Đề phòng rủi ro khi nộp lệ phí xét tuyển
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đến 17 giờ ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí theo số lượng nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến.
Sau thời gian này, Hệ thống đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024 (Hệ thống) sẽ “đóng cổng” để chuyển sang công đoạn khác. Vì thế, thí sinh cần sớm hoàn tất đề phòng rủi ro không đáng có.
Không để “áp chót”
Nhắc lại quy định của Bộ GD&ĐT, TS Nguyễn Thị Đông - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Học viện Chính sách và Phát triển (Hà Nội) nhấn mạnh, thí sinh phải thực hiện nộp lệ phí đăng ký xét tuyển theo hình thức trực tuyến đến 17 giờ ngày 6/8.
“Hết thời gian quy định, nếu thí sinh chưa hoàn tất nộp lệ phí, các nguyện vọng xét tuyển đăng ký trước đó không được công nhận”, TS Nguyễn Thị Đông lưu ý và khuyến cáo, thí sinh không nên để đến giờ “áp chót” mới thực hiện nghĩa vụ nộp lệ phí xét tuyển. Việc này có thể dẫn đến rủi ro không đáng có và khiến thí sinh “mất cả chì lẫn chài”.
Năm nay, Bộ GD&ĐT có một số quy định mới về thanh toán lệ phí xét tuyển đại học 2024, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh. PGS.TS Lê Đình Tùng - Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Đại học Y Hà Nội cho hay, Hệ thống cho phép thí sinh được lựa chọn 1 trong 17 kênh thanh toán khác nhau (cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia) để thực hiện đóng lệ phí xét tuyển. Thí sinh có thể tự thanh toán bằng tài khoản ngân hàng/tài khoản ví điện tử của bản thân (nếu có) hoặc nhờ người thân, thầy/cô giáo thanh toán hộ trên giao diện thanh toán của thí sinh.
GS.TS Lê Thanh Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) lưu ý, thí sinh chỉ thực hiện việc nộp lệ phí trên Hệ thống, không thực hiện trên bất kỳ kênh thanh toán nào khác. Ngoài ra, tại một thời điểm thí sinh không sử dụng tài khoản để đồng thời đăng nhập Hệ thống trên nhiều thiết bị khác nhau. Để việc thao tác thanh toán nhanh, gọn, chính xác, Bộ GD&ĐT đã khuyến cáo thí sinh nên sử dụng các kênh có hỗ trợ thanh toán nhanh bằng QR code như: Momo, Ngân lượng, Payoo, ví VNPT Money, Napas....
Năm nay, để tránh hiện tượng quá tải, thời gian thanh toán trực tuyến được Bộ GD&ĐT chia theo tỉnh, thành. Theo hướng dẫn, ngày 5 - 6/8 là đợt cuối của quy trình nộp lệ phí xét tuyển. Đợt này dành cho các tỉnh, thành phố: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Không nóng vội nếu gặp tình huống phát sinh
GS.TS Lê Thanh Sơn khuyến cáo, thí sinh/phụ huynh thực hiện các bước tương ứng kênh thanh toán đã lựa chọn, không đóng trình duyệt cho đến khi nhận được thông báo cuối cùng. Trường hợp gặp khó khăn khi thực hiện giao dịch, thí sinh/phụ huynh liên hệ số hotline hiển thị trên trang thanh toán (của kênh thanh toán đang thực hiện) để được hướng dẫn hoặc chuyển sang lựa chọn kênh thanh toán khác.
Trong trường hợp thí sinh/phụ huynh nhận được thông báo trừ tiền trong tài khoản nhưng không nhận được thông báo thành công trên Hệ thống, có thể liên hệ số hotline của kênh thanh toán hoặc tổng đài Hệ thống để phản ánh và nhận hỗ trợ kiểm tra, hướng dẫn. Lúc này, thí sinh nên bình tĩnh và không tự ý tiếp tục thanh toán. Thí sinh yên tâm sẽ được hoàn tiền thanh toán nếu vô tình thanh toán trùng.
Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, sau khi thanh toán thành công, thí sinh được xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí (biên lai thu lệ phí thí sinh có thể xem trên Hệ thống sau ngày 6/8/2024). Trường hợp nhận được thông báo giao dịch thất bại, thí sinh có thể thực hiện lại trên kênh thanh toán đó hoặc chuyển sang lựa chọn kênh thanh toán khác.
Khi gọi số hotline hỗ trợ, nếu cần cung cấp thông tin của giao dịch thất bại cho hỗ trợ viên, thí sinh bấm nút Lịch sử giao dịch (trong Hệ thống) để xem thông tin chi tiết: Mã hồ sơ; mã tham chiếu; mã giao dịch; mã ngân hàng; thời gian giao dịch; số tiền; trạng thái.
Theo kế hoạch, thí sinh của tỉnh Thanh Hóa hoàn tất việc nộp lệ phí xét tuyển từ 0 giờ ngày 2/8 đến 17 giờ ngày 3/8. Cô Hà Thị Thu – Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hóa) cho hay, từ khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT đến nay, nhà trường vẫn mở cửa phòng máy tính nhằm hỗ trợ cựu học sinh lớp 12 đến hoàn tất các quy trình liên quan đến công tác tuyển sinh.
Qua thực tiễn, cô Thu cho hay, quá trình thanh toán trực tuyến phụ thuộc việc kết nối nhiều hệ thống khác nhau. Vì vậy, thí sinh có thể gặp tình huống tắc nghẽn hệ thống. Trong trường hợp đó, các em nên bình tĩnh, không cố truy cập mà chờ khoảng 30 phút sau thực hiện lại. Nếu tiếp tục gặp “sự cố” có thể gọi đến các số hotline để được hỗ trợ.
Bộ GD&ĐT khuyến khích thí sinh truy cập bằng máy tính cá nhân, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh có màn hình đủ lớn (độ phân giải full HD 1920 x 1080), sử dụng trình duyệt Google Chrome hoặc FireFox phiên bản mới nhất.
Theo kế hoạch tuyển sinh, từ ngày 12/8 đến 16 giờ ngày 17/8, Bộ GD&ĐT tổ chức xử lý nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống. Quy trình này được thực hiện bởi 6 lần “lọc ảo”. Trước 17 giờ ngày 17/8, cơ sở đào tạo có thể công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 theo lịch chung. Chậm nhất là 17 giờ ngày 27/8, tất cả thí sinh trúng tuyển hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống.
Năm 2024, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT (tăng khoảng 45.000 thí sinh so với năm 2023). Tính đến thời điểm khóa cổng đăng ký xét tuyển trực tuyến - 17 giờ ngày 30/7, Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT ghi nhận hơn 733.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển, tương đương 68,5% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/de-phong-rui-ro-khi-nop-le-phi-xet-tuyen-post694535.html