Để nông nghiệp là 'trụ đỡ' của nền kinh tế - Kỳ cuối: Tháo gỡ các 'điểm nghẽn'

Những kết quả nổi bật sau thời gian dài triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đã khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn những 'điểm nghẽn' cần được các ngành, địa phương chung tay tháo gỡ để tạo đột phá.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Sau thời gian thực hiện tái cơ cấu, mặc dù các ngành, địa phương trong tỉnh đã có nhiều cố gắng nhưng ngành nông nghiệp vẫn chưa có sự đột phá lớn để nâng cao hiệu quả trên cùng một diện tích; việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất còn chậm, sản xuất nông nghiệp còn thiếu tính bền vững.

Chia sẻ những khó khăn thực tế tại địa phương trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-cho hay: Diện tích đất nông nghiệp của các hộ dân hầu hết phân tán, nhỏ lẻ, không thuận tiện cho việc dồn điền đổi thửa. Nhiều diện tích đất sản xuất ở đồi núi, dốc cao nên rất khó đưa cơ giới vào sản xuất. Ngoài ra, các công trình thủy lợi chưa đáp ứng đủ nhu cầu nước tưới nên sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. “Bên cạnh đó, đa số đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống khó khăn, trình độ hạn chế nên việc vận động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn trở ngại. Trong khi đó, việc đầu tư sản xuất các loại cây trồng có giá trị, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật thâm canh cao nên rất khó thực hiện”-ông Ẩn nêu thực trạng.

Người dân huyện Đak Pơ thu hoạch rau xanh. Ảnh: Minh Nguyễn

Người dân huyện Đak Pơ thu hoạch rau xanh. Ảnh: Minh Nguyễn

Thời gian qua, huyện Kbang đã tích cực chuyển đổi nhiều diện tích mía kém hiệu quả sang trồng hơn 1.000 ha cây ăn quả các loại, đồng thời thực hiện dự án liên kết sản xuất, hỗ trợ, vận động người dân sản xuất theo hướng hữu cơ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp huyện cũng đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về nguồn nước tưới khi các công trình thủy lợi trên địa bàn chỉ mới đáp ứng được cho khoảng 2.000 ha/35.000 ha cây trồng. Hiện chỉ một phần diện tích lúa là có đủ nước tưới, còn với cây công nghiệp, rau màu thì người dân thường tận dụng nước từ các suối, ao, hồ và giếng.

Cũng liên quan đến “điểm nghẽn” trong tái cơ cấu nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Hiện địa phương chưa có quy hoạch tổng thể, chưa xây dựng bản đồ thổ nhưỡng nên sản xuất nông nghiệp không tập trung, quy mô lớn. Tỉnh cũng chưa chủ động nguồn cây giống mà còn phụ thuộc vào Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên trong việc chuyển đổi các loại giống tái canh như: cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả.

Thêm một “điểm nghẽn” nữa được nhiều địa phương nhận diện trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đó là việc triển khai liên kết, hợp tác hiệu quả chưa cao; hoạt động của hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp còn yếu, chưa kết nối được với các doanh nghiệp và thị trường. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; tỷ lệ chế biến sâu về nông sản vẫn còn thấp.

Tìm giải pháp tháo gỡ

Trước thực trạng một bộ phận người dân chậm tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, nhiều địa phương đã kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật, kinh phí để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Đang loay hoay tìm hướng xử lý đối với diện tích cà phê già cỗi của gia đình, anh Nguyễn Đình Thanh (thôn Hồ Nước, thị trấn Chư Sê) rất vui mừng khi được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chọn thí điểm trồng dưa lưới trong nhà màng, có sử dụng hệ thống tưới tự động. Tháng 10-2019, sau khi phá bỏ 3 sào cà phê, với 80 triệu đồng ngân sách huyện hỗ trợ, anh Thanh đầu tư thêm 120 triệu đồng xây dựng 1.000 m2 nhà màng, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để trồng thí điểm 2.800 bầu dưa lưới giống Queen Nhật Bản. Anh Thanh hào hứng cho hay: Trong quá trình thực hiện mô hình, anh được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vườn dưa. Trung bình 1 sào dưa lưới cho năng suất 3 tấn, mỗi năm trồng được 4 vụ. Với giá bán 40.000-60.000 đồng/kg, gia đình anh có nguồn thu nhập khá sau khi trừ chi phí.

Mô hình sản xuất dưa leo baby trong nhà lồng của anh Nguyễn Đức Thêm (huyện Chư Păh). Ảnh: Lê Nam

Mô hình sản xuất dưa leo baby trong nhà lồng của anh Nguyễn Đức Thêm (huyện Chư Păh). Ảnh: Lê Nam

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên: “Biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng phức tạp. Vì vậy, cần xây dựng quy hoạch ngành nông nghiệp gắn với quy hoạch kinh tế-xã hội của tỉnh để định hướng phát triển hết sức khoa học, xác định rõ nguồn lực, địa điểm cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp đồng bộ, chặt chẽ, khoa học, có hiệu quả. Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, ngành khoa học-công nghệ cần triển khai tốt các đề tài nghiên cứu phát triển nông nghiệp, đảm bảo có hiệu quả, thiết thực, phù hợp với thực tiễn sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp thông minh, nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất”.

