Để người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội, đến nay tỉnh Bình Thuận đã cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đã đề ra.

Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, diện mạo xã hội thay đổi căn bản, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, kinh tế, xã hội phát triển toàn diện và hài hòa hơn đã đem lại sự hài lòng và củng cố niềm tin của người dân, khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ảnh minh họa.

Nghị quyết số 42 ngày 24/11/ 2023 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới tiếp tục nêu rõ: “Các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng”. Phạm vi của nghị quyết đã mở rộng ra toàn bộ các nhóm chính sách xã hội cho tất cả các đối tượng trên nguyên tắc bảo đảm tính toàn dân, toàn diện, bao gồm 5 nhóm: Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; chính sách lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực; chính sách bảo đảm an sinh xã hội; chính sách về nâng cao phúc lợi xã hội và bảo đảm tiếp cận dịch vụ xã hội; chính sách đối với nhóm yếu thế, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.

Nghị quyết đưa ra 4 nhóm quan điểm vừa có tính kế thừa, phát huy, vừa có tính đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Nghị quyết cũng đã xác định rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế, đồng thời đưa ra 37 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030. Nghị quyết cũng xác định tầm nhìn đến năm 2045 là hệ thống chính sách xã hội phát triển toàn diện, bền vững, tiến bộ và công bằng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân, nằm trong nhóm quốc gia có chỉ số phát triển con người (HDI) cao trên thế giới.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 42 ngày 24/11/ 2023 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng mở, công bằng, bình đẳng, thúc đẩy xã hội học tập và tạo cơ hội học tập suốt đời. Nâng cao chất lượng giáo dục, đa dạng hóa mô hình, chương trình đào tạo, phương thức học tập phù hợp với người học. Chú trọng phát triển mạng lưới trường lớp, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, bãi ngang, ven biển, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư. Đồng thời xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hội nhập, bảo đảm điều kiện tiếp cận và chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, đặc biệt là nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nơi tập trung đông người lao động... Bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với phát triển văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Thực hiện chính sách, pháp luật về quyền tiếp cận thông tin của công dân theo hướng bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận và bảo vệ người dân, đặc biệt là trẻ em, nhóm yếu thế được an toàn trên môi trường mạng. Nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, nhất là chính quyền địa phương trong thực hiện chủ trương của Đảng có sự chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, xã hội và người dân phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập. Bảo đảm nhu cầu thiết yếu về nước sạch sinh hoạt theo quy chuẩn cho người dân, nhất là người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bãi ngang, ven biển, hải đảo, vùng thường xuyên bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước. Xây dựng đội ngũ nhân viên làm công tác xã hội hiểu biết pháp luật, có phẩm chất đạo đức, tận tâm, hoạt động chuyên nghiệp…

Đồng thời tập trung xây dựng và phát triển thị trường lao động linh hoạt, đa dạng, hiệu quả, bền vững và hội nhập, bảo đảm việc làm bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/de-nguoi-dan-duoc-tiep-can-thu-huong-cac-dich-vu-xa-hoi-co-ban-116205.html