Đề phòng chấn động não trong thể dục, thể thao

Đã khi nào bạn va đầu vào thành giường, vào tường nhà, hay bị quả bóng văng mạnh vào đầu...? Sau va chạm đó, bạn cảm thấy choáng váng, hoa mắt rồi trở lại bình thường. Những va chạm đó bạn sẽ quên đi theo thời gian, nhưng nếu va chạm nhiều lần thì sẽ để lại những hậu quả lâu dài, vì bạn đã bị chấn động não.

Theo các nhà chuyên môn, chấn động não là chấn thương nhẹ gây tổn thương não, ảnh hưởng đến chức năng của não. Chấn động não thường gặp trong sinh hoạt, nhất là trong hoạt động thể dục thể thao, tùy theo mức độ chấn động có thể ảnh hưởng đến sức khỏe trong hiện tại cũng như trong tương lai.

Chấn động não thường gặp khi tập thể dục thể thao với các triệu chứng tâm thần - thể chất như: mất khả năng tập trung, hay quên, đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt. Thông thường các triệu chứng này không kéo dài quá vài tháng.

Trong một số trường hợp, chấn động não dẫn đến các triệu chứng dai dẳng về thể chất, tinh thần, cảm xúc và hành vi, đôi khi được gọi là hội chứng sau chấn động não. Chúng ta không biết chắc rằng các triệu chứng sau chấn động não là hậu quả của bệnh lý hay tâm lý.

Trong các trường hợp hiếm hoi, chấn động não lặp đi lặp lại, não có thể bị tổn thương và đe dọa đến cuộc sống nếu không được chú ý điều trị. Do đó các bậc cha mẹ nên đánh giá cẩn thận và quan tâm đến bất kỳ chấn động não liên quan đến thể dục thể thao của con mình.

Việc đánh giá mức độ chấn động não cần thực hiện ngay lập tức sau chấn động, đánh giá y tế cần phát hiện dấu hiệu sinh tồn của trẻ, mức độ bất tỉnh để loại trừ bất kỳ chấn thương nào khác như tổn thương cột sống. Hướng dẫn mới nhất chỉ ra rằng bất kỳ trẻ nào bị bất tỉnh cũng như các tổn thương xảy ra trong thời gian tập thể thao đều phải được đánh giá bởi nhân viên y tế cấp cứu của bệnh viện ngay lập tức.

Việc phòng tránh chấn động não cần được mọi người quan tâm, nhất là các bậc cha mẹ, tập trung vào các nội dung sau: trang bị cho các con kiến thức an toàn trong luyện tập, đội mũ bảo hiểm, tránh các động tác nguy hiểm khi chưa chuẩn bị bảo hộ tốt.

Tại các sân chơi, luyện tập thể dục thể thao không đặt các ghế đá sát sân chơi, nếu có phải có hàng rào mềm để ngăn cách; trong sân trường bố trí ghế đá hợp lý để tránh tình trạng các em va đập khi ra chơi; thường xuyên nhắc nhở, huấn luyện cho các em các biện pháp phòng ngừa va đập đầu vào vật cứng; trong sinh hoạt và luyện tập nên cẩn thận thực hiện các động tác đảm bảo an toàn; bố trí các giờ học, tập luyện thể dục thể thao phù hợp với lứa tuổi, cấp học; trường hợp va chạm vùng đầu - mặt - cổ vào vật cứng cần được nhân viên y tế kiểm tra, theo dõi...

BS NGUYỄN VINH QUANG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/322532/de-phong-chan-dong-nao-trong-the-duc-the-thao.html