Còn gia đình ông Phan Viết Dũng (tổ 4, thị trấn Chư Sê) được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện lựa chọn thực hiện mô hình “Trồng măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao”. Ông Dũng đã đầu tư gần 200 triệu đồng (trong đó huyện hỗ trợ 40% kinh phí) để dựng 1.000 m2 nhà màng, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, mua cây giống. Trên diện tích này, gia đình ông thu hoạch khoảng 8 kg măng/ngày. Với giá bán 60.000-80.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận mang lại khoảng 10-12 triệu đồng/tháng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê Nguyễn Văn Hợp cho biết: Nhờ đẩy mạnh thực hiện đề án “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025” nên diện tích cây ăn quả, cây dược liệu của huyện đã tăng từ 1.637,9 ha (năm 2018) lên 2.518 ha (năm 2020). Riêng năm 2020, thực hiện nghị quyết chuyên đề về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện đến năm 2025”, huyện đã tập trung phát triển các diện tích cây ăn quả (chuối, bơ, sầu riêng, mít, nhãn…), cây dược liệu và một số loại cây ngắn ngày.

Thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến cũng là giải pháp căn cơ để giải quyết các “điểm nghẽn” trong tái cơ cấu nông nghiệp. Không những giúp nâng cao giá trị nông sản, đây còn là lời giải cho bài toán “được mùa mất giá” tồn tại nhiều năm qua. Để làm được điều này, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực, từng bước hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, đảm bảo cung cấp cho các nhà máy chế biến những loại nông sản chất lượng.

Hưởng ứng chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh, ông Lưu Quốc Thạnh-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) cho biết: Dự án nhà máy chế biến trái cây Quicornac được khởi công vào đầu tháng 3-2021, dự tính cuối tháng 12 tới sẽ đưa vào vận hành thử nghiệm và chính thức đi vào hoạt động giai đoạn 1 ngay từ đầu năm 2022, góp phần tiêu thụ 62.500 tấn nguyên liệu/năm. Chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ trái cây nhiệt đới, bên cạnh nguồn nguyên liệu chính là chanh dây, dự án có thể được mở rộng để chế biến các loại trái cây khác như thanh long, dứa, xoài, vải, nhãn… Cùng với một số nhà máy đã đi vào hoạt động trước đó trên địa bàn tỉnh, đây là tín hiệu lạc quan đối với ngành công nghiệp chế biến.

Theo ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, một giải pháp quan trọng không kém để phục vụ đề án tái cơ cấu nông nghiệp là nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống thủy lợi; đầu tư nâng cấp, hoàn chỉnh các công trình, hệ thống chuyển nước từ các hồ chứa lớn đã có, kênh mương các cấp và kênh nội đồng phục vụ nước tưới cho các loại cây trồng; chú trọng đầu tư xây dựng các hồ chứa để chuyển nước tưới cho các vùng thường xuyên bị hạn. Hiện ngành đã và đang huy động nguồn lực xây dựng các công trình thủy lợi lớn nhằm cấp và tạo nguồn nước khắc phục hạn hán, phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp như: Ea Thul (huyện Ia Pa) đảm bảo năng lực tưới cho 7.700 ha, Suối Lơ (huyện Kbang) tưới 1.500 ha, Đak Pờ Tó (huyện Mang Yang) tưới 2.150 ha…

Đáng chú ý, tháng 8-2018, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với tổ chức iDE Việt Nam triển khai dự án phát triển thị trường công nghệ tưới tiết kiệm nước ở 4 huyện, thị xã gồm: Đak Pơ, Kông Chro, Kbang và An Khê với mục tiêu giúp nông dân trên địa bàn tỉnh tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng thu nhập (tối thiểu 8 triệu đồng/năm). Những thông tin tại hội nghị tổng kết dự án vào đầu năm 2021 đã khẳng định hiệu quả rõ rệt: Sau 3 năm triển khai, dự án tổ chức được 40 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho 1.200 nông dân trong vùng; hỗ trợ xây dựng 355 mô hình/355 hộ, mỗi mô hình 1,5-2,5 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước trên diện tích 1.000 m2. Đồng thời, dự án đã hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước được 2.753 hộ. Theo đánh giá, hệ thống tưới tiết kiệm nước đã giúp nông dân giảm công lao động, hiệu quả kinh tế tăng hơn 9,4 triệu đồng/ha/năm so với sản xuất theo lối truyền thống.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên yêu cầu cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành tiếp tục xác định nông-lâm nghiệp là thế mạnh và là nền tảng ổn định lâu dài, từ đó đầu tư nghiên cứu hoàn thiện cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho các vùng sinh thái đặc thù. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Cần phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với công nghiệp chế biến, liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ nhằm tạo sự đổi mới toàn diện, chuyển đổi mạnh mẽ của ngành nông nghiệp trong thời gian đến.

LÊ NAM - MINH NGUYỄN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8208/202111/de-nong-nghiep-la-tru-do-cua-nen-kinh-te-ky-cuoi-thao-go-cac-diem-nghen-5757517/