Thượng tọa Thích Đạo Hiển cho biết chưa được chứng kiến tận mắt, nhưng thông qua clip đã đăng trên mạng về việc vong nhập vào người sống, rồi đóng tiền để cắt vong theo, hóa giải được nghiệp chướng là không đúng.

Xung quanh hiện tượng ở chùa Ba Vàng, PGS-TS Trần Lâm Biền khẳng định, nhiều người đang bị dẫn dắt vào mê lầm với cách làm của chùa Ba Vàng. “Nhiều người tin rằng, chỉ cần cắt vong, giải hạn là có thể chữa được bệnh, đây là gieo rắc mê tín, dị đoan, không phải là hoạt động gắn với nhà chùa. Những kẻ gieo rắc niềm tin mù quáng, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi là những kẻ không có lương tâm. Vụ việc này cần phải được các cơ quan chức năng làm rõ để giúp nhân dân hiểu đúng giáo lý, tinh thần Phật giáo, tránh mê muội, đặt niềm tin mù quáng vào những hành động không đúng với Phật pháp”, PGS-TS Trần Lâm Biền nhìn nhận.

Phản ứng trước những thông tin về việc chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh) tuyên truyền về cái được gọi là thỉnh pháp “oan gia trái chủ” qua đó không chỉ đẩy lùi xui xẻo trong cuộc sống mà còn chữa khỏi được nhiều bệnh nan y, PGS-TS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc Bệnh viện K, khẳng định: “Tâm lý mỗi người có bệnh đều “vái tứ phương” là có thật, nhưng cũng phải có căn cứ khoa học. Nếu cúng lễ mà khỏi bệnh thì không còn ai đến bệnh viện thăm khám và điều trị...”.

PGS-TS Lê Văn Quảng cũng cho biết, tại Bệnh viện K đã có nhiều trường hợp bị ung thư, đang điều trị nhưng rồi bỏ ngang để về nhà cúng bái, điều trị thuốc nam. Đến khi bệnh trở nặng, quay lại đã quá muộn. Trước thông tin một số bệnh nhân ung thư cho rằng mình đã khỏi bệnh sau khi thỉnh “oan gia trái chủ”, Phó giám đốc Bệnh viện K cho rằng thông tin này cần xem xét kỹ càng, kiểm tra lại xem bệnh nhân chẩn đoán ung thư ở đâu?

GS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cũng chỉ rõ, mắc bệnh tật được lý giải từ chuyện “kiếp trước” là duy tâm và khẳng định chữa bệnh theo như thỉnh pháp “oan gia trái chủ” là phản khoa học. Bởi lẽ thỉnh vong không những không chữa được bệnh mà còn có nguy cơ khiến những người mắc bệnh bỏ qua giai đoạn sớm của bệnh mà lẽ ra y học có thể chữa được.

Chuyên gia về thần kinh, PGS Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương, cho biết tại bệnh viện từng tiếp nhận trở lại rất nhiều bệnh nhân bị tâm thần, đang điều trị rồi bỏ giữa chừng về cúng bái, làm lễ. Khi quay lại bệnh viện thì bệnh nhân đều nặng hơn. Trên thực tế cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân đến viện nói thường xuyên bị “ma nhập”, bị “điều khiển” nhưng sau đó nhờ phác đồ điều trị khoa học, bệnh nhân đã khỏe mạnh trở lại.

MAI AN - MINH KHANG

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/de-nghi-xu-ly-nghiem-hien-tuong-nup-nghi-le-phat-de-truc-loi-66741.html