Đề Ngữ văn: So sánh hai bài thơ Tổ quốc và Định nghĩa về Đất Nước
Đề thi thử môn Ngữ văn của liên trường trung học phổ thông tỉnh Ninh Bình yêu cầu học sinh so sánh hai đoạn thơ trong hai bài thơ 'Tổ quốc' (Nguyễn Sĩ Đại) và 'Định nghĩa về Đất Nước' (Lê Minh Quốc).

Nghị luận văn học
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) so sánh, đánh giá hai đoạn thơ sau:
Tổ quốc là khi mẹ sinh con
Có cái mũi dọc dừa, màu da vàng như nắng
Đêm trở dạ có bà con chòm xóm
Bếp lửa hồng ấm suốt cả đời ta […]
Là mùa Xuân lắc thắc mưa phùn
Chân bấm ngõ làng đi hội Tết
Hội vui mở suốt giang sơn trời đất
Giêng Hai nao thương nhớ cũng la ngà...
* * *
Là mùa Hè sen ngát những ao quê
Sông Ngân chảy mơ huyền đêm cổ tích
Mùa Thu gió thổi đằm hương mật
Hơi thở con căng ngực đất lành […]
Là dòng máu cha ông tha thiết chảy muôn đời
Thấm vào đất, vào con, vào sắc cờ cháy rực,
Là tất cả những gì yêu dấu nhất
Không gọi được thành lời, thì gọi Tổ quốc ơi!
(Trích Tổ quốc, Nguyễn Sĩ Đại)
Và:
đất nước là hình ảnh con trâu
đi trước cái cày, trước cha, trước mẹ
là bài đồng dao con chim se sẻ
nó đẻ mái tranh, tôi ném hòn sành
là con Rồng cháu Tiên, là gương vỡ lại lành
là thần thoại nhổ tre mà đuổi giặc [...]
* *
đất nước là con tem với tình nghĩa sâu nặng
thầm nhắc người đi đừng quên cội quên nguồn
đất nước quanh tôi với tất cả bình thường
là bún bò Huế, là tô mì Quảng...
là phố, là cá lóc canh chua hoặc trái xoài, trái nhãn...
cưu mang tôi khôn lớn từng ngày
đất nước là hình ảnh khẩu súng quàng vai
đứng trang nghiêm trước sơn hà xã tắc
là câu đánh vần lúc bắt đầu đi học
là ngôi trường làng mái ngói rêu phong
(Trích Định nghĩa về Đất Nước, Lê Minh Quốc)
Gợi ý đáp án so sánh hai đoạn thơ
Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận.
Thân bài:
Điểm tương đồng: Đề tài: Đất nước - Tổ quốc. Cảm xúc chủ đạo: Tình cảm thiết tha, trìu mến, tự hào về đất nước, tổ quốc. Hình ảnh thơ vừa gần gũi, bình dị vừa mang tính biểu tượng sâu sắc. Thể thơ tự do linh hoạt sáng tạo, sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ "đất nước là…", "Tổ quốc là…" tạo nên một kiểu định nghĩa thú vị về đất nước, tổ quốc.
Điểm khác biệt:
Nội dung thể hiện: Thơ Nguyễn Sỹ Đại: có một quan niệm mới mẻ về Tổ quốc, nó cụ thể, gần gũi nhưng lại rất thân thương và bình dị. Tổ quốc được định nghĩa một cách rất cá nhân bắt đầu từ sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người "khi mẹ sinh con".
Tổ quốc tiếp tục được nhà thơ tái hiện qua không khí mùa xuân và lễ hội Tết cổ truyền của người Việt. Tổ quốc còn là cảnh sắc thiên nhiên bốn mùa nuôi dưỡng hồn người với cảnh vật dung dị mà đẹp đẽ.
Qua đó, độc giả thấy được sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên, mang lại cảm giác yên bình từ hơi thở của quê hương. Cuối cùng Tổ quốc là huyết mạch của cha ông, qua biểu tượng cờ đỏ sao vàng của dân tộc Việt Nam trường tồn, mãi mãi.
Thơ Lê Minh Quốc lại chọn cách định nghĩa giản dị về đất nước. Đó là hình ảnh con trâu, bài đồng dao, là truyền thuyết con Rồng cháu Tiên, Thánh Gióng. Đất nước gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, với những giá trị văn hóa văn học dân gian của con người Việt Nam.
Đất nước còn là hình ảnh giàu tính biểu tượng (con tem), là những món ăn đặc trưng của các địa phương, là hình ảnh khẩu súng quàng vai vững vàng trong chiến đấu. Và đất nước hồi sinh trong truyền thống hiếu học của con người Việt (câu đánh vần, ngôi trường làng)…
Hình tượng thơ: Ở đoạn thơ Tổ quốc của Nguyễn Sỹ Đại hình tượng thơ phát triển từ sự cảm nhận về cá nhân Có cái mũi dọc dừa, màu da vàng như nắng đến hình tượng khái quát giàu tính biểu tượng dòng máu cha ông, sắc cờ đỏ thắm.
Ở đoạn thơ Định nghĩa về Đất Nước của Lê Minh Quốc hình tượng thơ phát triển từ những hình ảnh của văn hóa văn học dân gian đến những hình ảnh đời thường (trong chiến đấu và trong cuộc sống bình yên).
Mạch cảm xúc: Ở đoạn thơ Tổ quốc của Nguyễn Sỹ Đại, mạch cảm xúc khơi nguồn từ trạng thái xúc động, hạnh phúc đến sự say mê tha thiết hòa quyện giữa con người với thiên nhiên, kết lại bằng sự trân trọng, biết ơn.
Ở đoạn thơ Định nghĩa về Đất Nước của Lê Minh Quốc, mạch cảm xúc bắt nguồn từ sự cảm nhận nhẹ nhàng, sâu lắng đến những thấm thía chân thành, kết lại bằng niềm tin và hy vọng.
Lí giải nguyên nhân dẫn đến sự tương đồng và khác biệt:
Điểm tương đồng: Hai nhà thơ đều là lớp nhà thơ trưởng thành trong giai đoạn đổi mới văn học sau năm 1975. Văn học giai đoạn này đòi hỏi sự đổi mới trong tư duy sáng tạo và tiếp nhận văn học. Cả hai nhà thơ đều có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế và tình yêu đất nước sâu sắc.
Điểm khác biệt: Mỗi nhà thơ có một phong cách nghệ thuật và cá tính sáng tạo riêng.
Đánh giá: Từ những điểm gặp gỡ tương đồng đến những điểm khác biệt, cả hai đoạn trích đều thể hiện sâu sắc tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Qua đó khẳng định tài năng và dấu ấn sáng tạo riêng biệt của mỗi nhà thơ.
*Kết bài: Đánh giá chung về ý nghĩa của sự so sánh, giá trị của hai tác phẩm.