Đề Ngữ văn thi vào lớp 10 của Hà Nội: Có độ phân hóa, đạt điểm cao không dễ!
Các giáo viên đều nhận định, đề thi Ngữ văn có cấu trúc ổn định, các câu hỏi tương đối cơ bản. Tuy nhiên, để đạt điểm cao phải là những thí sinh thực sự có kỹ năng, có sự linh hoạt.
Dự kiến phổ điểm trung bình có thể từ 6.5 - 7.0
Theo thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên Ngữ văn - Hệ thống giáo dục HOCMAI, cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT ở Hà Nội năm nay vẫn giữ nguyên như mọi năm với thời gian làm bài 120 phút và thí sinh sẽ thực hiện trả lời các câu hỏi ngắn, viết 2 đoạn văn. Kiến thức Văn học và Tiếng Việt bám sát chương trình Ngữ văn lớp 9.
Thầy Hùng nhận định, ở phần I (6,5 điểm), ba câu hỏi đọc - hiểu bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu sẽ khiến một số học sinh bỡ ngỡ vì tác phẩm này đã xuất hiện trong đề thi vào năm 2021. Tuy nhiên, đây là một bài thơ không khó để cảm nhận và phân tích nên nếu nắm chắc nội dung của tác phẩm thì có thể tự tin hoàn thành tốt tất cả các câu hỏi trong đề thi.
Ở câu hỏi số 4, bên cạnh yêu cầu về nội dung làm rõ hình ảnh người lính trong tám dòng thơ còn có hai yêu cầu phụ: viết đoạn văn theo phép lập luận quy nạp và sử dụng thành phần tình thái và thán từ các thí sinh cần đặc biệt lưu tâm về dung lượng (15 câu văn) để tránh lan man, mất điểm do không hoàn thành đủ các yêu cầu.
Ở Phần II (3,5 điểm), bài viết "Dám bị ghét" với cuộc đối thoại của Triết gia và Chàng thanh niên bàn về vấn đề tư duy sống, cách chúng ta đối diện với mong muốn được người khác thừa nhận sẽ tạo được nhiều cảm xúc cho thí sinh khi thực hiện yêu cầu về đoạn văn nghị luận xã hội ứng xử thế nào trước những mong đợi của những người thân yêu.
Những cách diễn đạt của câu hỏi trong đề thi như: “theo em”, “nên ứng xử thế nào…?” cho phép học sinh có thể tự do nêu suy nghĩ, quan điểm của bản thân về vấn đề được đặt ra. Đây vừa là một vấn đề muôn thuở đồng thời vẫn là một vấn đề gần gũi, quen thuộc với học sinh đặc biệt khi các em đang đứng ở ngưỡng cửa của những sự lựa chọn trong cuộc đời. Hai yêu cầu trả lời ngắn xác định phép liên kết và nêu quan điểm về việc chúng ta không sống để đáp ứng mong đợi của người khác tương đối đơn giản, không làm khó được thí sinh.
"Nhìn chung, với cấu trúc đề thi ổn định, các câu hỏi tương đối cơ bản, thí sinh có thể thuận lợi hoàn thành được bài thi môn Ngữ văn trong khoảng thời gian quy định. Tuy nhiên, những thí sinh có khả năng lập luận tốt, tìm được những dẫn chứng ấn tượng để đưa vào bài viết sẽ là một điểm nhấn được đánh giá cao", thầy Nguyễn Phi Hùng nêu quan điểm.
Thầy Hùng cho rằng, dự kiến kiến phổ điểm trung bình có thể từ 6.5 - 7.0, nhưng sức nóng điểm chuẩn cũng vẫn sẽ là một vấn đề đáng quan tâm của kỳ thi năm nay.
Đề thi đòi hỏi sự tư duy của học sinh
Cô giáo Vũ Thị Nhàn, Trường THPT Phú Xuyên A (Phú Xuyên, Hà Nội) nhìn nhận, đề thi nhìn chung rất vừa sức với học sinh, mang đúng cấu trúc như những năm gần đây. Các câu hỏi trong đề thi đều đòi hỏi sự tư duy của học sinh. Thí sinh phải có sự linh hoạt và có kiến thức tổng hợp, khái quát mới có thể làm tốt và đạt điểm cao.
"Ví dụ, ở dạng câu hỏi đọc hiểu, nếu chỉ trả lời một cách đơn giản để lấy điểm thấp thì bạn nào cũng làm được, nhưng để lấy điểm cao thì không dễ. Đây chính là sự phân hóa của đề thi", cô nói.
Với đề nghị luận xã hội, cô Nhàn cho rằng đề thi rất hay, mang tính giáo dục cao và có tính thời sự, trong bối cảnh năm vừa rồi chúng ta thấy rất nhiều tình huống đòi hỏi trách nhiệm và ý thức của mỗi người về mạng sống, về tư tưởng, tình cảm của mình đối với gia đình và cộng đồng.
Cô giáo Vũ Thị Nhàn đưa ra dự đoán, với đề thi này, phổ điểm xoay quanh điểm 7 sẽ khá nhiều, nhưng để đạt điểm 9 phải là những thí sinh thực sự có kỹ năng.
Cô Hà Khánh Ly, Trường THPT Chúc Động (Hà Nội) cũng cho rằng, đề thi vẫn giữ cấu trúc khá ổn định như các năm trước. Đề thi có 2 phần, phần I ngữ liệu thuộc văn bản lớp 9.
"Đồng chí là văn bản thơ hiện đại đầu tiên các em được học nên được ôn khá kĩ. Nếu chủ quan thì các em vẫn sẽ làm được bài nhưng bài làm không sâu. Các câu hỏi trong đề thi vừa sức với học sinh. Với phần này, câu hỏi về cặp hình ảnh tương ứng sóng đôi có thể khiến các em hơi lúng túng để nêu trọn vẹn tác dụng của hình ảnh", cô Ly nhìn nhận.
Phần II sử dụng ngữ liệu ngoài văn bản. Theo cô Ly, câu hỏi nhận biết và thông hiểu không quá khó khăn, còn câu viết đoạn văn nghị luận xã hội là thú vị nhất trong đề thi này.
“Nên ứng xử thế nào trước mong đợi của người thân yêu với chúng ta” - một câu hỏi kích thích học sinh có thể phát huy tối đa góc nhìn để suy ngẫm, trải nghiệm. Tôi nghĩ sẽ không có đáp án đúng sai với đề này, quan trọng là học sinh nhìn nhận vấn đề như thế nào và giải quyết bằng cách lập luận thuyết phục ra sao", cô Hà Khánh Ly chia sẻ.