Thuận Châu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vũng

Năm 2024, mặc dù thời tiết khắc nhiệt ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, nhưng huyện Thuận Châu đã chỉ đạo kịp thời các đơn vị, phòng ban chuyên môn bám sát cơ sở hỗ trợ nông dân, đồng thời đẩy triển khai hiệu quả các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Nông dân xã Bản Lầm, huyện Thuận Châu chăm sóc diện tích cây cà phê sau thu hoạch.

Nông dân xã Bản Lầm, huyện Thuận Châu chăm sóc diện tích cây cà phê sau thu hoạch.

Thuận Châu có 29 xã, thị trấn; thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh gắn với các tiêu chuẩn, huyện đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo chuỗi giá trị luôn được huyện quan tâm triển khai. Đến nay, đã dần hình thành một số vùng chuyên canh, như: Vùng chè tập trung ở các xã Chiềng Pha, Phổng Lái, Mường É, Phổng Lập; cây cà phê tại các xã Nậm Lầu, Bản Lầm, Chiềng Bôm, Phổng Lái, Chiềng Pha; trồng xoài tại xã Mường Khiêng, Bó Mười, Liệp Tè; chăn nuôi gia súc, trồng cây dược liệu, sơn tra ở các xã vùng cao.

Năm 2024, nhân dân trong huyện chăm sóc 3.911 ha cây ăn quả các loại, sản lượng quả đạt 11.186 tấn; 1.377 ha chè, trong đó, 1.297 ha cho thu hoạch, sản lượng chè búp đạt 11.520 tấn; 6.658 ha cây cà phê, trong đó 5.327 ha cho thu hoạch, sản lượng quả đạt 6.850 tấn; 1.659 ha cây cao su, sản lượng 2.700 tấn mủ; 600 ha cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ; 72 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, tưới ẩm; 25 cơ sở trồng trọt được cấp giấy chứng nhận VietGAP, với 658 ha; 10 mã số vùng trồng các loại cây ăn quả.

Cán bộ xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu trao đổi với người dân về chăm sóc chè vụ xuân.

Cán bộ xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu trao đổi với người dân về chăm sóc chè vụ xuân.

Nâng cao giá trị sản phẩm, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, vận động nhân dân liên kết thành lập các HTX, nhất là HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 60 HTX, với 1.087 thành viên. Các HTX đã liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, tạo việc làm, thu nhập cho lao động. Doanh thu bình quân đạt hơn 1 tỷ đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của thành viên HTX 45 triệu đồng/năm.

Anh Quàng Văn Hiên, Giám đốc HTX bản Ban Xa, xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, chia sẻ: Sản phẩm cá của HTX xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Hằng năm, xuất bán khoảng 24-25 tấn cá thương phẩm các loại, thu nhập hơn 1,9 tỷ đồng. Ngoài nuôi cá, vụ xoài năm nay, HTX thu 75 tấn quả và 25 ha nhãn cho bói quả lứa đầu tiên sẽ mang lại thu nhập đáng kể trong thời gian tới.

Nông dân xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu phát triển nghề nuôi cá lồng.

Nông dân xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu phát triển nghề nuôi cá lồng.

Trong lĩnh vực chăn nuôi mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng tổng đàn vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. Tháng 4/2024, tại xã Bản Lầm, Mường É xuất hiện dịch tả lợn châu Phi và bệnh lở mồm long móng; 17 con bò, lợn bị chết, tổng trọng lượng trên 1.800 kg. Khống chế dịch bệnh, huyện Thuận Châu chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc; vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, điểm giết mổ, các chợ buôn bán sản phẩm gia súc, vùng có ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao nhằm hạn chế sự phát tán, phơi nhiễm mầm bệnh. Tổ chức tiêm 47.750 liều vắc xin lở mồm long móng; cấp 1.250 lít hóa chất phun khử trùng khu vực chuồng trại, chăn nuôi. Đến nay, toàn huyện có 7.500 con trâu, 48.520 con bò; 74.000 con lợn, thịt hơi xuất chuồng ước đạt 8.900 tấn; 761.000 con gia cầm.

Hỗ trợ bò giống cho người dân xã Phổng Lăng, huyện Thuận Châu.

Hỗ trợ bò giống cho người dân xã Phổng Lăng, huyện Thuận Châu.

Ông Quàng Văn Xiến, Chủ tịch UBND xã Phổng Lăng, thông tin: Trong năm, xã được hỗ trợ gần 200 con bò giống từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Đến nay, toàn xã có gần 29.000 con gia súc, gia cầm; trồng gần 40 ha cỏ voi phục vụ chăn nuôi. Cùng với đó, nhiều mô hình sản xuất được hỗ trợ triển khai, như: Cây thanh long, mít ruột đỏ tại bản Còng, Thái Cóng, Lăng Nọi, với diện tích 1,5 ha... Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 18,13%.

Năm 2025, huyện Thuận Châu đề ra chỉ tiêu: Duy trì ổn định 31 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được cơ quan có thẩm quyền xác nhận; xây dựng mới thêm 1 chuỗi nâng toàn huyện có 32 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Chăm sóc 1.377 ha cây chè, sản lượng búp chè tươi đạt 11.500 tấn; 6.658 ha cây cà phê, sản lượng cà phê nhân trên 5.000 tấn; 3.316 ha cây ăn quả... xây dựng mới thêm 1 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được cơ quan có thẩm quyền xác nhận; tổng đàn trâu duy trì ở mức 7.550 con; đàn bò 50.000 con; lợn lên 75.000 con, đàn gia cầm có 770.000 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 9.000 tấn; sản lượng khai thác thủy sản đạt 1.100 tấn…

Ông Hà Trung Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, cho biết: Huyện tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tăng cường liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Quan tâm đầu tư xây dựng kiên cố hóa hệ thống mương nội đồng, hồ chứa, phai đập, các công trình bị ảnh hưởng sau mưa lũ để đảm bảo đủ nước tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân…

Cùng với đó, huyện chỉ đạo nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thực tiễn của từng địa phương. Phối hợp với Công ty Cổ phần Thực phẩm Đồng Giao và các doanh nghiệp tập trung cao cho công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến năm 2025 và các năm tiếp theo trên địa bàn huyện. Phấn đấu giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 300 tỷ đồng.

Với các mục tiêu cụ thể, giải pháp đồng bộ, lĩnh vực nông nghiệp của huyện Thuận Châu tiếp tục giành nhiều kết quả tích cực. Đây sẽ là động lực, tiền đề quan trọng góp phần đưa huyện ra khỏi huyện nghèo vào năm 2025 theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.

Trần Hiền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/thuan-chau/thuan-chau-phat-trien-nong-nghiep-theo-huong-ben-vung-lziXYdDNR.html